Tiêu chết hàng loạt
Vụ tiêu vừa qua, gia đình chị Nguyễn Thị Minh (ngụ xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh) bị thiệt hại gần 1.000 trụ tiêu đang độ tuổi thu hoạch. Khi mới phát hiện bệnh thì chỉ có vài trụ tiêu chết, sau đó tiêu chết thành từng cụm, lây lan nhanh vô phương cứu chữa. Những nọc tiêu kịp thời được cách ly tuy không bị lây bệnh nhưng cũng èo uột, thiếu sức sống. Để trang trải cuộc sống, gia đình chị Minh phải cưa bỏ toàn bộ vườn tiêu, chuyển đổi sang trồng cỏ nuôi bò.
6 năm trước, bên cạnh 1.500 trụ tiêu 4 năm tuổi, gia đình ông Trần Văn Lương (ngụ xã Tân Thành, huyện Bù Đốp) trồng thêm 1.000 trụ tiêu mới. Sau 3 năm, vườn tiêu được đánh giá đẹp nhất xã này bỗng ngả màu vàng và hơn 1 tuần sau thì rụng lá rồi chết hàng loạt. Dù gia đình ông Lương tìm mọi cách cứu vườn tiêu nhưng vô vọng, số tiền đầu tư xem như mất trắng, ước thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Hiện nay, gia đình ông đang cố gắng chăm sóc vườn keo (trụ sống tiêu) để lấy thức ăn cho dê và gom góp tiền trả nợ ngân hàng.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp, cho biết, cây hồ tiêu trên địa bàn bị bệnh chết là do khi giá tiêu tăng cao đột biến, bà con nông dân đã ồ ạt chuyển đổi cây trồng sang trồng hồ tiêu, trồng cả ở nhiều vị trí không phù hợp cho sự phát triển của cây tiêu. Do trồng nhiều nên các hộ dân chủ quan, không kiểm tra, kiểm soát tốt giống cây trồng khi mua, có một số loại giống không bảo đảm phát triển lâu dài. “Nhiều người trồng tiêu cũng chăm sóc chưa đúng kỹ thuật, không phù hợp với sự phát triển, sinh trưởng của cây tiêu, sử dụng một số loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật không phù hợp”, ông Bắc cho biết.
Theo thống kê mới nhất của Bộ NN-PTNT, trong năm 2018 và đầu năm 2019, diện tích hồ tiêu chết tại các tỉnh Gia Lai là 5.547ha, Đắk Lắk 2.219ha, Đắk Nông 1.827ha, Đồng Nai 831ha và Bình Phước 962ha. Trong đó, riêng tại Bình Phước, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 574ha hồ tiêu bị bệnh chết nhanh gây hại, tập trung nhiều tại huyện Bù Gia Mập với 107ha và huyện Bù Đốp là 25ha.
Loay hoay tìm giải pháp
Không chỉ đối mặt với giá rớt kỷ lục, mà vào thời điểm này, người trồng hồ tiêu còn đang đối mặt với tình trạng mất mùa do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết. Nhiều vườn tiêu sau khi ra hoa, trái đậu rất ít và thậm chí còn rụng đầy gốc. Gia đình ông Đặng Văn Lập (ngụ xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp) có 1.000 trụ tiêu, vụ mùa năm 2018 thu được 4 tấn, năm nay ông mạnh dạn đầu tư khoảng 50 triệu đồng mua phân thuốc các loại. Dù giá tiêu rớt xuống chỉ còn 37.000 đồng/kg nhưng ông mừng vì vườn tiêu xanh tốt, hoa ra nhiều và dự kiến sẽ thu lợi. Tuy nhiên cận kề ngày kết trái thì hoa hồ tiêu rụng đầy gốc, trơ cành lá.
Ông Lập buồn rầu nói: “Vườn tiêu được gia đình tôi chăm sóc rất kỹ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đúng theo quy trình nhưng không hiểu tại sao gặp hiện tượng hoa chưa kịp đậu trái đã rụng quá nửa. Tôi chỉ mong các cơ quan vào cuộc xem xét hỗ trợ bà con nông dân”. Tương tự, vườn tiêu nhà anh Nguyễn Văn Thành (ngụ xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập) có 400 trụ tiêu cũng rụng bông hàng loạt. Hơn 20 năm trồng tiêu, chứng kiến nhiều lần thiệt hại nhưng đối diện với khả năng mất trắng ngay trước vụ khiến gia đình anh rất lo lắng.
Theo các nhà vườn tại huyện Bù Gia Mập, năm nay hiện tượng mưa đến muộn, thời tiết khô nóng, độ ẩm không khí thấp đã dẫn đến tình trạng trên. Trước tình trạng tiêu chết, Sở KH-CN Bình Phước đã mời các nhà khoa học về khảo sát, tìm hiểu nguyên nhân, từ đó có giải pháp giúp người dân. Còn hiện tại, biện pháp chính vẫn là người trồng tiêu tự cứu mình bằng những kinh nghiệm vốn có cùng với những khuyến cáo của các cơ quan chức năng.
Ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, thừa nhận có tình trạng tiêu chết nhiều do giá cả xuống thấp kéo dài suốt một thời gian dài nên nhiều vườn tiêu trồng trên đất không phù hợp, có năng suất thấp, bà con không đầu tư chăm sóc hoặc mạnh dạn chuyển đổi sang cây trồng khác có hiệu quả cao hơn nên đã ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch.
Theo dự báo, do vẫn thừa nguồn cung trên phạm vi toàn cầu nên trong 5 năm tới, giá tiêu chưa thể lên lại, việc mạnh dạn chuyển đổi sang cây trồng khác để giảm mạnh diện tích, sản lượng cũng là một giải pháp quan trọng để vực dậy giá trị của hồ tiêu xuất khẩu và cần được các địa phương có diện tích hồ tiêu lớn nhất nước như Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Gia Lai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai quan tâm; cần có chính sách khuyến khích hỗ trợ việc chuyển đổi này cho các nông hộ. |