Chuỗi cáo buộc của Mỹ với Trung Quốc (TQ) liên quan đại dịch COVID-19 vừa xuất hiện thêm diễn biến quan trọng.
Theo thông tin từ báo The New York Times (Mỹ), Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Bộ An ninh nội địa nước này đang chuẩn bị cảnh cáo TQ về hiện tượng một số tin tặc và điệp viên chuyên nghiệp nước này đang cố gắng đánh cắp các dữ liệu nghiên cứu phát triển vaccine ngừa và thuốc điều trị COVID-19.
Mục tiêu là vaccine, thuốc điều trị, xét nghiệm
Theo The New York Times, lực lượng tin tặc và điệp viên này có quan hệ mật thiết với lực lượng hỗ trợ chiến lược, Bộ chỉ huy tác chiến mạng, Bộ An ninh quốc gia và các đơn vị tình báo TQ. Lực lượng chủ yếu mà TQ sử dụng cho việc này là “những diễn viên phi truyền thống” - cụm từ mà chính phủ Mỹ dùng với các nhà nghiên cứu và sinh viên có hành động đánh cắp dữ liệu bên trong các trường, các học viện hay các phòng thí nghiệm.
Một số nguồn tin đương kim và cựu quan chức Mỹ nói với The New York Times rằng phía Mỹ sẽ chính thức đưa ra lời cảnh cáo này với phía TQ trong vài ngày tới. Theo các nguồn tin, bản thảo lời cảnh cáo này cáo buộc TQ đang tìm kiếm “tài sản trí tuệ và dữ liệu y tế công cộng có giá trị thông qua các cách thức không hợp pháp, liên quan đến vaccine, thuốc điều trị, xét nghiệm”. Nhiều chuyên gia an ninh Mỹ cho rằng TQ muốn chiếm thế đi đầu trong cuộc cạnh tranh tìm vaccine ngừa, thuốc điều trị COVID-19.
Mỹ thời gian qua đã đẩy mạnh công tác truy lùng điệp viên muốn đánh cắp tài sản trí tuệ. Trong nhiều tháng, FBI đã cho người đến hàng loạt trường đại học lớn tìm hiểu và cảnh báo về nguy cơ này. Tuần trước, nhiều cơ quan an ninh của Mỹ và Anh cùng ra một lời cảnh báo chung rằng “các cơ sở chăm sóc y tế, các công ty dược, giới học viện, các tổ chức nghiên cứu y khoa và các chính quyền địa phương” là mục tiêu bị tấn công mạng.
Theo các nguồn tin quan chức của The New York Times, quyết định chính thức đưa ra cảnh cáo này với TQ là một phần của chiến lược ngăn chặn lớn hơn có sự tham gia của hai cơ quan khác là Bộ tư lệnh tác chiến không gian mạng Mỹ (USCYBERCOM) và Cục An ninh quốc gia Mỹ (NSA). Theo thẩm quyền pháp lý mà Tổng thống Donald Trump cho phép gần hai năm trước, hai cơ quan này có quyền len lỏi sâu vào mạng lưới của phía TQ cũng như các nước khác để thực hiện các cuộc phản công cân xứng.
Động thái lần này với TQ sẽ tương đương với các nỗ lực của hai cơ quan này từng thực hiện với các nhóm tình báo Nga cố gắng can thiệp cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ của Mỹ năm 2018. Phía Mỹ cũng đã từng lắp mã độc vào hệ thống điện của Nga như lời cảnh báo Moscow khi nước này cố tình nhiều lần tấn công các hạ tầng thiết yếu của Mỹ. Tuy nhiên, tới thời điểm này chưa rõ chính xác Mỹ có ý định hoặc có đang chuẩn bị ra đòn tấn công tương tự với các nhóm tin tặc TQ hay không, theo The New York Times.
Ông Chad Wolf (giữa), Quyền Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ, tại một cuộc họp báo về COVID-19, cùng với Tổng thống Donald Trump và đội chuyên trách chống COVID-19 Nhà Trắng. Ảnh: The New York Times
Trung Quốc ra tuyên bố 30 trang, 11.000 từ
Về phía TQ, theo hãng tin Reuters ngày 10-5 Bộ Ngoại giao nước này ra một bản tuyên bố dài 30 trang bác bỏ 24 “cáo buộc lố bịch” của một số chính trị gia hàng đầu Mỹ về cách TQ xử lý đại dịch COVID-19.
Trong bản tuyên bố, Bộ Ngoại giao TQ gọi các cáo buộc của phía Mỹ rằng nước này giấu nguồn gốc virus, giấu thông tin, không minh bạch trong chống dịch và thao túng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là “những lời dối trá và hoang đường không thể tin được”. Trong bản tuyên bố, Bộ Ngoại giao TQ lặp lại và mở rộng hơn những lời bác bỏ đã phát ngôn trong các cuộc họp báo trước đó.
Có thể lừa vài người ở mọi thời điểm và lừa mọi người ở vài thời điểm nhưng không thể lừa mọi người ở mọi thời điểm” - câu nói nổi tiếng của cố tổng thống thứ 19 của Mỹ Abraham Lincoln mà TQ viện đến trong bản tuyên bố bác bỏ các cáo buộc của Washington... |
Về nguồn gốc dịch, TQ nói mọi chứng cứ cho thấy virus không phải do con người tạo ra và Viện Virus học Vũ Hán không có khả năng thiết kế, tổng hợp ra một virus Corona mới. Tuyên bố cũng nói không có chứng cứ nào cho thấy viện đã từng rò rỉ mầm bệnh hay nhân sự bị lây nhiễm.
Bản tuyên bố cũng bác bỏ cáo buộc TQ giấu dữ liệu đại dịch và hạ thấp nguy cơ người lây qua người. TQ cũng nhắc lại là mình đã cung cấp thông tin cho cộng đồng quốc tế “một cách kịp thời”, “cởi mở và minh bạch”, khác với cáo buộc phía Mỹ là TQ báo động trễ. Bản tuyên bố cũng dẫn một số thông tin truyền thông nói Mỹ đã có ca nhiễm từ trước khi Vũ Hán xác nhận ca nhiễm đầu tiên. Tạp chí Der Spiegel ngày 8-5 dẫn thông tin từ cơ quan tình báo BND (Đức) rằng việc TQ không công bố thông tin kịp thời đã làm thế giới chậm mất 4-6 tuần chống dịch.
Về chuyện Mỹ nói TQ che giấu các con số thực, nước này khẳng định dữ liệu của mình “hoàn toàn cởi mở và minh bạch, có thể chịu sự kiểm tra của lịch sử”.
Bản tuyên bố cũng bác chỉ trích của phương Tây về việc nước này xử lý vụ BS Lý Văn Lượng - một trong những người đầu tiên cảnh báo về virus. Theo truyền thông phương Tây, sau khi cung cấp thông tin về COVID-19, BS Lý chẳng những không được lắng nghe mà còn bị trừng phạt. Cái chết của BS Lý sau khi nhiễm COVID-19 gây làn sóng giận dữ lớn trong và ngoài TQ. Bộ Ngoại giao TQ nói BS Lý chưa bao giờ bị bắt dù có bị cảnh sát khiển trách, khác với truyền thông phương Tây nói.
Nhiều nước cũng cố đánh cắp dữ liệu về vaccine Theo nguồn tin củaThe New York Times, bên cạnh TQ còn có nhiều nước khác cùng có hành động cố gắng đánh cắp dữ liệu về vaccine ngừa, thuốc điều trị COVID-19. Nhiều nước đã huy động một số lượng lớn tin tặc quân đội và tình báo để thăm dò, thu thập các thông tin về chuyện phát triển vaccine ngừa COVID-19 của Mỹ và cả các nước khác. Phía Mỹ đã phát hiện một số lượng tin tặc Iran cố gắng xâm nhập vào hệ thống dữ liệu của công ty dược Gilead Sciences (Mỹ) - nơi sản xuất thuốc kháng virus Remdesiver, loại thuốc vừa được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận đưa vào điều trị thử nghiệm COVID-19. Phía chính phủ Mỹ và Công ty Gilead từ chối bình luận công khai về việc này. |