Mua hàng theo nhóm còn hấp dẫn?

CTCP VNG, đơn vị chủ quản website mua sắm điện tử Zing Deal (http://deal.zing.vn) thuộc mô hình mua theo nhóm đã thông báo sẽ chính thức ngưng mọi hoạt động của Zing Deal từ ngày 8-2-2012. Trước đó, từ 0 giờ ngày 5-2, Zing Deal đã dừng hệ thống nạp tiền vào website này.

Ra đời từ tháng 11-2010, tính đến nay, trang web này đã tồn tại được 15 tháng. Đây là một trong những website mua hàng theo nhóm xuất hiện đầu tiên ở Việt Nam.

Vì vậy, sự chấm dứt hoạt động của trang mua sắm cộng đồng này lại một lần nữa đặt dấu hỏi về sự tồn tại và phát triển của mô hình mua theo nhóm. Lâu nay, mua sắm trực tuyến đã dần dần trở thành thói quen của một bộ phận cư dân ở các thành phố lớn, nhất là trong giới trẻ. 2011 có thể xem là năm mô hình mua theo nhóm phát triển rầm rộ nhất.

Và trong năm 2012, nhiều chuyên gia tin rằng mô hình này sẽ được khai thác triệt để hơn nữa do DN đang muốn mở rộng kênh bán hàng còn người tiêu dùng có nhu cầu mua hàng giá rẻ ngày càng tăng cao.

Thời gian qua, các trang mua hàng theo nhóm cũng được đầu tư cho đội ngũ nhân viên khá bài bản từ khâu tiếp cận với các DN để tạo nguồn voucher đến khâu giao hàng. Song, theo phản hồi của khách hàng, cho đến nay cả DN cũng chưa thật sự hợp tác để nâng cao giá trị của mô hình này.

Do đó, khi tham gia mua hàng theo nhóm, nhiều khách hàng bẽ bàng khi thông tin quảng cáo trên website quá hấp dẫn nhưng đến nơi mua hàng ít khi nào có được món hàng như quảng cáo.

Việc bán hàng không như quảng cáo trên các trang mua sắm cộng đồng không phải là chuyện mới và không phải DN nào cũng bán hàng không đúng với thông tin quảng bá trên website. Tuy nhiên, việc VNG chấm dứt hoạt động của Zing Deal có thể khiến các DN nghiêm túc không còn mặn mà với hình thức mua chung trên mạng nữa vì tính không ổn định của kênh bán hàng này.

Mặc dù VNG  cam kết sẽ bảo đảm quyền lợi đầy đủ cho các đối tác và các khách hàng đã sử dụng dịch vụ trên Zing Deal đến thời điểm trang web này dừng hoạt động hoàn toàn nhưng nhiều người vẫn hoài nghi về cam kết này. Bởi vì khi trang web đã dừng hoạt động, chắc gì các cửa hàng còn cam kết hiệu lực của phiếu mua hàng và cũng không còn cơ sở đảm bảo phiếu mua hàng của các khách hàng đã mua có giá trị.

VNG thông báo Zing Deal ngừng hoạt động chỉ với lý do mong muốn phát triển hơn nữa hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam chưa phải là một lý do thuyết phục.

Đóng cửa một trang web mua sắm cộng đồng tuy chỉ là một vấn đề riêng của một đơn vị nhưng có thể ảnh hưởng đến tâm lý của DN và người tiêu dùng đối với mô hình mua hàng theo nhóm và vấn đề đặt ra là không biết sắp tới sẽ có bao nhiêu trang mua sắm cộng đồng sẽ nối bước Zing Deal rời khỏi cuộc chơi.

Đồng thời, sự kiện này đánh động đến vấn đề quản lý mô hình mua hàng theo nhóm, vì trong những năm qua, dù phát triển rầm rộ nhưng mua hàng theo nhóm vẫn chỉ giống như mô hình tự phát, thiếu sự hỗ trợ, thiếu sự quan tâm quy hoạch để tạo ra một kênh phân phối hàng ổn định cho DN và đảm bảo độ an toàn cho người tiêu dùng.

Các tin khác