Theo một tuyên bố ngắn từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc, các cuộc thảo luận sẽ bao gồm phòng chống và kiểm soát Covid-19, hợp tác ứng phó với lũ lụt và bão, và hợp tác dân sự-quân sự. Các cuộc họp sẽ được tổ chức thông qua hội nghị truyền hình, với phía Trung Quốc tại Nam Kinh, thủ phủ của tỉnh Giang Tô phía đông và phía Hoa Kỳ tại Hawaii.
Các nhà quan sát ngoại giao cho biết cuộc hội đàm - cuộc trao đổi thường xuyên lần thứ 16 giữa quân đội hai nước - có thể giúp giảm nguy cơ xung đột lớn giữa hai quốc gia sau một loạt thay đổi nhân sự sau bầu cử tại Lầu Năm Góc.
Tổng thống Donald Trump, người tiếp tục tranh chấp kết quả của cuộc bầu cử tổng thống tuần trước, đã loại bỏ Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper vào 9-11 và ba quan chức Lầu Năm Góc cấp cao khác từ chức vào 10-11. Động thái này làm dấy lên lo ngại rằng tổng thống sắp mãn nhiệm đang cân nhắc hành động cứng rắn chống lại Trung Quốc trước khi ông ra đi vào tháng 1, với khả năng xung đột có thể leo thang trước lễ nhậm chức của tổng thống vừa đắc cử Joe Biden.
Pang Zhongying, một chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Hải dương Trung Quốc, cho biết các cuộc đàm phán là một “dấu hiệu thực dụng” trong bối cảnh hai nước còn nhiều bất ổn.
“Điều này cho thấy họ vẫn đang giao tiếp, điều này sẽ giúp giảm nguy cơ đánh giá sai và một cuộc đụng độ vô tình. Cơ hội xảy ra xung đột lớn nên được giảm xuống.”
Theo Collin Koh, một nhà nghiên cứu của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, việc đưa Covid-19 vào các cuộc thảo luận đã đánh dấu một sự thay đổi sau khi chính quyền Trump chỉ trích Trung Quốc trong suốt đại dịch.
“Mặc dù sự kiện này không phải là mới lạ, nhưng nó cho thấy mong muốn của cả quân đội trong việc kiềm chế căng thẳng chính trị và ngăn chặn sự lan tỏa không mong muốn vào lĩnh vực quân sự.”
Ông Koh cho biết việc sử dụng “low hanging fruit” - một phép ẩn dụ mô tả những mục tiêu dễ đạt được - như các cuộc thảo luận nhân đạo để phục hồi các trao đổi quân sự là một dấu hiệu tích cực có khả năng tiếp tục.
Ông nói: “Những nỗ lực như thế này có thể sẽ đi sâu vào cách tiếp cận của chính quyền Biden đối với Trung Quốc - một phương pháp có thể hợp tác với Bắc Kinh trong các lĩnh vực lợi ích chung, không nhất thiết phải cạnh tranh trên mọi mặt trận.”
Căng thẳng quân sự giữa Bắc Kinh và Washington, vốn đã ở mức cao trong thời chính quyền Trump, tiếp tục leo thang trước cuộc bầu cử Mỹ, làm dấy lên lo ngại về xung đột vũ trang phát sinh do sai lầm giữa hai cường quốc. Mỹ chi cho quốc phòng nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, tiếp theo là Trung Quốc.
Cuối tháng trước, Trung Quốc đe dọa sẽ trả đũa sau khi Mỹ bán vũ khí lớn cho Đài Loan. Cũng trong tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chỉ trích hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông trong chuyến công du tới Philippines và Việt Nam, cả hai đều có chính sách hàng hải mâu thuẫn với Bắc Kinh trong khu vực tranh chấp.
Hai bên đã tổ chức cuộc họp đầu tiên của nhóm công tác truyền thông về khủng hoảng vào cuối tháng 10 và nhất trí thiết lập các cơ chế để ngăn ngừa rủi ro cũng như tiến hành các đánh giá sau khủng hoảng. Bộ Quốc phòng Trung Quốc trước đó cho biết một cuộc tham vấn chung về an ninh hàng hải giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ diễn ra vào cuối năm nay.
Trong khi các cuộc họp quân sự trong tuần này sẽ tập trung vào các vấn đề nhân đạo, bao gồm cả Covid-19, đại dịch đã là một nguồn căng thẳng giữa hai lực lượng vũ trang. Một số nhà ngoại giao Trung Quốc, bao gồm cả phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên, cáo buộc quân đội Mỹ đã đưa vi-rút corona đến Vũ Hán, thành phố trung tâm của Trung Quốc, nơi các trường hợp đầu tiên được báo cáo.
Hôm 10-11, quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Atul Keshap cho biết Trung Quốc đã “khai thác cuộc khủng hoảng Covid-19 bằng những hành động gây mất ổn định” bằng cách hành động mạnh mẽ hơn ở Biển Đông và nhắc lại việc Washington bác bỏ “chính sách hàng hải trái pháp luật” của Bắc Kinh trong khu vực.