Năm 2011, ước tính kinh tế thế giới thiệt hại kỷ lục 350 tỷ USD vì các thảm họa thiên nhiên và thảm họa do con người gây ra, khiến ngành công nghiệp bảo hiểm toàn cầu phải chi trả 108 tỷ USD.
Mới đây, Công ty tái bảo hiểm Swiss Re cho biết trận lũ lụt tồi tệ nhất trong thập niên qua ở Thái Lan sẽ khiến công ty mất khoảng 600 triệu USD. Mực nước một số vùng vẫn ở mức cao nên rất khó ước tính thiệt hại chính xác, nhưng rõ ràng hậu quả đối với nền kinh tế Thái Lan và hoạt động kinh doanh là rất to lớn và kéo dài một thời gian.
Trận lụt đã buộc nhiều khu phức hợp công nghiệp quan trọng phải đóng cửa, các nhà máy ngập trong nước hàng tuần liền, không thể sản xuất các linh kiện cho các hãng xe hơi và điện tử, ảnh hưởng đến 1.500 khu công nghiệp và cuộc sống của hàng triệu người dân, cướp mất ít nhất 675 sinh mạng. Trận lũ lụt ở Thái Lan và Australia đã kích hoạt các đơn đòi bảo hiểm có tổng trị giá trên 10 tỷ USD.
2011 - Năm của thảm họa và là năm đại hạn của ngành bảo hiểm. |
Năm 2011 sắp kết thúc cũng là lúc thiết lập kỷ lục buồn: Các thảm họa do thiên nhiên và con người gây ra đã “thổi” bay khoảng 350 tỷ USD của nền kinh tế thế giới, đồng thời cướp đi mạng sống của 30.000 người, là thiệt hại nặng nề nhất trong lịch sử. 2011 vì vậy cũng là một năm đại hạn đối với ngành bảo hiểm.
Theo những ước tính ban đầu, tổng thiệt hại mà các thảm họa thiên tai - nhân tai gây ra cho ngành công nghiệp bảo hiểm toàn cầu đã lên tới 108 tỷ USD, tăng hơn 2 lần so với 48 tỷ USD năm 2010. Thí dụ, động đất New Zealand hồi tháng 2 gây tổng thiệt hại 15 tỷ USD và phần lớn thiệt hại đã được các công ty bảo hiểm chi trả.
Thảm họa động đất - sóng thần và hạt nhân Fukushima, Nhật Bản xảy ra vào tháng 3-2011 gây tổng thiệt hại gần 210 tỷ USD, nhưng ngành công nghiệp bảo hiểm chỉ phải chi khoảng 35 tỷ USD, tức gánh nặng còn lại đè lên vai các doanh nghiệp, các tổ chức thiện nguyện, chính phủ và hiển nhiên là người dân đóng thuế. Điều này cho thấy bảo hiểm động đất vẫn ít được chú ý, thậm chí cả ở một số nước công nghiệp hóa có nguy cơ động đất cao như Nhật Bản.
Công ty tái bảo hiểm Swiss Re nhận xét nếu như Nhật Bản được bảo hiểm toàn diện hơn thì ngành công nghiệp bảo hiểm đã phải chi nhiều hơn nữa để bồi thường. Tại Hoa Kỳ, 2 cơn lốc xoáy khủng khiếp ở Missouri đã khiến ngành bảo hiểm phải chi khoảng 14 tỷ USD và thêm gần 5 tỷ USD nữa đền bù thiệt hại nhà cửa trong bão Irene. Sắp tới đây, mùa bão tuyết ập tới châu Âu và Bắc Mỹ có thể sẽ đẩy tổng mức chi trả bảo hiểm năm 2011 lên cao hơn nữa.
Sang năm 2012, kinh tế thế giới được dự đoán sẽ tăng chậm lại ở mức 2,9%. Các chuyên gia chỉ ra 3 thách thức chính yếu trong môi trường kinh tế - chính trị đối với ngành bảo hiểm toàn cầu: Lợi tức chính phủ thấp, khủng hoảng nợ công châu Âu, tăng trưởng chậm với mối nguy lạm phát tăng tốc ở các thị trường đang lên.
Tuy nhiên, thị trường bảo hiểm châu Á được kỳ vọng có thể duy trì tăng trưởng ổn định và các thị trường đang lên tiếp tục vượt qua các thị trường đã phát triển. Trong cơ cấu ngành bảo hiểm, do tác động của sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế nên dự báo doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng chậm lại so với mức 8,1% trong năm 2011, chỉ đạt 6%.
Trong lúc đó, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ dự kiến sẽ tăng 4,4%, tăng nhanh so với mức 0,6% trong năm 2011, với hai động lực chính là thị trường Trung Quốc, Ấn Độ và sự gia tăng nhu cầu các sản phẩm mang tính bảo vệ con người.