Phong là loại cây thân gỗ với đặc tính lá đổi màu từ xanh sang vàng rồi đỏ tạo ra bức tranh phong cảnh đẹp đến nao lòng. Chúng ta thường thấy cảnh rừng phong mùa lá đỏ tuyệt sắc ở một số nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Canada… Những năm gần đây, nhiều nhóm bạn trẻ đi phượt đã phát hiện một số cánh rừng phong tuyệt đẹp ở vùng rừng núi phía Tây Bắc và Đông Bắc nước ta.
Tuy rừng phong ở Việt Nam không mọc đại trà, bao la như một số nước, nhưng mỗi khi vào mùa thay lá, màu sắc rực rỡ cũng tạo ra nét đẹp riêng vô cùng lãng mạn. Mỗi mùa lá phong ngả mầu rồi rụng bay theo nắng gió mùa đông khiến lòng người đi ngắm xao xuyến khôn nguôi. Để du khách có một hành trình trải nghiệm mùa lá phong đẹp ở phía Bắc, chúng tôi xin giới thiệu những điểm ấn tượng nhất.
Tả Liên Sơn (Lai Châu)
Tả Liên Sơn (Lai Châu)
Khách du lịch, đặc biệt là các nhóm yêu thích leo núi mấy năm nay đã dịch chuyển cung đường khám phá từ Fansipan, Lào Cai (do đã có cáp treo) sang trekking núi Tả Liên, huyện Tam Đường, Lai Châu. Anh Giàng A Páo - người Mông thường dẫn đường khách du lịch lên đỉnh núi (porter), cho biết từ độ cao 2.000-2.500m so với mực nước biển, du khách sẽ bắt gặp cánh rừng phong rất đẹp.
Trong cánh rừng già Tả Liên có những cây phong cổ thụ gốc lớn đến nỗi một người ông không xuể. Vào chính giữa đông lá phong ở các cây cổ thụ ngả vàng rồi chuyển sang đỏ. Nhiều cây phong rêu bám đầy trên thân gốc, nhưng lá vẫn nhuộm mầu vàng đỏ vô cùng hoang dã, diệu kỳ. Những cây phong ở đây đã tạo ra thứ gam mầu rực rỡ giữa bức tranh núi rừng xanh thăm thẳm.
Để đến được đây, du khách từ Hà Nội có thể bắt xe khách ở bến Mỹ Đình hoặc đi xe cá nhân lên Km17 thuộc Quốc lộ 4D, Tam Đường, Lai Châu (gần 400km), sau đó tiếp tục đến bản Tả Lèng, xã Tả Lèng, Tam Đường để xuất phát lên núi. Đối với các du khách đi theo nhóm hay cá nhân đều phải thuê các porter người Mông bản địa để dẫn đường lên núi, giá thuê người khuân đồ, dẫn đường khoảng 300.000-400.000 đồng/người/ngày.
Lưu ý, rừng phong cổ thụ ở đây thường đổi màu, thay lá đẹp nhất vào nửa đầu mùa đông (tháng 10, 11 âm lịch).
Mù Cang Chải (Yên Bái)
Mù Cang Chải (Yên Bái)
Mù Cang Chải là một huyện miền núi của tỉnh Yên Bái nổi tiếng với những thửa ruộng bậc thang hùng vĩ. Nhưng với nhiều phượt thủ mê leo núi, Mù Cang Chải vào mùa đông còn mang vẻ đẹp tuyệt hảo của những cánh rừng phong lá ngả sắc vàng rồi đỏ. Ở Mù Cang Chải có 2 địa điểm du khách có thể tìm đến khám phá.
Thứ nhất, núi Lùng Cúng (cao 2.913m so với mực nước biển) nằm ở xã Nậm Có, Mù Cang Chải. Thảm thực vật ở núi Lùng Cúng cuốn hút du khách bởi cảnh đẹp của những cánh rừng nguyên sinh hoang sơ quanh năm chìm trong mây mù. Đặc biệt ở đây, loài cây lá phong thường ngả mầu thay lá vào mùa đông khiến cánh rừng càng trở lên hùng vĩ, kỳ diệu.
Anh Nguyễn Văn Duy, một phượt thủ mới leo đỉnh Lùng Cúng cho biết: “Nhóm mình leo đỉnh Lùng Cúng khi thời tiết bắt đầu sang đông. Leo đến độ cao 1.800m so với mực nước biển sẽ bắt gặp những cây phong cổ thụ lá đã ngả màu vàng, xao xuyến góc trời. Có cây phong lớn gốc một người ôm không xuể, vài chiếc lá úa đỏ rơi xào xác theo gió đông. Những cây phong ở Lùng Cúng thường mọc xen kẽ với nhiều loài cây khác, có đoạn mọc tập trung, rải rác ven sườn núi cao. Cảnh tượng ấy khá hiếm gặp trong các chuyến du lịch, nên mọi người ấn tượng mãi không quên”.
Thứ hai, khu bảo tồn thiên nhiên Chế Tạo, xã Chế Tạo. Đây là điểm cuối của dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ chạy từ Lào Cai xuống Yên Bái. Ở Chế Tạo có những khu rừng nguyên sinh tuyệt đẹp với thảm thực vật phong phú. Trong đó những cây phong lâu năm luôn cuốn hút du khách vào mùa đông. Khác với núi Lùng Cúng, ở Chế Tạo du khách không phải vất vả leo núi, mà có thể đi trên cung đường bê tông nhỏ xuyên cánh rừng già để ngắm những thân cây phong cổ thụ. Cây phong già nua nằm ngay vệ đường buông lá đỏ rực trong nắng đông, giống như một bức tranh tuyệt mỹ của thiên nhiên khiến chúng ta ngẩn ngơ quên lối về.
Để đến Mù Cang Chải, du khách từ Hà Nội di chuyển theo Quốc lộ 32 khoảng 250km đến xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn. Từ đây du khách rẽ vào cung đường theo chỉ dẫn lên xã Nậm Có khoảng 15km. Từ trung tâm xã chúng ta di chuyển tiếp vào bản Tu San hoặc bản Lùng Cúng nằm dưới chân núi để khám phá rừng phong và chinh phục đỉnh cao 2.913m. Du khách cần thuê dẫn đường chuyên nghiệp người Mông tại 2 bản. Thời gian rừng phong Lùng Cúng đẹp nhất từ cuối tháng 11 đến Tết Dương lịch.
Với Khu bảo tồn thiên nhiên Chế Tạo, du khách di chuyển theo đường 32 từ Hà Nội lên thị trấn Mù Cang Chải (290km). Từ đây rẽ vào cung đường vào xã Chế Tạo dài 35km để tới rừng nguyên sinh. Cũng giống như Lùng Cúng, thời gian chiêm ngưỡng lá phong Chế Tạo vào cuối thu đầu đông.
Bình Liêu (Quảng Ninh)
Bình Liêu (Quảng Ninh)
Bình Liêu là một huyện miền cao của tỉnh Quảng Ninh với biên giới giáp Trung Quốc. Bình Liêu được dân du lịch mệnh danh là “Tiểu Tây Bắc” của miền Đông Bắc, bởi nơi đây cũng có những thửa ruộng bậc thang hùng vĩ, núi rừng hoang sơ. Nếu đến Bình Liêu vào mùa đông, chúng ta nên thong rong trải nghiệm phong cảnh trên cung đường tuần tra biên giới dài khoảng 80km.
Mùa đông ở trên miền biên viễn này trở nên đẹp lạ thường với mùa lau vàng úa cả một vạt đồng. Những cây phong ở đâu cũng bắt đầu ngả vàng khoe sắc trước đất trời. Phong ở cung đường tuần tra biên giới thường mọc rải rác bên suối hoặc ngay sát đường đi. Du khách chỉ cần dừng xe, đi bộ vài bước chân là có thể chụp ảnh cùng những cây phong đang ào ào chút lá vàng.
Cung đường tuần tra biên giới Bình Liêu nằm cách Hà Nội khoảng 260km theo hướng Quốc lộ 18. Thời gian đi và về cùng ngắm cảnh lá phong mất 2 ngày. Mùa phong đẹp nhất vào tháng 12 dương lịch. Đi trên cung đường này, du khách nhớ mang theo giấy tờ tùy thân để xuất trình lực lượng biên phòng khi cần.
Chùa Thanh Mai (Hải Dương)
Chùa Thanh Mai (Hải Dương)
Ở vùng núi Tam Ban, xã Hoàng Hoa Thám, huyện Chí Linh có một cánh rừng phong rộng hơn 100ha, được dân du lịch bình chọn đẹp nhất Việt Nam. Rừng phong này trải dài từ sườn lên đến đỉnh núi ở độ cao từ 150-200m so với mực nước biển. Giữa cánh rừng phong là ngôi chùa cổ Thanh Mai gắn liền với Thiền sư Pháp Loa của Trúc Lâm Yên Tử. Chính vì thế mỗi mùa phong thay lá cảnh sắc càng được cộng hưởng tạo lên vẻ đẹp ấn tượng. Nhiều bạn trẻ từ phương xa cứ đến giữa đông lại về đây chụp ảnh, ngắm lá phong và viếng chùa. Nhiều đôi tình nhân sắp kết hôn cũng đã chọn nơi này để chụp những bức hình cưới.
Mùa đông càng lạnh thì lá phong càng đỏ, tạo ra khung cảnh thiên nhiên đẹp lãng mạn. Nhiều du khách đến ngắm phong chùa ở Thanh Mai cho biết chỉ cần căn đúng mùa phong thay lá núi bên chùa là mọi người sẽ được chìm đắm tâm hồn dưới khung trời nhuốm mầu vàng đỏ đẹp tựa tranh vẽ.
Để đến được cánh rừng phong Thanh Mai, từ Hà Nội du khách đi theo Quốc lộ 1A rẽ sang Quốc lộ 18 đến xã Hoàng Tân Chi Linh (75km). Từ đây du khách rẽ vào đường 398b qua hồ Bến Tắm đến xã Hoàng Hoa Thám (12km), rồi đi dọc cung đường lên chùa Thanh Mai ngắm lá phong. Phong ở đây đẹp và kéo dài trong 2 tháng 11 và 12 âm lịch.
Ngoài những địa điểm có rừng phong đẹp ở trên, du khách nếu có dịp lên Cao Bằng vào đầu mùa đông hãy ghé thăm rừng phong mọc rải rác trên sườn núi bên hồ Bản Viết, thuộc xã Phong Châu, Trùng Khánh. Vào cuối thu đầu đông, những cánh rừng ven hồ bắt đầu ngả mầu, thay lá. Cả một vạt rừng đã nhuộm sắc vàng, đỏ của cây phong và những loài cây khác, cộng với làn nước hồ xanh biếc tạo lên bức tranh tuyệt sắc.