Tranh cãi về tên gọi
Vào thời điểm các chuyên gia y tế cộng đồng nói rằng thế giới cần sự liên lạc và hợp tác chặt chẽ để ngăn chặn đại dịch, 2 cường quốc hàng đầu thế giới lại đang ăn miếng trả miếng về việc giải quyết dịch bệnh, cũng như vai trò của họ trong việc để dịch bệnh bùng phát toàn cầu.
Theo đó, Trung Quốc cáo buộc Mỹ và Tổng thống Trump đã “phân biệt chủng tộc” vì cố gắn nhãn virus Trung Quốc hoặc Vũ Hán. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng cách gọi tên dịch bệnh theo địa phương đầu tiên nó bùng phát là thông lệ từ trước đến nay. Chẳng hạn cúm Tây Ban Nha, cúm Ebola (tên một sông nhánh thuộc hạ lưu Congo), virus hô hấp MERs (triệu chứng hô hấp Trung Đông), cúm lợn châu Phi, viêm não Nhật Bản…
Còn chính quyền Trump cáo buộc Trung Quốc che giấu thông tin về dịch bệnh và vu khống. Ông Trump và các đồng minh chính trị thường mô tả cuộc khủng hoảng do Trung Quốc “sản xuất”. Ông Trump nói rằng việc sử dụng thuật ngữ “virus Trung Quốc” không nhằm mục đích khai thác nỗi sợ bài ngoại của một số người Mỹ, mà chỉ để “chống lại tuyên truyền sai lệch từ Bắc Kinh”.
“Trung Quốc đưa ra thông tin sai rằng quân đội Mỹ đã mang virus cho họ. Thay vì tranh cãi, tôi phải gọi nó đến từ đâu. Nó rõ ràng đã đến từ Trung Quốc. Vì vậy, tôi nghĩ rằng đó là thuật ngữ rất chính xác” - Tổng thống Trump nói tại một cuộc họp báo.
Trước đó, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cho rằng virus corona chủng mới không bắt nguồn từ khu chợ Vũ Hán, mà đã được quân đội Mỹ cố tình mang sang trong cuộc thi thể thao ở thành phố này hồi năm ngoái. Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 13-3 đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Washington để phản đối phát biểu của người phát ngôn này.
Trong khi đó, chính quyền Trump cáo buộc Trung Quốc che đậy mức độ bùng phát ban đầu ở Vũ Hán khiến mất đi cơ hội vàng để kiềm chế dịch bệnh, tạo điều kiện cho nó lây lan toàn cầu. Một thuyết âm mưu ở Mỹ cho rằng virus này là âm mưu của Trung Quốc chống lại Mỹ.
Ngày 16-3 Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có cuộc điện đàm gay gắt với người đồng cấp Trung Quốc. Ông Pompeo sử dụng cụm từ “virus Trung Quốc” khi cáo buộc chính phủ Trung Quốc cố gắng đẩy trách nhiệm. “Sẽ có một ngày chúng ta sẽ đánh giá toàn bộ thế giới đã phản ứng như thế nào. Chúng ta biết rõ điều này. Chúng ta biết rằng chính phủ đầu tiên biết về virus Vũ Hán là chính phủ Trung Quốc” - ông Pompeo nói.
Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Robert C. O’Brien cho rằng đến nay chính quyền Trung Quốc vẫn không tiết lộ các báo cáo sớm về virus, đe dọa các bác sĩ trong nước đã cố gắng báo động. Các nhà lãnh đạo Bắc Kinh còn đổ lỗi chính quyền Trump đã lan truyền sự hoảng loạn không cần thiết khi quyết định đóng cửa các chuyến bay từ Trung Quốc vào tháng 1.
Khi dịch bệnh vừa bùng lên tại Vũ Hán và lan ra cả tỉnh Hồ Bắc, chính quyền Trump đã cấm người Trung Quốc nhập cảnh. Washington cũng điều máy bay đến Hồ Bắc hồi hương công dân Mỹ khỏi ổ dịch. Điều này đã khiến Bắc Kinh rất phẫn nộ.
Đe dọa thỏa thuận thương mại
Đe dọa thỏa thuận thương mại
Ngôn chiến giữa 2 nước xảy ra khi Trung Quốc và Mỹ đang tiến tới một thỏa thuận thương mại bao trùm nhiều phương diện. Tổng thống Trump nhấn mạnh hôm 17-3 rằng thỏa thuận thương mại ban đầu giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn nguyên giá trị và Trung Quốc sẽ mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ như đã hứa.
"Chúng tôi có mối quan hệ tốt và đã ký một thỏa thuận với Trung Quốc. Họ sẽ mua và đã mua rất nhiều sản phẩm" - ông Trump nói.
Trước đó, ngày 15-1 ông Trump tiếp một số quan chức cấp cao của Trung Quốc tại Phòng phía Đông của Nhà Trắng, mà ông tuyên bố là bước đột phá thương mại. Ông Trump cũng gửi lời mời chào một hội nghị thượng đỉnh đến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để bắt đầu các cuộc đàm phán về một thỏa thuận giai đoạn 2.
Tuy nhiên, Gordon Chang, một chuyên gia Trung Quốc, chỉ ra rằng vào thời điểm đó ông Tập đã biết về sự lây lan của coronavirus ở Vũ Hán. "Những người này gửi phái đoàn của họ vào Phòng phía Đông tương tác với một bộ phận lãnh đạo của Mỹ, nhưng họ đã không nói với chúng ta rằng họ là những người mang mầm bệnh tiềm tàng" - ông Chang nói. Vì vậy, ông nghi ngờ việc Bắc Kinh có sẵn sàng tuân theo các điều khoản của gói thương mại đã được công bố ngày hôm đó hay không.
Trong cuộc họp báo hôm 17-3, Tổng thống Trump cho biết ông hy vọng Bắc Kinh sẽ thông qua cam kết mua 250 tỷ USD hàng hóa do Mỹ sản xuất, bất chấp tác động tiêu cực Covid-19 đã gây ra cho nền kinh tế Trung Quốc. Ông nói thêm rằng Bắc Kinh có "mọi ưu đãi khuyến khích" để đảm bảo rằng chuỗi cung ứng dược phẩm cho Mỹ vẫn còn nguyên vẹn.
Tuy nhiên, Trung Quốc dường như tỏ dấu hiệu không tuân thủ các thỏa thuận. Tờ Tân Hoa Xã viết: "Theo các quan chức CDC của Mỹ, hầu hết loại thuốc ở Mỹ đều được nhập khẩu. Nếu Trung Quốc cấm xuất khẩu, Mỹ sẽ rơi vào địa ngục của bệnh dịch Covid-19. Nói một cách thẳng thắn, Mỹ nợ Trung Quốc lời xin lỗi, thế giới nợ Trung Quốc lời cảm ơn".
Đáng lo ngại hơn, cho dù quan hệ Mỹ - Trung Quốc không xấu đi bởi Covid-19, họ cũng khó thực hiện thỏa thuận thương mại đã ký kết do tác động kinh tế của dịch bệnh này. Trong hiệp ước được ký vào tháng 1, Trung Quốc đồng ý mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ trong 2 năm so với năm 2017. Tuy nhiên, khả năng này đang đối mặt thách thức, vì nền kinh tế thế giới đang bị đe dọa khi các chính phủ thực hiện các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn dịch bệnh, bao gồm kiểm dịch, cấm đi lại và đóng cửa không gian công cộng.
"Covid-19 có khả năng là sự phân tâm lớn đối với cả 2 chính phủ" - Steve Tsang, người đứng đầu Viện Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu phương Đông và châu Phi ở London, nói.
Thị trường toàn cầu đã giảm mạnh, giá dầu giảm và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo tăng trưởng năm 2020 sẽ giảm xuống thấp hơn mức 2,9% của năm ngoái. "Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu họ có thể hoàn thành các điều khoản của thỏa thuận giai đoạn 1. Bởi lẽ, làn sóng đóng cửa kinh doanh không chỉ làm gián đoạn chi tiêu và sản xuất của Trung Quốc mà cả chuỗi cung ứng của thế giới” - Tsang nói.
Theo Rory Green, nhà kinh tế tại Công ty nghiên cứu TS Lombard, dịch Covid-19 đe dọa các cam kết nhập khẩu của Trung Quốc được ủy quyền bởi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
"Trung Quốc đã đồng ý mua thêm hàng hóa nông sản và hải sản của Mỹ, các mặt hàng sản xuất như máy bay, máy móc và thép, và các sản phẩm năng lượng. Nhưng có những điều khoản cho phép trì hoãn tuân thủ và cả 2 quốc gia có thể chấp nhận điều này, do tính chất toàn cầu của sự bùng phát Covid-19. Bây giờ không có cơ hội Trung Quốc hoàn thành các mục tiêu nhập khẩu trong khung thời gian được thiết lập bởi văn bản của thỏa thuận" - Green nói.
Khẩu chiến Mỹ-Trung quanh virus corona có vẻ là những tranh luận vô bổ trước khủng hoảng về y tế đã lan rộng toàn cầu, cộng đồng quốc tế đang nỗ lực chống chọi với dịch Covid-19. Nhưng trên thực tế, đây là mặt trận mới của Trung Quốc và Mỹ. |