Như một lời “hò hẹn” của thiên nhiên, hàng năm, từ tháng 7 đến cuối tháng 10 âm lịch, miền Tây lại bước vào mùa nước nổi mang theo phù sa cùng biết bao sản vật tự nhiên.
Năm nay, con nước về muộn hơn mọi năm, nhưng cứ có nước là có tôm, cá... nên người dân sống dọc theo các cánh đồng, bờ kênh của tỉnh An Giang lại bắt đầu vào cuộc mưu sinh mới bằng việc đánh bắt thủy sản mùa nước nổi để có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống.
Theo kinh nghiệm của người dân miền Tây, hàng năm, cứ tháng 7 Âm lịch, khi ngoài đồng chỉ còn màu vàng cháy của gốc rạ, ngai ngái mùi tro và những cơn mưa về thường nhật hơn, nghĩa là mùa nước nổi hay mùa lũ về.
Thời điểm này, để rửa đất, mang phù sa vào ruộng sau khi thu hoạch vụ lúa Hè Thu, nhiều cánh đồng ở huyện An Phú, Châu Phú, Thoại Sơn, Phú Tân, thị xã Tịnh Biên và thị xã Tân Châu đã được người dân mở cống, cho nước vào ngập đồng ruộng.
Đây cũng là lúc người nông dân cho đồng ruộng “nghỉ ngơi,” đến cuối tháng 10 âm lịch, nước rút đi để lại lớp phù sa màu mỡ, cỏ dại bị tiêu diệt, giúp giảm tiền phân bón, thuốc phun xịt cỏ... cho vụ mùa sau.
Nước ngập các cánh đồng mang theo nhiều tôm, cá vào trú ẩn sinh sôi nên bà con nông dân tranh thủ ra đồng giăng câu, giăng lưới, đặt lờ, đặt lợp, đặt dớn... để có thêm thu nhập cho gia đình lúc nông nhàn.
Trời mờ sáng, tại khu vực ngã tư cầu Bắc Cỏ Lau, xã Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang - nơi được xem là "ngư trường" nhộn nhịp nhất miền Tây vào nước nổi, cả cánh đồng rộn rã tiếng nói cười, từng chiếc vỏ lãi (thuyền máy bằng nhựa composite) đang bơi chầm chậm chờ người thu lưới, đổ dớn...
Anh Nguyễn Văn An, ở xã xã Phú Hữu (huyện An Phú, tỉnh An Giang) cho biết, năm nay nước về muộn và thấp hơn mọi năm nên anh chỉ đặt 12 cái dớn và 200m lưới trên đồng để bắt cá. Mực nước còn thấp nên cá không nhiều, nhưng nếu chịu khó mỗi ngày cũng kiếm được từ 500-700 ngày đồng/ngày.
Mua bán cua đồng ở xã biên giới Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)
Gần đó, anh Phạm Văn Hận sống bằng nghề đặt lợp chia sẻ, một ngày đặt lợp có khi bắt được từ 5 đến 10 kg cá linh và các loài cá khác. “Cá linh mùa này to hơn ngón tay út rồi, giá từ 20.000 đồng/kg trở lên, ngày nào may mắn bắt được vài chục kg cá linh là kiếm được gần cả triệu đồng,” anh Hận cười vui vẻ.
Ngược sang những cánh đồng phía bờ Đông sông Hậu, thuộc phường Nhơn Hưng (thị xã Tịnh Biên) Vĩnh Tế (thành phố Châu Đốc) - một trong những “rốn cá” của vùng Tứ giác Long Xuyên, giữ biển nước mênh mông, người dân đang hối hả giăng câu, kéo lưới,.. đánh bắt cá tự nhiên.
Anh Phạm Văn Quân (phường Nhơn Hưng, thị xã Tịnh Biên) cho biết, nhà làm lúa, nhưng vào mùa lũ anh làm thêm nghề kéo vó bắt cá trên đồng. Tuy nhiên, năm nay nước thấp không đặt vó được, nên anh chuyển qua kéo lưới.
“Năm nay thả lưới dính nhiều cá mè vinh, cá linh, cá lóc... tuy lượng cá đồng không nhiều như trước nhưng bù lại giá cá cao, ngư dân sống tốt,” anh Quân tâm sự.
Chúng tôi ghé chợ Cây Mít (thuộc phường Nhơn Hưng, thị xã Tịnh Biên, An Giang) - nơi được xem là chợ cá đồng lớn nhất nhì miền Tây, cảnh mua bán nhộn nhịp, trên bến dưới thuyền, huyên náo cả một góc chợ.
Theo chị Trần Thị Dung, một tiểu thương chuyên thu mua cá đồng tại chợ Cây Mít, hiện tại, mỗi ngày chị mua được khoảng 100 kg cá các loại, như cá linh, cá chạch, lươn, tôm, cua, ốc... để cung cấp cho một số tỉnh miền Tây và Thành phố Hồ Chí Minh.
Lũ về, chợ “mạ” Tha La - chợ cá đồng, cá sông lớn nhất trong mùa nước nổi nơi đầu nguồn biên giới ở An Giang cũng trở nên nhộn nhịp; cảnh tấp nập vỏ lãi ra vào, nhộn nhịp kẻ bán, người mua. Dưới sông, người dân tất bật xúc cá, phân loại vào giỏ đựng, tiểu thương trên bờ nhanh tay cân, tính tiền. Những tiếng cười nói, í ới hỏi han nhau như xua tan màn đêm.
Chợ Tha La thuộc xã Vĩnh Tế, thành phố Châu Ðốc (An Giang) còn được gọi là “chợ âm phủ,” “chợ ma” vì chợ hoạt động về đêm, tầm 3 giờ cho đến gần 6 giờ cùng ngày là tan chợ.
Giữa bóng đêm, người dân và bạn hàng rọi đèn pin xem cá, tôm, cua, ếch... trả giá rồi bán, mua một cách mau lẹ. Từ đây, cá đồng và cá sông được tỏa đến các địa phương trong tỉnh An Giang và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ðêm ở chợ Tha La, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Diên (ngụ xã Vĩnh Tế) đang bán mớ cá lóc, cá linh, cá mè vinh chia sẻ, ban đêm người ngủ là lúc cá đi kiếm mồi, do vậy người dân dầm sương đêm thả lưới.
“Lúc này có cá linh, cá đồng, cứ thả lưới là có cá... Năm nay lũ về muộn và thấp nên cá, tôm cũng ít,” chị Diên tâm sự.
Hơn 10 năm buôn bán tại chợ Tha La, bà Nguyễn Thị Nhị (ngụ xã Vĩnh Tế) cho biết, trước đây cá, tôm bán ở chợ Tha La nhiều vô kể, nhưng giờ cá ít, người nào đi sớm thì mới mua được cá, đi trễ không có cá để mua.
“Theo thời gian, lũ càng ngày càng thấp, cá tôm tự nhiên cũng giảm, điều này ảnh hưởng đến sinh kế của người nghèo,” bà Nhị lo ngại.
Thu mua cá đồng,ốc... ở xã biên giới Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)
Trước cũng sống bằng nghề đánh bắt cá vào mùa nước nổi, nhưng rồi nguồn thủy sản tự nhiên sụt giảm, nên từ năm 2020 đến nay, gia đình chị Nguyễn Thị Trang (ngụ xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) thuê hai công đất (2.000m2) để trồng cây điên điển.
Chị Trang cho biết, hái bông điên điển bán mỗi ngày cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng, hai vợ chồng chị đỡ phải lo toan cái ăn cái mặc.
Để giúp người dân xây dựng các mô hình đảm bảo sinh kế bền vững mùa lũ cho người dân, ứng phó biến đổi khí hậu, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) đã vận động hội viên, phụ nữ thành lập mô hình “Tổ phụ nữ trồng bông điên điển” với 25 thành viên.
Cây điên điển là cây đặc trưng của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long trong mùa nước nổi, là cây trồng tự nhiên, sạch, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giá 1kg bông điên điển lúc cao điểm dao động từ 40.000-50.000 đồng, hạt giống 200.000 đồng/kg nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Việc trồng cây điên điển lấy bông không chỉ giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn, mà còn là mô hình kinh tế hiệu quả, giúp nông dân tăng thu nhập.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang thông tin, trước tình hình lũ ngày càng bất thường ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, ngành nông nghiệp đã triển khai nhiều hoạt động thích ứng tình hình hiện nay.
Trong số đó, tiểu dự án tăng cường khả năng thích ứng và quản lý nước cho vùng thượng nguồn sông Cửu Long tại huyện An Phú đã triển khai nhiều hoạt động hiệu quả cho nông dân đầu nguồn và các mô hình này trong thời gian tới có khả năng nhân rộng sang các huyện khác.
Hiện tỉnh An Giang đang thực hiện mô hình đặt vèo nuôi cá kết hợp với khai thác thủy sản với diện tích 57 ha tại xã Phú Hữu và Vĩnh Hậu của huyện An Phú. Do cá tự nhiên ít, mô hình giúp dẫn dụ nhiều cá tự nhiên đến, vừa thu nhập từ nguồn cá nuôi vừa thu nhập từ cá tự nhiên, giúp nông dân tăng thêm thu nhập từ 3-5 triệu đồng/ha.