Phần lớn đại biểu Quốc hội đều băn khoăn về khả năng tiêm vaccine cho toàn dân trong thời gian sớm nhất. Tính đến cuối năm 2021, Việt Nam ký kết mua được 160 triệu liều vaccine, đủ đạt miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, ngoài việc vaccine về chậm vì nguồn cung không dồi dào, việc nghiên cứu và chọn lựa vaccine phù hợp cho từng đối tượng vẫn còn nhiều âu lo.
Qua gần 2 năm chống dịch, nhiều quốc gia tiến bộ trên thế giới cũng loay hoay trước bài toán “zero F0” khó đạt được. Do đó, sự lúng túng của Việt Nam cũng không ngoại lệ, và Chính phủ đã quyết định mở cửa từng bước các hoạt động thương mại, dịch vụ. Thế nhưng, nếu tỷ lệ tiêm chủng nằm ở mức thấp, hành trình chuyển sang trạng thái bình thường mới khá nhọc nhằn.
Hệ thống y tế cơ sở chưa được đầu tư thỏa đáng và ngành công nghiệp dược của Việt Nam vẫn quá non trẻ, khi đương đầu đại dịch toàn cầu. Thực tế ấy đã gây ra những mất mát không nhỏ, nhưng cũng tích lũy được kinh nghiệm cho tương lai. Hiện tại, đã xuất hiện nhiều ca dương tính với virus corona khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, nên giải pháp tối ưu cho chiến lược tiêm vaccine nên được cân nhắc cẩn trọng hơn.
Có thể tăng tốc độ miễn dịch cộng đồng bằng cách xã hội hóa vaccine?
Những tập đoàn kinh tế hùng hậu có thể được phép giao dịch theo kênh riêng để thương lượng nhập khẩu vaccine cho một bộ phận xã hội, nhưng nhất định phải duy trì phương án vaccine miễn phí cho người dân. Huy động các đơn vị y tế tư nhân để tiêm vaccine sẽ tận dụng được đội ngũ trợ lực hùng hậu và chuyên nghiệp, nhưng nếu thu phí dịch vụ sẽ cản trở mục tiêu bao phủ vaccine rộng khắp.
Số ca nhiễm mới đang tăng cao ở ĐBSCL và Tây nguyên. Nhiều tỉnh thành phía Bắc cũng cảnh giác thay đổi cấp độ nguy cơ chống dịch từ “vùng xanh” sang “vùng vàng”. Nhiều chuyên gia y tế dự báo sẽ có làn sóng F0 mới ở những địa phương tương đối khuất nẻo, nơi điều kiện sinh hoạt của người dân đang gặp nhiều khó khăn. Nghĩa là, đã đến lúc ưu tiên đưa vaccine về vùng sâu, vùng xa.
Thực tế trên cho thấy, chủ trương thống nhất để ứng phó linh hoạt với đại dịch trong bối cảnh bình thường mới, vẫn là vaccine + 5K. Thế nhưng, khi tỷ lệ tiêm vaccine chưa đạt 100% phạm vi toàn quốc, việc đi lại và nhiều hoạt động khác của người dân giữa các vùng phải đòi hỏi kết quả xét nghiệm âm tính. Từ đó, một thị trường dịch vụ xét nghiệm đã hình thành với những màu sắc đáng bận tâm.
Ông Trịnh Xuân An, ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, đã nêu ra vấn đề loạn giá xét nghiệm do không có vai trò điều tiết của cơ quan chuyên trách phòng chống dịch. Bộ Y tế không quy định giá và các địa phương tự thực hiện khiến mỗi nơi một giá. Ngay cả thông tin giá mỗi kit test nhanh chỉ nằm ở mức 25.000 đồng trong các giao dịch thương mại quốc tế, nhưng khi về Việt Nam đội lên rất nhiều, cũng chưa được làm rõ.
TPHCM đã công bố bảng giá dịch vụ xét nghiệm nhanh của 169 cơ sở y tế, cũng biểu hiện sự chênh lệch ở từng nơi về giá niêm yết cho mỗi lần xét nghiệm nhanh. Với hệ thống bệnh viện công lập, nếu Bệnh viện Nhân dân 115 chỉ thu 60.000 đồng, thì Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi lại thu 168.000 đồng, còn Trung tâm y tế huyện Cần Giờ thu đến 198.000 đồng.
Với hệ thống bệnh viên tư nhân, Bệnh viện FV thu 500.000 đồng, Bệnh viện Quốc tế Mỹ thu 800.000 đồng. Các phòng khám tư nhân thu từ 200.000-350.000 đồng. Thế nhưng, trên thực tế nhiều cơ sở y tế công lập cũng thu phí cao hơn mức giá niêm yết. Chẳng hạn, dù Sở Y tế cho phép thu 99.750 đồng mỗi lần xét nghiệm nhanh, nhưng Bệnh viện quận Gò Vấp vẫn thu 206.000 đồng với lý do cộng thêm 81.000 đồng phí dịch vụ.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa của tỉnh Đồng Tháp, cho biết ông làm xét nghiệm tại Sân bay Tân Sơn Nhất hơn 400.000 đồng, giá này rất tội cho người dân. Ngành y tế không kiểm soát giá xét nghiệm là thiếu sót, ngay trong một quận giá xét nghiệm cũng có nhiều mức khác nhau.
Tương tự, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí của Hà Nội, cũng khẳng định loạn giá xét nghiệm là có thật và đề nghị Bộ Y tế có thông tư quy định giá trần với y tế tư nhân. Giá xét nghiệm ở các cơ sở y tế tư nhân có thể cao nhưng không thể quá cao. Bộ Tài chính cũng cần có hướng dẫn về giá để đảm bảo quyền lợi của người dân, cũng như tạo điều kiện đơn vị y tế tư nhân chân chính được tham gia công tác phòng, chống dịch. Mặt khác, các bộ liên quan cần tăng cường giám sát để tránh loạn giá, sử dụng test xét nghiệm trôi nổi.
Giá cả đã không được kiểm soát cho phù hợp mục tiêu chung đẩy lùi dịch bệnh, trong khi hiệu quả của việc xét nghiệm nhanh cũng khá mơ hồ. Sở Y tế TPHCM khẳng định kỹ thuật xét nghiệm nhanh không thay thế xét nghiệm RT-PCR, chỉ dùng để hỗ trợ trong việc giám sát, phát hiện, chẩn đoán mắc Covid-19.
Như vậy, có rất nhiều băn khoăn nên đặt ra cho thị trường xét nghiệm nhanh, vì giai đoạn thích ứng bình thường mới không thể xem là cơ hội kiếm tiền của những doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối kit test nhanh. Bây giờ là lúc ngành y tế phát huy trách nhiệm tiên phong khống chế Covid-19 bằng những quan điểm khoa học mạch lạc. Rất nhiều câu hỏi nên giải đáp đầy đủ và thuyết phục.
Giải trình tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cho biết hiện nay chưa có quy định về mức trần cũng như biện pháp chế tài đối với hành vi nâng giá xét nghiệm. Nói thế, liệu phương thức thực thanh thực chi Bộ Y tế ban hành văn bản có được kiểm tra thường xuyên? Bây giờ, Nghị quyết 128 thích ứng linh hoạt và hiệu quả với Covid-19 đã được triển khai đồng bộ, nhưng giá xét nghiệm vẫn loạn, làm sao chủ động bình thường mới?
Một khi các Sở Y tế đã niêm yết công khai bảng giá xét nghiệm cho các đơn vị y tế, thanh tra y tế cần nghiêm túc xử lý những nơi thu phí xét nghiệm cao hơn quy định. Không thể dung túng cho bất kỳ hành vi trục lợi nào trong công tác chống dịch, nhất là đối với dịch vụ xét nghiệm nhanh.