Mua bán nợ: Vướng luật hay quá cứng nhắc?

(ĐTTCO) - Theo Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố mới đây có những rào cản quá cao và phi thị trường. Trong khi đó NHNN cho rằng dự thảo này dựa trên quy định tại Luật Đầu tư.

(ĐTTCO) - Theo Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố mới đây có những rào cản quá cao và phi thị trường. Trong khi đó NHNN cho rằng dự thảo này dựa trên quy định tại Luật Đầu tư.

Hợp pháp nhưng chưa hợp lý

Theo quy định tại Luật Đầu tư năm 2014, “dịch vụ mua bán nợ” được xếp vào danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, việc soạn thảo và ban hành nghị định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ của NHNN là phù hợp về mặt pháp lý. Tuy nhiên, về tính hợp lý, theo VCCI, khi xem là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đối với dịch vụ mua bán nợ lại bất hợp lý, vì vậy cần được cân nhắc, xem xét. Thí dụ, theo Điều 7.1 Luật Đầu tư 2014, điều kiện kinh doanh được áp dụng đối với các ngành nghề nhất định “vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng” (nói nôm na là mục tiêu công cộng). Tuy nhiên, đối với dịch vụ mua bán nợ, ban soạn thảo của NHNN chưa chỉ ra được mối liên quan nào giữa hoạt động kinh doanh này với những mục tiêu công cộng cần phải bảo vệ thông qua các điều kiện kinh doanh.

Nợ là loại hàng hóa đặc biệt và không phải ai cũng muốn mua, việc một chủ thể đứng ra chấp nhận mua một khoản nợ, tức chấp nhận những rủi ro về mình tại sao lại phải ràng buộc quá nhiều điều kiện để họ có thể mua được khoản nợ đó? Dưới góc độ thị trường, rất cần các chủ thể mua những khoản nợ để khơi thông dòng vốn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nói riêng và môi trường kinh doanh nói chung.

Mua bán nợ là giao dịch, trong đó quyền và nghĩa vụ đối với một khoản nợ được chuyển từ chủ thể này sang chủ thể khác. Vì thế, trong giao dịch mua bán, nợ là chỉ là loại hàng hóa để mua bán thông thường. Trong giao dịch mua bán nợ có thể có một số hoạt động kinh doanh chuyên nghiệp, như dịch vụ môi giới mua bán nợ, dịch vụ sàn giao dịch mua bán nợ và dịch vụ tư vấn mua bán nợ… Các hoạt động này giúp thúc đẩy, tăng hiệu quả mua bán nợ và là hoạt động kinh doanh chuyên nghiệp của các chủ thể nhất định nhằm thu lợi nhuận, không ảnh hưởng tới lợi ích công cộng. Do vậy, theo VCCI việc coi dịch vụ mua bán nợ là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện dường như chưa phù hợp với tinh thần của Luật Đầu tư năm 2014. Hơn nữa, ban soạn thảo của NHNN chưa có giải trình thuyết phục về việc cần thiết phải áp đặt điều kiện kinh doanh đối với hoạt động mua bán nợ ngoài lý do về mặt pháp lý như nêu ở trên.

Thực ra Luật Đầu tư nêu danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng giao Chính phủ quy định cụ thể về các nội dung liên quan. Điều này có thể được hiểu chỉ những ngành nghề được nêu trong danh mục tại luật mới có thể được quy định điều kiện kinh doanh, nhưng không có nghĩa là cứ có tên trong danh mục phải quy định điều kiện kinh doanh. Bởi lẽ, quy định như thế nào tùy thuộc vào cân nhắc của Chính phủ. Vì vậy, VCCI đề nghị ban soạn thảo cân nhắc không quy định về điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề này. Về lâu dài, VCCI kiến nghị bỏ ngành nghề này ra khỏi danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư năm 2014.

Can thiệp không cần thiết

Cũng theo Dự thảo quy định về các mức vốn doanh nghiệp phải đáp ứng nếu muốn kinh doanh dịch vụ mua bán nợ là 10 tỷ đồng, 100 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng. Theo VCCI, đây là những mức vốn quá cao và là rào cản đáng kể cho doanh nghiệp có thể tham gia vào thị trường. Hơn nữa mục tiêu của quy định còn chưa rõ ràng. Như đã phân tích ở trên, nợ được xem như một loại hàng hóa giao dịch của các bên, nếu có phát sinh bất kỳ rủi ro nào từ hoạt động này, các bên trong giao dịch sẽ bị ảnh hưởng, còn các lợi ích công cộng chưa thấy có sự tác động. Trong khi các quy định trong pháp luật dân sự đã đủ để giải quyết các tranh chấp và đảm bảo quyền lợi của các bên trong giao dịch.

Nếu đặt ra vốn pháp định của chủ thể kinh doanh dịch vụ mua bán nợ nhằm đảm bảo quyền lợi của người bán/mua nợ theo nghĩa phải có tiền mới mua được nợ, thực sự không cần thiết. Bởi lẽ đây là quan hệ thị trường, các chủ thể muốn mua/bán nợ phải tự chuẩn bị các điều kiện để có thể thực hiện giao dịch. Nhà nước không cần phải can thiệp theo hướng quy định ngưỡng vốn tối thiểu của các chủ thể này. Mặt khác, các dịch vụ mua bán nợ về bản chất đều là cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho việc mua bán nợ để hưởng thù lao, không trực tiếp mua bán nợ, không quyết định thành công hay không thành công của giao dịch mua bán nợ. Về logic việc bắt buộc các chủ thể cung cấp dịch vụ này phải có số vốn tối thiểu là không thích hợp.

Theo VCCI, ban soạn thảo NHNN nên cân nhắc, xem xét bỏ quy định về vốn pháp định. Nếu thực sự giải trình được lý do hợp lý về việc giữ quy định này, đề nghị xem xét hạ mức vốn xuống thấp hơn mức đề nghị và chỉ áp dụng với trường hợp cần thiết. Thí dụ như dịch vụ sàn giao dịch mua bán nợ, không phải toàn bộ các dịch vụ mua bán nợ.

Các tin khác