Núi Phú Sĩ, ngọn núi cao nhất và là biểu tượng của đất nước Nhật Bản. Ngọn núi có dạng hình nón, trông từ xa như một kim tự tháp khổng lồ. Ngoài ra, đối với từng mùa hoặc từng thời điểm trong ngày, núi Phú Sĩ hiện lên với những màu sắc lung linh khác nhau như bức tranh thiên nhiên đa sắc của xứ sở mặt trời mọc.
Ngọn núi đứng đầu “tam linh sơn”
Nhật Bản là quốc gia có địa hình chủ yếu đồi núi và có đến hàng ngàn ngọn núi lớn nhỏ. Trong đó, có 3 ngọn núi thiêng được gọi là “tam linh sơn” gồm núi Haku, núi Tate và núi Phú Sĩ (núi Fuji).
Núi Phú Sĩ là ngọn núi cao nhất Nhật Bản và cao thứ 7 tại châu Á với độ cao 3.776m trên mực nước biển, gần với bờ biển Thái Bình Dương. Ngọn núi nằm trên đảo Honshu và cách thủ đô Tokyo khoảng 100km về phía Tây Nam. Vốn là một núi lửa dạng tầng đã ngưng hoạt động và phun trào cuối vào năm 1707-1708, giờ đây núi Phú Sĩ trở thành một cảnh quan đặc biệt của Nhật Bản, ngọn núi thiêng của đất nước Phù Tang và là nơi nuôi dưỡng cảm hứng nghệ thuật của các nghệ sĩ. Đến nay, nguồn gốc tên gọi của núi Phú Sĩ vẫn còn nhiều ý kiến chưa được thống nhất, còn hiểu theo nghĩa chiết tự chữ Hán, Phú Sĩ có nghĩa là “sự giàu có” hoặc “phong phú” và “một người có địa vị”.
Phong cảnh núi Phú Sĩ càng thêm huyền ảo khi xung quanh núi là 5 hồ nước ngọt rộng lớn, gồm hồ Kawaguchi, hồ Yamanaka, hồ Sai, hồ Motosu và hồ Shōji, cảnh quan tự nhiên này được gọi là Phú Sĩ Ngũ Hồ, một phần của Vườn quốc gia Fuji-Hakone-Izu. Các hồ này đều được tạo ra do hoạt động của núi lửa Phú Sĩ nên càng trở nên linh thiêng. Đỉnh núi được phủ tuyết khoảng 5 tháng mỗi năm càng tạo nên sự khác biệt với những ngọn núi khác.
Từ xa xưa, người dân Nhật Bản đã rất coi trọng núi Phú Sĩ như một ngọn núi thiêng, thậm chí họ không cho phép phụ nữ đặt chân lên ngọn núi này. Phía dưới chân núi có rất nhiều đền, chùa và các công trình tín ngưỡng khác. Sau thời đại Minh Trị phụ nữ mới có cơ hội leo lên núi Phú Sĩ. Ngoài ra, núi Phú Sĩ còn là địa điểm truyền thống của các võ sĩ samurai, thường tới đây tập luyện hoặc thi đấu các trận đấu quan trọng dưới chân núi.
Người Nhật Bản tin rằng, mỗi người trong đời nên ít nhất leo núi Phú Sĩ một lần. Mỗi mùa hè, có tới hơn 300.000 du khách (gần 30% du khách quốc tế) tới leo núi theo 4 con đường mòn. Hầu hết họ đều leo vào ban đêm để kịp đón mặt trời mọc trên đỉnh núi và buổi bình minh. Năm 2013, núi Phú Sĩ được UNESCO công nhận là di sản thế giới với tư cách là địa điểm văn hóa.
Ngọn núi đổi màu
Ngọn núi đổi màu
Núi Phú Sĩ là ngọn núi cao, vậy nên ngay buổi bình minh và hoàng hôn đã có thể thấy được sự đổi màu huyền ảo. Mỗi khi mặt trời lên đến đỉnh núi, giống như viên kim cương phát sáng gắn trên đỉnh nón và tạo ra một vệt sáng dài nằm giữa lòng hồ. Còn lúc mặt trời đã đứng bóng, núi và bóng tạo thành một trục đối xứng trên dưới mặt hồ như chiếc gương khổng lồ tạo nên vĩ cảnh này. Vào buổi hoàng hôn, khi mặt trời dần khuất sau ngọn núi, dưới chân núi ánh đèn hiện lên xung quanh tạo thành 3 dải màu rõ rệt. Đỉnh núi được bao phủ bởi tuyết, thân núi màu xanh sẫm của cây rừng và chân núi như hàng vạn con đom đóm lập lòe.
Mùa xuân, khi tiết trời ấm dần, những thảm cỏ dưới chân núi xanh mướt khác hẳn với màu sẫm quanh năm. Bầu trời cũng quang mây hơn, ánh nắng chiếu rọi tạo ra không gian càng thêm bao la. Kèm thêm mây lơ lửng đôi lúc có ánh hồng hiện lên khung cảnh như chốn thần tiên hiện hữu ngay trước mắt du khách.
Vào mùa thu, tiết trời trong xanh, khí hậu mát mẻ, cây lá bắt đầu chuyển sang màu vàng hoặc đỏ, rụng dần. Dưới chân núi Phú Sĩ có rất nhiều cây phong lá đỏ, khi đi giữa những rừng phong sẽ thấy mặt hồ ửng đỏ do phản chiếu từ lá phong. Thời điểm này thu hút rất nhiều khách du lịch bởi khung cảnh lãng mạn và nhịp sống bình yên của cư dân vùng chân núi. Tản bộ dưới hàng cây lá phong, nghe tiếng xào xào, du khách còn có thể bắt gặp một số loài động vật hoang dã.
Còn sang tới mùa đông, lúc tuyết rơi dày, núi Phú Sĩ lại khoác lên mình nét trầm mặc như đang cố dang rộng vòng tay ôm trọn khu dân cư phía dưới. Tuyết phủ dày lên các mái nhà, cây cối, bầu trời tối đặc nhưng trông từ xa vẫn nhìn rõ ngọn núi với đỉnh núi trắng tinh của tuyết. Thời điểm này ít có du khách leo núi, họ thường tới chùa Chuurei-tou và ngắm nhìn núi Phú Sĩ từ xa.
Ngoài tham quan núi Phú Sĩ, du khách có thể tham quan các địa điểm khác gần đó như núi Hoeizan, chùa Chuurei-tou, dòng sông Sagami và đặc biệt là khu rừng kỳ bí Aokigahara và hang Băng.