Nắm bắt cơ hội qua công nghệ số

(ĐTTCO) - Hơn một nửa dân số Việt Nam luôn sẵn sàng trực tuyến; 52 triệu người dùng internet; là 1 trong 5 quốc gia có tiềm năng nhất trên thế giới về phát triển kinh tế số; là quốc gia hàng đầu về sử dụng điện thoại di động… là những số liệu được đưa ra tại Hội thảo “Đón làn sóng công nghệ số: DNNVV Việt Nam đã sẵn sàng?”, do Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Công ty Google tổ chức mới đây tại Hà Nội.

(ĐTTCO) - Hơn một nửa dân số Việt Nam luôn sẵn sàng trực tuyến; 52 triệu người dùng internet; là 1 trong 5 quốc gia có tiềm năng nhất trên thế giới về phát triển kinh tế số; là quốc gia hàng đầu về sử dụng điện thoại di động… là những số liệu được đưa ra tại Hội thảo “Đón làn sóng công nghệ số: DNNVV Việt Nam đã sẵn sàng?”, do Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Công ty Google tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Hành vi tiêu dùng đang thay đổi

Những con số kể trên vẫn liên tục gia tăng. Cách đây không lâu, We Are Social - một công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu - đã đưa ra số liệu thống kê trong vòng 5 năm trở lại đây, 45% lượng khách hàng tìm kiếm thông tin trên internet về một sản phẩm hoặc dịch vụ trước khi mua, 33% người ghé thăm và mua sắm online thay vì ra các cửa hàng truyền thống. Một bộ phận lớn dân số Việt Nam đang ăn, ngủ, chơi cùng internet và sống cùng mạng xã hội. Trong số đó, gần 80% thừa nhận họ phải online mỗi ngày và thời gian trung bình hàng ngày họ sử dụng internet trên 7 tiếng. Số lượng người dùng internet và số tài khoản mạng xã hội tăng tương ứng 10% và 25%/năm.

Ông Kevin OKane, Giám đốc phụ trách mảng DNNVV, Google châu Á - Thái Bình Dương, nhấn mạnh chìa khóa thành công cho thương mại điện tử nằm ở nền tảng kết nối di động. Việt Nam là nước có kết nối di động cao, với 55% người dân sở hữu điện thoại thông minh cho nhiều hoạt động khác nhau như tìm kiếm thông tin, xem video, tìm đường đi, kiểm tra tình trạng giao thông và quản lý danh sách mua hàng. Có thể nói, điện thoại thông minh đã làm thay đổi mọi thứ, biến đổi cách con người kết nối với bạn bè và gia đình, cách con người giải trí và mua sắm.

Đây là sự thay đổi lớn về hành vi tiêu dùng và mở ra cơ hội phát triển mới cho nền kinh tế và các DN, đặc biệt DNNVV. Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra DNNVV sẽ hoạt động tốt hơn khi có một trang web mạnh. Họ có thể tăng doanh số bán hàng nhanh gấp 4 lần so với các đối thủ cạnh tranh hoạt động ngoại tuyến, nếu ứng dụng web và các công cụ số, đặc biệt trên điện thoại thông minh. Phần lớn DN Việt Nam (97%) thuộc dạng này và họ lại đóng vai trò quan trọng đối với tiềm năng tương lai và nền kinh tế của đất nước, đóng góp 40% GDP, tạo ra việc làm cho 51% lực lượng lao động.

Nhờ tiếp thị trực tuyến, món cá kho của làng Vũ Đại, tỉnh Hà Nam không chỉ được cả nước biết đến mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Ảnh: CAO MINH

Nhờ tiếp thị trực tuyến, món cá kho của làng Vũ Đại, tỉnh Hà Nam không chỉ được cả nước
biết đến mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Ảnh: CAO MINH

Tiềm năng lớn nhưng chưa sẵn sàng

Theo khảo sát của VCCI, năm 2015 có tới 95% DN sử dụng internet. Trong đó, những DN ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) hiệu quả thường có kết quả kinh doanh tốt hơn hẳn. Tuy nhiên, con số DN gặp nhiều khó khăn trong ứng dụng CNTT cũng lên tới gần 60%. Việc số hóa của DNVVN còn chậm bởi những thách thức như thiếu nhận thức về lợi ích của kết nối trực tuyến; tâm lý lo ngại việc số hóa tốn nhiều chi phí và thiếu cơ hội tiếp cận với nguồn vốn đầu tư; thiếu chuyên môn, kỹ thuật nội bộ; xã hội vẫn còn thói quen dùng tiền mặt; lo lắng về vấn đề bảo mật…

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, dẫn một nghiên cứu của Hoa Kỳ cho biết Việt Nam được đánh giá là 1 trong 5 quốc gia có tiềm năng nhất trên thế giới về phát triển nền kinh tế số, kinh tế tri thức. Một nghiên cứu của Đức cũng chỉ ra rằng tinh thần khởi nghiệp của DN Việt Nam được xếp hạng rất cao, thứ 7/143 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, về mức độ sẵn sàng để đón làn sóng công nghệ số của DN Việt Nam chỉ đứng thứ 85. “Mỗi DN Việt Nam, dù hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh gì, đều cần ứng dụng công nghệ số, bởi nhiều khách hàng của họ đã kết nối mạng. Nhưng đa số DNNVV vẫn chưa có cách thức hiệu quả trong việc tiếp cận khách hàng qua mạng internet” - ông Kevin Okane nhận định.

 Đầu tư đúng hướng, tránh mất khách hàng

Theo ông Okane, cách đây 20 năm, DNNVV không thể kham nổi việc quảng cáo trên quy mô toàn cầu, nên thường đăng quảng cáo trên các trang vàng hoặc báo địa phương. Nhưng hiện nay, với các công cụ như Google AdWords... họ có thể tiếp thị sản phẩm không chỉ trên khắp cả nước mà còn trên phạm vi toàn thế giới, tới tận từng thiết bị người tiêu dùng luôn mang theo bên mình. Việc quảng bá trực tuyến, mang sản phẩm cá kho truyền thống của làng Vũ Đại vươn ra thị trường toàn quốc, mang lại việc làm và sự thịnh vượng cho cả ngôi làng, là thí dụ điển hình gây hiệu ứng mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM), cho biết thương mại điện tử và tiếp thị trực tuyến tại Việt Nam trong giai đoạn 2016-2025 sẽ có tốc độ phát triển trung bình nhanh hơn nhiều so với giai đoạn 2006-2015. Do vậy, thị trường tiếp thị trực tuyến đang dần trở thành trọng tâm trong chiến lược tiếp thị của DN. Nhìn lại giai đoạn đầu, vào năm 2006 tỷ trọng tiếp thị trực tuyến trong tổng doanh số tiếp thị quảng cáo ở Việt Nam chỉ chiếm 0,5% trong tổng số 50 tỷ đồng. Đến năm 2011, con số này đã lên đến 800-900 tỷ, tăng 16-18 lần. Và đến năm 2015, tốc độ phát triển thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam tăng trưởng 53%/năm, trong đó 70% doanh thu được trả cho Google và Facebook.

Để cạnh tranh và hội nhập thành công, DN và doanh nhân cần trang bị cho mình tri thức lớn mang tính toàn cầu, tìm kiếm cách thức hiệu quả để hiện diện trực tuyến hoặc nâng cao sự hiện diện trực tuyến tại Việt Nam và trên thế giới. Theo đó thay đổi tư duy trong chiến lược kinh doanh theo những phương án số và gọt giũa chúng cho sắc bén hơn là việc cần làm, nếu mỗi DN không muốn để “lọt lưới” hàng triệu khách hàng vào tay đối thủ.

Các tin khác