Dự kiến hôm nay 11-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ cho ý kiến về dự án Luật Việc làm. Đây là dự luật từng bị UBTVQH gác lại và Chính phủ xin rút ra khỏi chương trình xây dựng luật cuối năm 2012 của Quốc hội vì nhiều nội dung chưa thuyết phục, trong đó có quy định về bảo hiểm việc làm.
![]() |
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, hiện có gần 40 triệu lao động "ngoài vùng" chính sách. Nhằm bảo đảm quyền lợi cho tất cả người lao động, dự thảo Luật Việc làm sẽ mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm việc làm.
Theo dự luật, đối tượng được hưởng loại hình bảo hiểm việc làm này là những người có nguy cơ bị sa thải cần chuyển sang làm công việc mới do doanh nghiệp thay đổi công nghệ hoặc lĩnh vực sản xuất kinh doanh mới. Nguyên tắc tham gia bảo hiểm việc làm của người lao động là phải đóng 1% tiền lương, tiền công tháng, người sử dụng lao động đóng 1,5% và ngân sách nhà nước hỗ trợ 1%.
Người lao động sẽ được hưởng chế độ trợ cấp 60% mức tiền lương, trợ cấp tháng đóng bảo hiểm của 6 tháng liền kề trước khi chấm dứt hợp đồng lao động. Bảo hiểm việc làm cũng mở rộng hỗ trợ với lao động đang làm việc và các doanh nghiệp để duy trì sự ổn định, phát triển cho doanh nghiệp và duy trì việc làm cho người lao động; đồng thời hạn chế, phòng ngừa thất nghiệp.
Dự luật nhằm hướng tới bắt buộc mọi người lao động, chủ sử dụng lao động và kể cả người lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hình thức doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu ở nước ngoài đều phải tham gia. Về cơ bản, bảo hiểm việc làm không phải là bảo hiểm thất nghiệp. Và nếu Luật Việc làm được thông qua sẽ tách bảo hiểm thất nghiệp ra khỏi bảo hiểm xã hội.
Nếu theo lý giải của cơ quan soạn thảo, xem ra những quy định mới của dự thảo Luật Việc làm là cần thiết để bảo vệ quyền lợi người lao động. Tuy nhiên, phân tích kỹ sẽ thấy nhiều vấn đề chưa ổn, nhất là quy định được xác định là “quan trọng nhất” của dự luật: đưa ra chính sách bảo hiểm việc làm nhằm thay thế bảo hiểm thất nghiệp.
Tại phiên họp của UBTVQH cuối năm 2012, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng cần cân nhắc việc đổi tên bảo hiểm thất nghiệp thành bảo hiểm việc làm, vì mục đích vẫn chủ yếu giải quyết chính sách thất nghiệp. Trên thế giới có khoảng 80 quốc gia đang thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, rất ít nước có bảo hiểm việc làm.
Nhiều ý kiến cũng lo ngại dự luật sẽ có sự chồng chéo, mâu thuẫn với các đạo luật khác. Mặt khác, việc đổi tên bảo hiểm thất nghiệp thành bảo hiểm việc làm và tách ra khỏi bảo hiểm xã hội sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp khi phải đóng mỗi loại bảo hiểm một nơi, thay vì chỉ đóng thêm 1% bảo hiểm thất nghiệp như hiện nay. Trong khi xu hướng thế giới là tích hợp các dịch vụ, phúc lợi xã hội thành một thẻ, với dự án Luật Việc làm, người lao động phải có thêm một sổ bảo hiểm việc làm khi đã có sổ bảo hiểm xã hội.
Thực tế cho thấy, nhu cầu giải quyết bảo hiểm thất nghiệp rất lớn. Từ đầu năm đến nay tại Hà Nội có trên 2.000 người lao động đến đăng ký bảo hiểm thất nghiệp, TPHCM khoảng 5.000 người. Năm 2013, dự báo lượng người thất nghiệp sẽ tiếp tục tăng ước đạt 150.000 người.
Song điều đáng nói, số người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp luôn tỷ lệ nghịch với số người được hỗ trợ học nghề. Tình trạng lợi dụng bảo hiểm thất nghiệp để trục lợi vẫn xảy ra. Từ trước đến nay, bảo hiểm thất nghiệp vẫn được xem là "giá đỡ" cho người lao động.
Do đó chỉ nên điều chỉnh lại những quy định chưa phù hợp để chính sách này thực sự tạo việc làm bền vững cho người lao động, không nên tăng thêm thủ tục, vừa gây rắc rối và thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.
Chưa rõ dự thảo Luật Việc làm có nhận được sự ủng hộ của UBTVQH, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng dự thảo này là sự sao chép các đạo luật như Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Dạy nghề... nhằm “che” mục đích chính là chuyển toàn bộ 14.000 tỷ đồng kết dư từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp sang Quỹ Bảo hiểm việc làm, mà không hướng tới mục đích quan trọng hơn là tạo việc làm bền vững cho người lao động.
Cũng cần nhắc lại là tại phiên họp của UBTVQH ngày 5-10-2012, trước khi đưa ra quyết định tạm gác dự thảo Luật Việc làm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nói thẳng: “Vấn đề quan trọng là chính sách phải giải quyết được việc làm cho người dân; để người chưa có việc làm sẽ có việc làm, ai đang có việc sẽ không bị thất nghiệp. Tuy nhiên, những vấn đề này không thấy luật đề cập”.