Gần như tất cả mặt hàng đều có thể mua được ở đây. Và lẽ dĩ nhiên khi kinh doanh trên mạng phát triển, khi người bán và người mua chỉ giao dịch với nhau thông qua những bảng chat và những cú click chuột hay những màn hình livestream, cũng kéo theo nhiều hành vi kinh doanh trái pháp luật là bán hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng thậm chí hàng cấm cũng không thiếu.
Thực tế việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên mạng internet không phải mới xuất hiện gần đây. Người tiêu dùng phản ánh nhiều, cơ quan chức năng cũng bắt giữ không ít vụ với quy mô lớn, lợi nhuận khủng. Nhiều giải pháp, chế tài cũng được các cơ quan chức năng đưa ra, nhưng chung quy vẫn do môi trường mạng quá rộng lớn, các đối tượng vi phạm ngày càng chuyên nghiệp và tinh vi, lực lượng chức năng mỏng, lại thêm chế tài chưa đủ mạnh, nên khi kinh doanh mạng càng phát triển, những hành vi vi phạm nói trên lại càng có đất tung hoành. Những hành vi này không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng, còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh uy tín.
Mới đây, trả lời trên truyền thông, đại diện Bộ Công Thương khẳng định trong thời gian tới sẽ chủ trì cùng với các cơ quan liên quan để rà soát và xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm trên, với những mức phạt cũng rất rõ ràng. Thí dụ, hành vi kinh doanh hàng giả, hàng cấm trên internet có thể bị xử phạt 20-30 triệu đồng. Với hành vi giả mạo logo đã đăng ký Bộ Công Thương, mức phạt cũng 20-30 triệu đồng. Đó là với cá nhân, còn với doanh nghiệp mức phạt sẽ nhân đôi.
Thoạt nhìn, mức phạt với cá nhân lên tới 30 triệu đồng cho hành vi kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng cấm trên mạng internet, nhiều người sẽ thấy đây là mức phạt không nhẹ. Thế nhưng nhìn kỹ sẽ nhận ra mức phạt 30 triệu đồng thực ra cũng chỉ như “gãi ngứa”. Vì lợi nhuận từ kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng cấm là con số không nhỏ. Đó là chưa kể thông thường những cá nhân này phải kinh doanh một thời gian mới bị các cơ quan chức năng bắt, phạt lúc đó quy mô đã mở rộng và mức lợi nhuận đã rất khủng. Tương tự với doanh nghiệp nếu mức phạt gấp đôi tức 60 triệu đồng cũng không ăn thua.
Như đã biết, trong năm 2021 một số kho hàng khủng tại Hà Nội, Ninh Bình với hàng ngàn mã hàng giả, hàng nhái các thương hiệu lớn từ mỹ phẩm đến quần áo, phụ kiện, giày dép… đã bị cơ quan chức năng bắt giữ. Chủ của các kho hàng này chủ yếu kinh doanh thông qua hình thức livestream bán hàng trên mạng xã hội facebook với hàng chục nick và fanpage khác nhau.
Trung bình mỗi ngày có tới gần 3.000 đơn hàng được gửi đi từ các kho hàng này, doanh thu lên tới vài trăm triệu thậm chí cả tỷ đồng 1 ngày. Tất nhiên, với những kho hàng lớn bị bắt giữ như thế các hình thức xử phạt sẽ nặng hơn. Song điều này cho thấy quy mô kinh doanh hàng giả, nhái trên mạng không hề nhỏ, nên mức phạt cũng phải thực sự khiến người kinh doanh lo ngại mới có thể phần nào răn đe và ngăn chặn những hành vi vi phạm như hiện nay.
Để triệt phá hành vi kinh doanh vi phạm này cần có sự chung tay của người tiêu dùng, bởi có cầu mới có cung. Song điều này không dễ vì tâm lý của nhiều người vẫn thích mua “hàng hiệu giá bình dân”. Dường như việc xử lý các hình thức vi phạm khi kinh doanh trên mạng rồi sẽ lại đi vào ngõ cụt. Những vụ quá lớn có thể tiếp tục bị bắt giữ, nhưng còn vô vàn người kinh doanh gian dối khác sẽ là bài toán khó cho cơ quan chức năng. Người tiêu dùng vẫn cứ mua sắm online, mua được hàng tốt, chính hãng thì không bàn, nhưng mua phải hàng giả, nhái, kém chất lượng coi như xui. Mọi thứ đâu lại vào đó.