Nâng tầm nhìn để vươn xa

Những năm qua đã có hàng trăm thương hiệu nước ngoài nhượng quyền tại Việt Nam. Song ở chiều ngược lại, hành trình nhượng quyền của các thương hiệu Việt Nam ở thị trường nước ngoài vẫn rất gian nan, số lượng khiêm tốn. ĐTTC đã có cuộc trao đổi với bà NGUYỄN PHI VÂN, Chủ tịch HĐQT Retail & Franchise ASIA, về thực trạng này.

Những năm qua đã có hàng trăm thương hiệu nước ngoài nhượng quyền tại Việt Nam. Song ở chiều ngược lại, hành trình nhượng quyền của các thương hiệu Việt Nam ở thị trường nước ngoài vẫn rất gian nan, số lượng khiêm tốn. ĐTTC đã có cuộc trao đổi với bà NGUYỄN PHI VÂN, Chủ tịch HĐQT Retail & Franchise ASIA, về thực trạng này.

PHÓNG VIÊN: - Theo đánh giá của bà, ngành kinh doanh nào của Việt Nam có nhiều cơ hội để nhượng quyền thương mại ra nước ngoài?

Bà NGUYỄN PHI VÂN: - Hiện nay ngành dễ thực hiện nhượng quyền nhất là ẩm thực. Bởi lẽ thế giới đang có xu hướng phát triển ẩm thực quốc gia nên đây là lĩnh vực dễ dàng tiếp cận thị trường nhất. Thí dụ, những thương hiệu ngành ẩm thực đặc trưng của Nhật Bản như Ajisen Ramen, MOS burger, Yoshinoya, Matsuya, Sukiya, Coco Ichiban, Doutor Coffee, UBC hiện diện khắp nơi tại đất nước này, với số lượng cửa hàng từ vài trăm đến vài ngàn và nay đang bắt đầu nhượng quyền ra thế giới.

Những thương hiệu ẩm thực của Hàn Quốc như Paris Baguette, Tous Les Jours, Café Bene, BBQ Chicken, Kyochon Chicken, Lotteria; của Malaysia như Secret Recipes, PapaRich, Old Town White Coffee, Marrybrown; của Singapore như Breadtalk, Toast Box, Rong Hua Bak Kut Teh, Pasta Mania… cũng đang nằm trong xu hướng này.

Trong bối cảnh chung đó, nếu ramen của Nhật Bản, lẩu suki của Thái Lan, gà nướng của Hàn Quốc, dim sum của Đài loan, hay bak kut teh của Singapore có thể trở thành những món ăn đặc trưng cho các mô hình nhượng quyền ngành ẩm thực của họ, thì những món ăn đặc trưng của Việt Nam như phở Hà Nội, chả cá Lã Vọng, bánh xèo miền Tây, bánh đa cua Hải phòng, bún cá rô đồng, bún bò Huế, mì Quảng, bún chả cá Quy Nhơn, bánh khọt Vũng Tàu, cơm gà Tam Kỳ, bánh canh Trảng Bàng, cơm tấm Sài Gòn, hay những nhà hàng đặc trưng món ăn miền Nam, Trung, Bắc… là những ý tưởng ẩm thực đầy tiềm năng cho ngành nhượng quyền về ẩm thực nước ta.

- Nói đến nhượng quyền thương hiệu người ta thường nghĩ ngay đến những thương hiệu lớn, có bề dày lịch sử, có tiềm lực tài chính… Trong khi ở Việt Nam hầu hết là DNNVV. Đây có phải thách thức lớn cho DN Việt?

- Đúng vậy, nhưng không phải quá lớn và để bước ra chỉ cần thay đổi tư duy. Bởi lẽ lâu nay DN Việt thường tự cho rằng do nguồn lực tài chính yếu nên DN chẳng thể đi đâu ngoài Việt Nam. Nếp suy nghĩ đó đã làm cản bước đi của DN. Vì thế, DN muốn bắt đầu phải có tầm nhìn xác định thương hiệu của mình là thương hiệu quốc gia, khu vực hay quốc tế, từ đó vạch ra lộ trình thực hiện.

Vấn đề còn lại là lộ trình nhanh hay chậm, khó khăn nhiều hay ít, tất cả đều có cách giải quyết. Có ý kiến cho rằng sự thiếu chuyên nghiệp đang trở thành trở ngại cho các DNNVV khi thực hiện nhượng quyền. Phải nhìn nhận rằng khi nói đến nhượng quyền là nói về vấn đề chuyên nghiệp và chuẩn hóa. Bởi lẽ nhượng quyền không phải bán một giấy phép mà là bán một mô hình và hỗ trợ cho bên mua 4 nền tảng, bao gồm nền tảng hoạt động; thương hiệu và marketing; nhân sự và đào tạo; phát triển chi nhánh.

Nếu 4 nền tảng đó bản thân DN nhượng quyền chưa xây dựng được vững mạnh làm sao có thể hỗ trợ cho đối tác nhượng quyền phát triển thành công. Đó là lý do tôi nhận thấy nội lực và vấn đề chuyên nghiệp hóa của DN Việt Nam, nhất là DNNVV hết sức quan trọng. DN cần tập trung làm chuyên nghiệp trước khi nghĩ đến vấn đề xây dựng mô hình nhượng quyền.

Cơm tấm có thể là ý tưởng ẩm thực đầy tiềm năng cho ngành nhượng quyền ở nước ta.

Cơm tấm có thể là ý tưởng ẩm thực đầy tiềm năng cho ngành nhượng quyền ở nước ta.

- Là người từng làm việc với các DN thuộc nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới bà có nhận thấy khác biệt nào trong hành trình xuất khẩu thương hiệu giữa DN Việt Nam và DN các nước?

- Khó khăn chung của DNNVV các nước trong khu vực là thiếu nguồn lực tài chính, thiếu chuyên nghiệp. Tuy nhiên có sự khác biệt lớn là DNNVV Thái Lan, Malaysia, Singapore đều nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ chính phủ, với những chương trình dài hơi giúp DN từ chưa chuyên nghiệp đi lên thành chuyên nghiệp. Thí dụ, chính phủ Malaysia đang nỗ lực đồng hành cùng DN.

Theo đó DNNVV muốn đi ra khu vực và thế giới sẽ được tham gia các chương trình đào tạo, huấn luyện bởi những chuyên gia trong và ngoài nước (chính phủ chịu chi phí), giúp DN có đủ kiến thức chuẩn hóa DN của mình để vươn ra khu vực và thế giới. Về nguồn lực tài chính, nếu DN cam kết trong khoảng thời gian nhất định sẽ thay đổi nội lực, tái cấu trúc và đi theo đúng lộ trình đưa ra, họ sẽ nhận được hỗ trợ tài chính từ chính phủ. Malaysia cũng xác định rõ nhượng quyền là ngành trọng điểm để phát triển kinh tế dịch vụ vươn ra quốc tế.

Tại Việt Nam hiện nay những hỗ trợ của Nhà nước cho DNNVV trong ngành nhượng quyền gần như chưa có. Trong thời gian tới chúng tôi hy vọng sẽ có những hỗ trợ tích cực hơn để DN có thể phát triển mạnh ra khu vực. Về phần mình, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ miễn phí DN về lĩnh vực nhượng quyền thương hiệu.

- Xin cảm ơn bà.

Các tin khác