Song giới kinh doanh vẫn tin tưởng năm 2018, nền kinh tế thế giới, cũng như kinh tế Việt Nam sẽ bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới. Trước thềm năm mới 2018, ĐTTC ghi nhận những suy nghĩ, trăn trở của một số DN, doanh nhân.
TS. LÊ THÀNH TRUNG, Phó Tổng giám đốc HDBank:
Nhiều điểm sáng thị trường
Điểm sáng của năm 2017 và dự báo tiếp diễn trong năm 2018 là lãi suất. Đánh giá khách quan, lãi suất năm 2017 đã được kiểm soát, duy trì ổn định và ở mức khá hợp lý. Các điều kiện hỗ trợ lãi suất đến thời điểm này và dự báo trong nửa đầu 2018 đã có. Thứ nhất, nền kinh tế đã đạt mức tăng trưởng 6,81%.
Đây là yếu tố quan trọng nâng đỡ rất tốt cho lãi suất. Thứ hai, nhiều năm trở lại đây thanh khoản ngân hàng đang rất dồi dào. Thứ ba, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang hồi phục và hầu như không có dấu hiệu khủng hoảng, tỷ giá VNĐ với USD cũng như với các ngoại tệ khác được giữ ổn định.
Đây là 3 điều kiện mấu chốt để duy trì mức lãi suất hợp lý đến nửa đầu năm 2018. Lãi suất cho vay hiện nay theo chủ trương chung của Chính phủ và nỗ lực của ngành ngân hàng đã cố gắng cắt giảm khoảng 0,5-1% đối với các lĩnh vực ưu tiên. Một điểm sáng nữa là dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục sau nhiều năm, đã tạo sức mạnh VNĐ, giúp tỷ giá ổn định, kiểm soát được trong điều hành kinh tế vĩ mô.
Năm qua việc điều hành tỷ giá của NHNN rất tốt, áp lực tỷ giá lên DN xuất nhập khẩu không nặng nề như trước. Hầu hết giao dịch BĐS, các hợp đồng ký kết có giá trị lớn đều dùng VNĐ, thay vì quy đổi ra vàng hoặc USD, được xem là thành công lớn trong quản trị và điều hành của NHNN.
Thành công nữa của năm 2017 và có thể dự báo cho năm 2018, là xu hướng tiền gửi tiết kiệm tiếp tục gia tăng. Hiện nay đại đa số NHTM đều duy trì tốt tiền gửi tiết kiệm, nhất là tiền gửi tiết kiệm dân cư.
Tuy nhiên, trong năm 2017 và cả 2018 dù tín dụng tập trung ưu tiên lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hỗ trợ DNNVV, nhưng khối DN này vẫn khó tiếp cận vốn so với DN lớn, DNNN và DN FDI. Điều này xuất phát từ 3 vấn đề: Thứ nhất, công tác quản trị điều hành cũng như các báo cáo tài chính của DNNVV hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề.
Thứ hai, các chương trình thẩm định, đánh giá dòng tiền và khả năng kinh doanh của DNNVV tại NHTM vẫn chưa hoàn thiện. Thứ ba, khả năng quản trị điều hành của DNNVV cơ bản vẫn chưa cao nên hiệu quả kinh doanh chưa lớn. Đó là những khó khăn cho khối DN này tiếp cận vốn.
Ông LÊ QUỐC DUY, Thành viên HĐQT, Phó TGĐ HBC:
Kỳ vọng vào cơ chế đặc thù
2017 tiếp tục là năm thành công của thị trường bất động sản (BĐS) với lượng giao dịch và giá bán duy trì tương đối ổn định, rủi ro đối với thị trường giai đoạn này vẫn ở mức thấp không đáng ngại.
Tồn kho BĐS tiếp tục giảm, nhưng tốc độ giảm đã chậm lại, lượng tồn kho chủ yếu là đất nền tại các dự án xa trung tâm chưa có hạ tầng đầy đủ. Ngoài diễn biến thị trường, chính sách đáng chú ý nhất là việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (có hiệu lực kể từ ngày 15-8-2017) góp phần làm lành mạnh hoạt động tín dụng, xử lý hiệu quả tài sản bảo đảm mà phần lớn là BĐS, tạo thêm nguồn lực cho nền kinh tế, giúp tái khởi động các dự án đã bị thế chấp hoặc ngừng triển khai trong nhiều năm qua. Sự khởi sắc của thị trường BĐS đã góp phần tạo sự chuyển biến lớn cho các DN xây dựng biết nắm bắt cơ hội.
2018 tiếp tục được đánh giá là năm ngành BĐS có nhiều triển vọng, với rất nhiều tổ hợp dự án quy mô lớn thực hiện của các chủ đầu tư. Đây sẽ là cơ hội lớn cho HBC và các nhà thầu xây dựng, đặc biệt là ở mảng resort và khách sạn.
Tuy nhiên, có một số rủi ro có thể tác động đến hoạt động ngành xây dựng, như chính sách thay đổi về hạn chế tín dụng BĐS (nhà ở cao cấp), giá nguyên vật liệu biến động và nguồn nhân lực tay nghề cao không đủ đáp ứng yêu cầu. Riêng với TPHCM, theo tôi điểm cộng rất lớn cho sự phát triển kinh tế của TP trong thời gian tới đến từ các lĩnh vực hạ tầng đô thị, BĐS và xây dựng.
Một trong những yếu tố tạo nên sự kỳ vọng này chính là việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho TPHCM, từ đó có thêm niềm tin của vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực BĐS và xây dựng. Với những điểm sáng và khả quan của thị trường xây dựng năm 2018, HBC đặt mục tiêu phấn đấu kế hoạch dự kiến năm 2018 doanh thu đạt khoảng 21.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.100 tỷ đồng.
Ông NGÔ QUANG PHÚC, Phó Tổng giám đốc Himlamland:
Bùng nổ nhu cầu an cư
Trong năm 2017, thị trường BĐS có sự chuyển hướng sang phân khúc căn hộ tầm trung có mức giá vừa túi tiền, chính sách thanh toán linh hoạt nhờ đáp ứng nhu cầu thật của đa số khách hàng, đặc biệt là nhóm khách trẻ.
Phân khúc căn hộ cao cấp vẫn là sự lựa chọn hợp lý với những người có năng lực tài chính, thích hợp để đầu tư và cho thuê do sinh lời nhanh hơn. Đặc biệt, sự phát triển của công nghệ đã giúp nhà đầu tư BĐS thay đổi vượt bậc trên mọi mặt theo xu hướng thông minh, thận trọng và có nhiều chọn lựa hơn. Bên cạnh đó, các thông tin về thị trường BĐS đã được công khai, minh bạch hơn, giúp khách hàng dễ dàng so sánh, tìm kiếm để từ đó chọn lựa sản phẩm đầu tư phù hợp.
Bước sang năm 2018, thị trường BĐS sẽ tiếp tục phát triển ổn định theo chiều sâu, mức tăng trưởng tích cực bởi ngoài yếu tố kinh tế, còn do các cơ chế chính sách đang được sửa đổi theo hướng hỗ trợ tích cực cho thị trường.
Dự đoán phân khúc đất nền giá trị dưới 2 tỷ đồng tiếp tục được ưa chuộng và nhiều khả năng sẽ bùng nổ giao dịch vì sự khan hiếm nguồn cung dần xuất hiện. Bên cạnh đó là phân khúc nhà phố có giá trị dưới 5 tỷ đồng cũng được dự đoán sẽ tạo nên sức hút mới cho thị trường.
Về phân khúc căn hộ vừa túi tiền, dù nhu cầu và lượng giao dịch trên thị trường rất lớn, nhưng ghi nhận thực tế cho thấy tỷ trọng căn hộ vừa túi tiền so với căn hộ cao cấp đang có mức chênh lệch lớn. Đây là lý do khiến nhiều dự án nhà có giá trị 1-2 tỷ đồng đang có tính thanh khoản rất tốt trên thị trường thời gian qua. Chính vì vậy, trong năm 2018 căn hộ vừa túi tiền có giá dưới 2 tỷ đồng dự kiến phát triển mạnh hơn.
Riêng tại TPHCM, khu Đông với mạng lưới cơ sở hạ tầng phát triển, hiện đại dự kiến tiếp tục là điểm hút giới đầu tư lẫn khách mua để ở vì sự thuận tiện và thông thoáng trong giao thông, cũng như tiềm năng sinh lời của BĐS trong tương lai. Đặc biệt, việc tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2020, TPHCM đăng cai Sea Games 31 (năm 2021), tái khởi động dự án Khu liên hợp Thể dục Thể thao Rạch Chiếc... chắc chắn là đòn bẩy đẩy cao giá trị BĐS khu vực xung quanh trong năm 2018.
Ông ĐỖ PHƯỚC TỐNG, Chủ tịch Hội DN cơ khí - điện TPHCM:
Cần thêm chính sách hỗ trợ
Năm 2017 ngành cơ khí có những bước phát triển ổn định. Trong đó khối DN FDI vẫn có mức tăng trưởng tốt hơn DN trong nước. Hiện DN cơ khí Việt Nam đang phải cạnh tranh gắt gao với DN cùng ngành đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Tuy vậy tôi có thể khẳng định chất lượng hàng cơ khí điện Việt có thể cạnh tranh sòng phẳng với hàng của các quốc gia này. Có điều khi mua hàng Việt do tâm lý của người tiêu dùng muốn hàng nội phải rẻ hơn nhưng chất lượng vẫn đảm bảo, đòi hỏi DN cơ khí muốn phát triển phải nỗ lực hơn bình thường. Theo đó, DN phải tính toán cắt giảm các chi phí để đảm bảo được cả 2 yếu tố chất lượng và giá thành.
Bước qua năm 2018 chúng tôi kỳ vọng có những chính sách tốt hơn nhằm hỗ trợ các DN trong nước phát triển. Thí dụ, lâu nay DN trong ngành cơ khí điện khi nhập nguyên chiếc thuế nhập khẩu bằng 0, nhưng khi nhập linh kiện để phục vụ cho sản xuất lại chịu thuế.
Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị riêng nhằm hỗ trợ ngành cơ khí phát triển, nhưng các bộ ngành lại chưa có những bước chuyển biến tích cực để trợ lực cho DN.
Hiện nay, riêng TPHCM đang có những chính sách hỗ trợ các DN đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực nông nghiệp - công nghiệp có tác động khá tích cực.
Hiện nay, riêng TPHCM đang có những chính sách hỗ trợ các DN đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực nông nghiệp - công nghiệp có tác động khá tích cực.
Cụ thể Quyết định 15/2017/QĐ- UBND nâng mức vốn vay hỗ trợ lãi suất lên đến 200 tỷ đồng. Đã có 2 DN hội viên tiếp cận được chương trình này để mở rộng đầu tư. Quyết định 15 có thể xem là trợ lực rất tốt với các DN nhưng cũng đòi hỏi DN phải sẵn sàng đầu tư.