Theo hướng dẫn mới nhất của Giám đốc Văn phòng quản lý và ngân sách Nhà Trắng Shalanda Young, TikTok sẽ không được cài đặt trên mọi thiết bị liên bang trong vòng 30 ngày, trong khi đó, các nhà thầu cũng phải thực hiện quy định trên trong vòng 90 ngày. Theo giới chức Mỹ, lệnh cấm này nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng số của Mỹ và hạn chế các đối thủ nước ngoài tiếp cận hệ thống dữ liệu của Mỹ.
Ảnh minh họa: Reuters
Một số cơ quan liên bang bao gồm Bộ Quốc phòng, Bộ An ninh Nội địa và Bộ Ngoại giao Mỹ trước đó đã cấm TikTok trên các thiết bị của mình vì lý do an ninh.
Quốc hội Mỹ hồi tháng 12 năm ngoái đã bổ sung dự luật cấm TikTok trên toàn bộ các thiết bị chính phủ vào gói chi tiêu chính phủ. Dự luật này yêu cầu chính phủ trong vòng 60 ngày phải gửi hướng dẫn về lệnh cấm tới toàn bộ các cơ quan liên bang.
Trong khi đó, Canada ngày 27/2 đã quyết định cấm ứng dụng TikTok trên các thiết bị di động của chính phủ do lo ngại về an ninh. Chính phủ Canada cho biết quyết định này nhằm đảm bảo an toàn dữ liệu và nhằm giải quyết các rủi ro đối với hệ thống thông tin chính phủ.
Phản ứng với lệnh cấm của Canada, một phát ngôn viên của TikTok cho biết chính phủ Canada đưa ra quyết định cấm ứng dụng này mà không đưa ra bất kỳ quan ngại an ninh cụ thể nào hay liên hệ với TikTok. Phía TikTok cho biết sẵn sàng gặp các quan chức chính phủ Canada nhằm thảo luận các thức công ty này bảo vệ sự riêng tư và an ninh của người dân Canada.
TikTok với hơn 100 triệu người sử dụng hàng tháng ở Mỹ đã gây ra nhiều lo ngại rằng dữ liệu người dùng có thể được chuyển cho chính phủ Trung Quốc. Tháng 12 năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã ra lệnh cấm TikTok trên mọi thiết bị được sở hữu bởi chính phủ liên bang. Liên minh châu Âu tuần trước cũng đã đưa ra lệnh cấm tương tự.