Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia bằng kinh doanh có trách nhiệm

(ĐTTCO) – Việc các doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, uy tín của doanh nghiệp và cả quốc gia cũng như giảm thiểu các rủi ro, nhất là rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp và quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.
Đó là các ý kiến được nhiều đại biểu nhấn mạnh tại hội thảo tham vấn “Dự thảo Chương trình hành động quốc gia về các giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam” do Bộ Tư pháp phối hợp cùng Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Đại sứ quán Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam tổ chức vào sáng nay 13-12 tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi cho biết, việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm sẽ góp phần đạt 3 mục tiêu là (i) nâng cao năng lực cạnh tranh, uy tín của doanh nghiệp và cả quốc gia; (ii) giảm thiểu các rủi ro, nhất là rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp cũng như quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và (iii) tạo lập sự nhất quán, đồng bộ trong hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến doanh nghiệp.
Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia bằng kinh doanh có trách nhiệm ảnh 1 Việc các doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, uy tín của doanh nghiệp và cả quốc gia cũng như giảm thiểu các rủi ro, nhất là rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp và quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng
Theo đại diện Bộ Tư pháp, xác định tầm quan trọng và ý nghĩa của thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm của Việt Nam, nhất là khi có Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) đã đề cập đến vấn đề này, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng “Đề án ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam” để trình Thủ tướng trong năm 2023. 
Đến nay, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan xây dựng dự thảo Đề án ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam.
Đề án này tập trung vào 3 định hướng lớn, gắn với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để triển khai, bao gồm: nâng cao nhận thức, năng lực về thực hành kinh doanh có trách nhiệm cho các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp và xã hội; hoàn thiện chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm; và thúc đẩy hiệu quả, chất lượng của công tác tổ chức thi hành chính sách, pháp luật liên quan.
Đánh giá về vấn đề này, bà Ramla Khalidi – đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết: “Việc có một Kế hoạch Hành động Quốc gia không chỉ thể hiện các cam kết của Việt Nam đối với việc bảo vệ quyền con người và phát triển bền vững, mà còn là một bằng chứng sống động cho thấy Việt Nam đã sẵn sàng, thậm chí đi trước cuộc chơi, trở thành một bên tham gia có trách nhiệm trên thị trường toàn cầu, và một lần nữa chứng minh cho các quốc gia khác trong và ngoài khu vực hướng tới một tương lai bền vững, công bằng và toàn diện hơn".
Bà Khalidi cũng đề cập đến 3 trong số các tiêu chí quan trọng để có kế hoạch hành động quốc gia hiệu quả theo hướng dẫn của Liên Hợp quốc, đó là (i) kế hoạch hành động cần được xây dựng dựa trên các quy tắc hướng dẫn về kinh doanh và quyền con người của Liên Hợp quốc, (ii) kế hoạch hành động cần cung cấp cơ chế thực hiện, theo dõi và đánh giá và (iii) xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động một cách minh bạch và bao trùm. 

Các tin khác