Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký quyết định về hạn mức trả tiền bảo hiểm, quy định về hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi (BHTG) đối với người được BHTG, có hiệu lực kể từ ngày 12-12-2021.
Theo đó, số tiền tối đa tổ chức BHTG trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật BHTG (gồm cả gốc và lãi) của một người, tại một tổ chức tham gia BHTG, khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, là 125 triệu đồng.
Trước đó, mức BHTG (bao gồm cả gốc lẫn lãi) của một cá nhân tối đa là 30 triệu đồng áp dụng từ năm 1999. Sau đó, mức BHTG tăng lên 50 triệu đồng từ năm 2005, và đến tháng 8-2017, hạn mức BHTG là 75 triệu đồng cho đến nay.
Quyết định cũng ghi rõ, hiện tại, các khoản tiền gửi đã phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, nhưng chưa được chi trả theo quy định tại Luật BHTG trước ngày quyết định này có hiệu lực thi hành, thì hạn mức trả tiền bảo hiểm sẽ được thực hiện theo quy định năm 2017.
Theo một chuyên gia tài chính, việc nâng hạn mức BHTG là phù hợp, vì theo thông lệ quốc tế, mức BHTG phải đi cùng với thu nhập người dân. Người dân thu nhập càng nhiều, họ càng có khả năng gửi tiền vào NH, nên mức BHTG cũng phải tăng lên phù hợp. Mức 75 triệu đồng đang áp dụng vẫn quá thấp, nhất là khi Luật các TCTD đã có phương án cho phá sản NH.
Tuy nhiên, một điểm mà BHTG ở Việt Nam rất cần bổ sung như các nước đang triển khai. Chẳng hạn tại Mỹ, Tổng công ty BHTG liên bang (FDIC) là công ty của chính phủ, thực hiện BHTG cho khách hàng với hạn mức 250.000USD/tài khoản. Do "đứng mũi chịu sào" bồi thường nếu có rủi ro, nên FDIC giám sát, thanh tra các NH rất chặt chẽ. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chỉ quản lý hệ thống, tuy cũng thanh tra, giám sát nhưng không chặt chẽ bằng FDIC.