Lý do “Nước Mỹ trước tiên”
Bộ Ngoại giao Mỹ đã đệ trình thông báo về mục đích rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu lên Tổng thư ký Liên hiệp quốc (LHQ). Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Tổng thống Donald Trump đưa ra quyết định rút khỏi Hiệp định Paris vì gánh nặng kinh tế không công bằng đối với người lao động, doanh nghiệp và người nộp thuế ở Mỹ.
Theo giới quan sát, quyết định này nhằm hiện thực hóa cam kết mà ông Donald Trump từng đưa ra lúc vận động tranh cử Tổng thống năm 2016. Ông Donald Trump cho rằng hiệp định sẽ khiến nước Mỹ tổn hại hàng ngàn tỷ USD, người lao động mất việc làm và cản trở các ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ, khí đốt, than đá và cả lĩnh vực sản xuất cơ khí. Ông cũng nhấn mạnh rằng thực hiện chính sách “Nước Mỹ trước tiên” chính là không gây tổn hại cho người dân Mỹ và không giúp những quốc gia gây ô nhiễm làm giàu.
Khai thác dầu đá phiến tại California, Mỹ
Trước đó, vào ngày 1-6-2017, ông Donald Trump đã tuyên bố Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu để bảo vệ nước Mỹ và người dân Mỹ, nhưng sẽ bắt đầu đàm phán lại nhằm mang đến một thỏa thuận công bằng hơn cho nước Mỹ, cho doanh nghiệp, người lao động và người dân Mỹ nói chung.
Tuyên bố này đã vấp phải sự chỉ trích của nhiều nước cũng như ngay trong chính giới Mỹ do nước này đang là quốc gia phát thải C02 lớn thứ hai thế giới. Để củng cố lập luận cho hành động của mình, Tổng thống Mỹ đã liên tục bác bỏ báo cáo của giới khoa học nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu sẽ khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại hàng trăm tỷ USD vào cuối thế kỷ này. Trong hai năm qua, Cục Bảo vệ môi sinh Mỹ (EPA) còn cố gắng loại bỏ các quy tắc bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm và biến đổi khí hậu từ thời cựu Tổng thống Obama. Bộ An ninh nội địa Mỹ còn mở đường cho các kế hoạch khai thác chất đốt bằng giàn khoan.
Đáng thất vọng
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được gần 200 nước thông qua tại Pháp hồi tháng 12-2015. Các quốc gia nhất trí cắt giảm lượng khí CO2 và khí thải khác từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu. Dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã cam kết đến năm 2025 sẽ cắt giảm từ 26%-28% lượng phát thải khí nhà kính so với mức khí thải của năm 2005.
Theo các điều khoản của hiệp định, tiến trình rút khỏi thỏa thuận toàn cầu này sẽ kéo dài một năm. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ không còn là thành viên của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào ngày 4-11-2020 - một ngày sau ngày bầu cử tổng thống vào năm sau.
Sau quyết định trên của Chính phủ Mỹ, Văn phòng Tổng thống Pháp đưa ra tuyên bố lấy làm tiếc. Tuyên bố được đưa ra khi Tổng thống Emmanuel Macron có chuyến thăm tới Trung Quốc. Tuyên bố nêu rõ điều này càng khiến quan hệ đối tác giữa Bắc Kinh và Paris trong lĩnh vực đa dạng sinh học và khí hậu trở nên cần thiết hơn.
Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết thêm trong khuôn khổ cuộc hội đàm tại Bắc Kinh ngày 6-11, ông Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến ký một thỏa thuận chung về khí hậu, theo đó sẽ tuyên bố “tính không thể đảo ngược” của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Shinjiro Koizumi cho biết việc Mỹ khởi động tiến trình rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 là rất đáng thất vọng.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cũng bày tỏ sự thất vọng về quyết định của Mỹ, đồng thời cho rằng tất cả cộng đồng quốc tế cần đối phó với tình trạng Trái đất ấm lên. Ông Suga cho biết Nhật Bản sẽ căn cứ vào tuyên bố Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Osaka, thăm dò các cách thức hợp tác với Mỹ nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.