Mt.Gox nộp đơn phá sản

Mt.Gox, từng là sàn giao dịch tiền ảo Bitcoin lớn nhất thế giới, vừa nộp đơn phá sản tại Nhật Bản và cho biết khoảng 850.000 Bitcoin tại sàn đã bị biến mất.

Mt.Gox, từng là sàn giao dịch tiền ảo Bitcoin lớn nhất thế giới, vừa nộp đơn phá sản tại Nhật Bản và cho biết khoảng 850.000 Bitcoin tại sàn đã bị biến mất.

Mt.Gox nộp đơn phá sản sau khi có những đồn đoán về số phận của sàn giao dịch, đã ngưng cho rút tiền vào ngày 7-2. Những diễn biến này khiến nhà đầu tư đặt vấn đề về ngành công nghiệp Bitcoin còn non trẻ. “Mt.Gox là sàn giao dịch duy nhất được các quỹ đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư tổ chức hỗ trợ. Sẽ mất thời gian để hệ thống Bitcoin chứng tỏ rằng đây chỉ là một quả táo sâu chứ không phải toàn bộ hệ thống” - Micky Malka, người sáng lập Ribbit Capital ở Palo Alto, California và cũng là một nhà đầu tư Bitcoin, nói.

Ngay sau khi Mt.Gox nộp đơn phá sản, giá trị Bitcoin giảm 2% xuống mức 563,7USD. Mt. Gox kiếm lời 135 triệu yen (1,33 triệu USD) trong năm tài chính vừa qua, ngày 28-2 đã nộp đơn lên tòa án Tokyo xin bảo vệ phá sản với khoản nợ vượt tài sản hiện có lên tới 2,7 tỷ yen. Mt.Gox cho biết đã mất 750.000 Bitcoin tiền của khách hàng và 100.000 Bitcoin của công ty, tổng cộng 850.000 Bitcoin (trị giá khoảng 480 triệu USD). CEO Mt.Gox Mark Karpeles cho biết công ty bị mất Bitcoin vì những yếu kém trong các biện pháp an ninh của hệ thống máy tính nội bộ.

Bitcoin tồn tại như một phần mềm, bất kỳ một máy tính hoặc máy chủ nào chứa các file này kết nối với internet đều có thể bị tiếp cận phi pháp. Chúng có thể bị đánh cắp nếu hacker xâm nhập các máy tính và máy chủ dùng để điều hành giao dịch trực tuyến, nơi đồng tiền ảo này được đổi ra USD, EUR và các loại tiền thực khác. Một tên trộm có thể đánh cắp đồng tiền ảo bằng cách sao chép chìa khóa bảo mật mà người dùng sử dụng để giao dịch Bitcoin.

Một phương pháp tiêu chuẩn để giữ Bitcoin an toàn là để đồng tiền ảo này trong những máy tính không kết nối internet. Một sàn giao dịch hay bất kỳ công ty nào xử lý số lượng lớn Bitcoin có thể lưu trữ phần lớn Bitcoin trong một máy tính hoặc ổ cứng không có kết nối với internet, mà dân trong ngành gọi là cách “bảo quản lạnh”. Các cá nhân hoặc doanh nghiệp có thể tự bảo vệ tiền Bitcoin của mình bằng cách di chuyển vật lý nơi chứa file Bitcoin sang “bảo quản lạnh” bằng cách dùng các ổ đĩa flash. Mt.Gox có lẽ đã thất bại trong việc bảo vệ cả số Bitcoin “online” và “offline” của công ty.

CEO Mt.Gox xin lỗi tại cuộc họp báo sau khi nộp đơn phá sản.

CEO Mt.Gox xin lỗi tại cuộc họp báo sau khi nộp đơn phá sản.

Akio Shinomiya, một luật sư của Mt.Gox, nói tòa án sẽ thông báo tới những khách hàng gửi tiền tại sàn giao dịch được Mt.Gox đề cập trong hồ sơ phá sản, trong khi những người gửi tiền khác sẽ phải tự báo với nhà chức trách. Tòa án sẽ xét xem ai được bồi thường. Công ty cũng thành lập tổng đài điện thoại để trả lời các câu hỏi của khách hàng về vụ phá sản.

Báo chí cho biết các nhà đầu tư trong sàn Mt.Gox đều đã chuẩn bị tâm lý chịu mất tiền cùng với sự sụp đổ của sàn giao dịch từng chiếm tới 1/4 giao dịch Bitcoin trên toàn thế giới. Dù vậy, Hiệp hội Bitcoin đang cố gắng bảo đảm với người dùng Bitcoin rằng tài khoản của họ sẽ không bị biến mất vì trộm cắp hay quản lý kém.

Các công tố viên ở Nhật Bản và Hoa Kỳ đã mở các cuộc điều tra những sự kiện dẫn tới việc đóng cửa và làm phá sản Mt.Gox. Nhà chức trách Hoa Kỳ cũng đang xem xét việc gia tăng các điều luật kiểm soát các loại tiền ảo. Cơ quan Ngân hàng châu Âu (EBA), thành lập năm 2011 để hài hòa các luật định của ngành ngân hàng tại 28 nước thành viên EU, cho biết sẽ sớm thành lập lực lượng đặc nhiệm để xem xét việc luật hóa Bitcoin và các giao dịch phái sinh Bitcoin. 

Các tin khác