Nâng cao hiệu quả đầu tư “tam nông”

Hôm qua 18-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét cho ý kiến về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Số liệu tổng hợp của đoàn giám sát cho thấy sau khi Nghị quyết Trung ương lần thứ 7 được ban hành, đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được quan tâm nhiều hơn và mức đầu tư tăng lên rõ rệt.

Trong giai đoạn 2009-2011, mức đầu tư cho khu vực này tăng theo từng năm với tổng vốn đầu tư 286.212 tỷ đồng, bằng 52,3% tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ, gấp 1,95 lần so với trước khi có Nghị quyết (giai đoạn 2006-2008).

Nhờ vậy, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội ngày càng được tăng cường và hoàn thiện, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng hiện đại; từng bước giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo; đảm bảo an sinh xã hội ngày càng tốt hơn, đồng thời có tiến bộ về cải thiện môi trường sinh thái.

Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy hầu hết các bộ, ngành, địa phương đều thiếu vốn cho nhu cầu đầu tư phát triển của ngành, địa phương. Mặc dù Nhà nước đã chú trọng đầu tư khu vực “tam nông”, nhưng thực tế mới chỉ đáp ứng được 55-60% yêu cầu, nên chưa phát huy hết tiềm năng trong nông nghiệp, nông thôn.

Đáng ngại hơn, nguồn lực đầu tư vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, chưa huy động được nguồn lực của toàn xã hội. Trong khi đó, vẫn còn nhiều bất cập trong thực tế triển khai các chính sách đầu tư công vào nông nghiệp, nông thôn. Vẫn còn tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao; một số nơi xảy ra sai phạm trong quản lý đầu tư.

Việc đầu tư thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay nơi quá nhiều, nơi lại rất thiếu do chương trình chồng chéo, chưa được lồng ghép tốt. Thế nên mới có chuyện “cái cần đầu tư thì không có, cái đang đầu tư lại chưa thực sự cần”.

Một vấn đề khác khiến các nhà quản lý băn khoăn là việc thực hiện chủ trương phân cấp đầu tư. Cơ chế phân cấp về quyết định đầu tư và phân bổ vốn theo hướng tăng cường quyền quyết định cho các cấp là phù hợp, nhưng lại thiếu các biện pháp đồng bộ và tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đã dẫn tới tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án đầu tư mà không tính đến khả năng cân đối về nguồn vốn, đầu tư bị phân tán, dàn trải, thời gian thi công kéo dài gây lãng phí, thất thoát nguồn lực tài chính của Nhà nước.

Theo báo cáo giám sát của UBTVQH, các chính sách pháp luật trong vấn đề này còn thiếu tính hệ thống do việc ban hành trong nhiều giai đoạn nên quan điểm, nhận thức còn khác nhau. Một số văn bản hướng dẫn ban hành chưa kịp thời, đầy đủ và đồng bộ, còn chồng chéo, mâu thuẫn gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Nhiều văn bản hướng dẫn chậm ban hành đã ảnh hưởng việc triển khai các công trình, dự án nên chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của chủ thể còn chung chung, dẫn tới tình trạng thiếu trách nhiệm trong quản lý đầu tư công, gây lãng phí lớn.

Đáng ngại hơn, việc quy định khống chế hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân tại Điều 70 Luật Đất đai đang gây khó khăn trong việc mở rộng diện tích canh tác và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm.

Việc quy định thời hạn sử dụng đất đến nay đã gần hết thời hạn giao đất nhưng chưa có chủ trương cụ thể nên nông dân không mạnh dạn và an tâm đầu tư.

Nguồn vốn đầu tư của Nhà nước là hữu hạn. Để khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn thực sự khởi sắc và phát huy hết tiềm năng, vẫn cần nhiều hơn các nguồn đầu tư khác từ xã hội. Vì thế, cần có cơ chế phù hợp để đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.

Đoàn giám sát của UBTVQH đã đưa ra một loạt kiến nghị về sửa đổi cơ chế, chính sách một cách đồng bộ để nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công vào khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thế nhưng dường như những giải pháp này mới chỉ giải quyết được bề nổi của vấn đề.

Đầu tư mạnh để phát triển khu vực “tam nông” là chủ trương lớn đã được Đảng và Nhà nước xác định. Vì thế cần có các giải pháp tháo gỡ những “nút thắt” - trước hết sửa đổi những bất cập về thể chế - để nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn thực sự mang lại hiệu quả.

Các tin khác