Nâng nền đường chống ngập: Lỗi do quy hoạch?

(ĐTTCO) - Thời gian qua, việc nâng cốt nền tại nhiều tuyến đường trên địa bàn TPHCM đã không giải quyết được ngập nước mà gây ngập nhiều hơn. Ngoài ra, việc thi công kéo dài còn gây ô nhiễm không khí, mất an toàn cho người tham gia giao thông, sinh hoạt người dân 2 bên tuyến đường bị ảnh hưởng không nhỏ… khiến dư luận bức xúc. Theo các sở, ngành liên quan và các nhà khoa học, chuyên gia, nguyên nhân chính do công tác quy hoạch chưa tính toán kỹ, việc xây dựng thiếu tính khoa học.

(ĐTTCO) - Thời gian qua, việc nâng cốt nền tại nhiều tuyến đường trên địa bàn TPHCM đã không giải quyết được ngập nước mà gây ngập nhiều hơn. Ngoài ra, việc thi công kéo dài còn gây ô nhiễm không khí, mất an toàn cho người tham gia giao thông, sinh hoạt người dân 2 bên tuyến đường bị ảnh hưởng không nhỏ… khiến dư luận bức xúc. Theo các sở, ngành liên quan và các nhà khoa học, chuyên gia, nguyên nhân chính do công tác quy hoạch chưa tính toán kỹ, việc xây dựng thiếu tính khoa học.

Những bất cập

Theo Phòng Quản lý xây dựng công trình giao thông đường bộ, Sở GT-VT TPHCM, khi nâng cấp, mở rộng xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật theo cốt xây dựng quy hoạch (trên 2m, trong khi 63% diện tích toàn TP thấp chỉ trên dưới 1,5m), đã xảy ra tình trạng cao độ thiết kế quá cao so với cao độ nền nhà dân, gây khó khăn cho sinh hoạt của người dân dọc tuyến, ảnh hưởng đến việc đi lại cũng như việc đấu nối hệ thống thoát nước.

Cụ thể, tình trạng này đã xảy ra ở các dự án xây dựng đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài; dự án nâng cấp đô thị trên địa bàn quận 6, 11, Tân Phú, Bình Tân. Đặc biệt việc thi công nâng đường Kinh Dương Vương đã gây ngập úng, mất an toàn khi lưu thông và ô nhiễm không khí trầm trọng tại khu vực này.

Thực tế ghi nhận cho thấy nỗi ám ảnh của người dân có dự án xây dựng đường giao thông mới ở 2 thái cực. Tại khu vực quận Tân Phú và Bình Tân, cốt nền phù hợp với cao độ sẽ biến nhà dân thành hầm vì thấp hơn mặt đường cả mét. Trong khi đó, ở khu vực Tân Bình, cốt nền phù hợp với cao độ sẽ khiến nhà dân cao chênh vênh so với mặt đường gần 2m.

Theo ông Vương Hoàng Thanh, nguyên Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Nâng cấp đô thị TP, từ trước đến nay các đơn vị đều mắc sai lầm trong quy hoạch xây dựng cốt nền đường và không tính đến phương án biến đổi khí hậu về lâu dài.

Còn theo kỹ sư Bùi Văn Phương, Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH Tư vấn - xây dựng Hưng Nghiệp, tại một số khu vực có cốt nền cao, việc nâng đường càng lãng phí và làm nhà dân bị thấp xuống, dễ ngập. Nền đất lún rất nhiều nhưng quy hoạch và các nghiên cứu trước chưa được quan tâm thỏa đáng. Do vậy, khi muốn nâng cốt nền, chủ đầu tư công trình cần tìm hiểu kỹ về tình trạng cốt nền để việc chống ngập có hiệu quả, tránh lãng phí.

GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TP, chỉ rõ trong quá trình làm đường và nâng công suất cống thoát nước, các đơn vị thi công đã không tính toán kỹ cốt nền nhà dân nên gây ngập cục bộ, nước tràn từ đường vào nhà.

Bên cạnh đó, TP có nền địa chất phức tạp, nhiều khu vực địa chất yếu, địa hình tương đối thấp, chịu ảnh hưởng trực tiếp của thủy triều. Tình trạng lấn chiếm, san lấp kênh rạch trái phép, xả rác làm hạn chế khả năng thoát nước. Mặt khác, quá trình đô thị hóa nhanh, nhiều công trình bê tông, hệ thống cống thoát nước cũ, xuống cấp... cũng làm cho TP thường xuyên bị ngập nặng.

Nâng nền đường khiến nhà dân bị thấp xuống gần 1m. Ảnh: M. TUẤN

 Nâng nền đường khiến nhà dân bị thấp xuống gần 1m. Ảnh: M. TUẤN

Thiếu tính toán khoa học

Nhiều chuyên gia quy hoạch hạ tầng đô thị cho rằng TP cần chú trọng quy hoạch sử dụng đất hợp lý, đảm bảo mật độ cây xanh, tận dụng diện tích đất hiện hữu để làm hồ điều tiết, vừa đảm bảo nước thấm đất vừa chống ngập hiệu quả. Trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, cần xem lại quy hoạch chiều cao san nền, thoát nước đô thị và căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất.

Theo ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Thoát nước Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước TP, với những khu vực có cao độ thấp hơn mực nước triều cường phải có đê bao và hồ chứa hoặc trạm bơm để hút nước, không thể chỉ nâng đường, nâng cống như một số dự án triển khai trong thời gian qua. Cùng với đó, khi quy hoạch chiều cao san nền phải tính đến biến đổi khí hậu, không để tình trạng nâng đường mãi không hết ngập.

Về phương án chống ngập hiệu quả, ông Vương Hoàng Thanh cho rằng cần tính đến phương án xây dựng thêm hệ thống thoát nước mới song song hệ thống thoát nước cũ để kết nối ra tuyến cống thoát nước chính. Đồng thời, các công trình sắp tới nên chú trọng nghiên cứu yếu tố biến đổi khí hậu để có những thay đổi về mặt kỹ thuật khi xây dựng cốt nền.

Đây là phương án chống ngập lâu dài cần quan tâm thực hiện. Đại diện Hội Cầu đường cảng TP cũng cho rằng cần ưu đãi nhà đầu tư thực hiện các dự án thoát nước theo hình thức PPP. Nếu không có chính sách đột phá về ưu đãi đầu tư, về ưu tiên các dự án PPP trong thoát nước, chắc chắn bài toán thoát nước đô thị TP sẽ càng khó giải.

Ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Sở GT-VT TP, cho biết trước mắt, sở này sẽ yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị thi công khi xây dựng, nâng cấp đường cần thực hiện điều tra xã hội học, kết hợp với các yếu tố kỹ thuật để có cao độ thiết kế đường phù hợp. Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án theo quy định.

Bên cạnh đó, tiếp tục kiến nghị UBND TP phê duyệt chính sách hỗ trợ đối với các hộ dân bị ảnh hưởng khi nâng đường chống ngập. Về lâu dài, Sở GT-VT phối hợp Sở Xây dựng rà soát, điều chỉnh cốt nền, cốt xây dựng hợp lý, đảm bảo tính khả thi lâu dài trong điều kiện biến đổi khí hậu, cập nhật quy hoạch có liên quan, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Các tin khác