Nắng nóng gay gắt, người già, trẻ em nhập viện

(ĐTTCO) - Nắng nóng gay gắt đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và cuộc sống thường nhật của người dân. Nhiều nơi, đường phố vắng người lưu thông vào buổi trưa. Những người buộc phải lưu thông trên đường hoặc lao động ngoài trời đều phải chống chọi với cái nắng gay gắt bằng nhiều lớp quần áo, khẩu trang dày cộm.
Người dân TP Đà Nẵng mặc áo khoác, trùm khẩu trang kín mặt để tránh nắng khi ra đường. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Người dân TP Đà Nẵng mặc áo khoác, trùm khẩu trang kín mặt để tránh nắng khi ra đường. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Để “giải nhiệt”, người dân đổ dồn về các bãi biển. Tại các bãi biển như Ninh Chữ (tỉnh Ninh Thuận), Đồi Dương, Hòn Rơm (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) vào sáng sớm và chiều tối, rất đông người dân đến tắm. “Mấy tháng qua không có giọt mưa nào, trời nắng như đổ lửa, ngồi trong nhà như ngồi trong lò, nên cứ xế chiều là tôi lại ra biển tắm cho đỡ nóng”, ông Lê Nguyễn An Khang (người dân TP Phan Thiết), chia sẻ.

Ngoài các bãi biển thì công viên, quán nước giải khát lề đường, cà phê máy lạnh, hồ bơi công cộng,… luôn tấp nập người ra vào để trốn cái nóng hầm hập. “Giờ nghỉ trưa, tôi ở lại cơ quan, hoặc ra quán cà phê máy lạnh ngồi chứ không về nhà như trước”, chị Võ Minh Xuân (nhân viên một cơ quan nhà nước ở TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận), chia sẻ.

Sau kỳ nghỉ lễ dài ngày, Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc bước vào đợt nắng nóng cao điểm đầu tiên của mùa hè với nền nhiệt trên 37oC. Mới đầu giờ sáng, Khoa Khám bệnh ở Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) “ngột ngạt” vì số người đến khám bệnh quá đông, người già hay trẻ nhỏ đều cảm thấy mệt mỏi, vật vã vì nắng nóng đầu mùa. Trung bình mỗi ngày có tới 800 bệnh nhân nhập viện, tăng trên 15% so với trước, trong đó chiếm gần một nửa là trẻ nhỏ với không ít trường hợp được đưa đến bệnh viện trong tình trạng bệnh khá nặng. Trước số bệnh nhân tăng cao, bệnh viện đã yêu cầu các khoa phòng tăng cường thêm quạt mát, điều hòa nhiệt độ, nước uống, cũng như thêm bàn khám bệnh, bàn thu viện phí, phân giờ khám... nhưng cũng chỉ “giải nhiệt” được phần nào.

Trong khi đó, Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Nhi Trung ương mỗi ngày tiếp nhận từ 2.500-3.000 bệnh nhi đến khám trong tình trạng: ho, viêm hô hấp cấp, sốt cao dài ngày, nôn trớ, tiêu chảy, sốt virus, viêm não, phát ban... do thời tiết nắng nóng gây ra. Ông Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, số lượng bệnh nhi đến khám và điều trị những ngày nắng nóng tăng cao nên bệnh viện đã tăng thêm buồng khám bệnh, huy động thêm các bác sĩ, điều dưỡng giỏi tại phòng khám để phân loại bệnh nhanh hơn. Theo các bác sĩ Bệnh viện Lão khoa Trung ương, trong những ngày gần đây, nắng nóng gay gắt đầu mùa cũng khiến nhiều người cao tuổi phải nhập viện. Bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho nhiều người cao tuổi bị tai biến mạch máu não và viêm phổi.

Lâm Đồng được “giải khát” nhờ mưa liên tiếp

Những cơn mưa đầu mùa diễn ra liên tiếp phần nào đã giải nhiệt cho vùng sản xuất nông nghiệp ở Lâm Đồng. Đến đầu tháng 5-2023, thời tiết trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng phổ biến đã có mưa ở hầu hết các địa phương với lượng mưa phổ biến từ 100 đến hơn 300mm. Cụ thể lượng mưa đo được ở một số địa phương như: Lâm Hà 318mm, Đam Rông 304mm, Di Linh 239mm, Bảo Lâm 217mm, Bảo Lộc 162mm, Cát Tiên 123mm, Lạc Dương 122mm, Đà Lạt 89mm, Đạ Huoai 77mm, Đơn Dương 77mm, Đức Trọng 56mm. Trước đó, lượng mưa trong tháng 4 đã làm suy giảm đáng kể nguy cơ xảy ra hạn hán trên địa bàn tỉnh.

Các tin khác