Vai trò của HĐBA
Đây là lần thứ 2 Việt Nam trở thành thành viên không thường trực của HĐBA LHQ. Trước đó, nước ta từng ngồi ở vị trí này trong nhiệm kỳ 2 năm 2008-2009, với số phiếu bầu 183/190. Trong lần bỏ phiếu hồi tháng 6, Việt Nam giành được sự tín nhiệm gần như tuyệt đối của các nước với 192/193 phiếu bầu. Theo giới chuyên gia, tỷ lệ này cho thấy Việt Nam đã có vị thế tốt hơn trong mắt bạn bè quốc tế. Vậy với vai trò là thành viên không thường trực của HĐBA, Việt Nam sẽ có quyền lợi và nghĩa vụ gì?
Trước tiên cần tìm hiểu sơ qua vai trò của HĐBA. Theo Hiến chương LHQ, HĐBA được ủy quyền điều tra mọi tình huống đe dọa hòa bình quốc tế; đề nghị các thủ tục giải quyết tranh chấp hòa bình; kêu gọi các quốc gia thành viên khác can thiệp hoàn toàn hoặc một phần quan hệ kinh tế cũng như thông tin liên lạc đường biển, đường hàng không, bưu chính và vô tuyến, hoặc cắt đứt quan hệ ngoại giao; thực thi các quyết định của mình về mặt quân sự, hoặc bằng bất kỳ phương tiện cần thiết nào. HĐBA cũng đề nghị Tổng thư ký mới vào Đại hội đồng và khuyến nghị các quốc gia mới được kết nạp làm quốc gia thành viên của LHQ.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Trưởng đoàn Việt Nam (giữa, phải, hàng hai) tại phiên họp bầu chọn Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Ảnh: TTXVN
Cùng với 5 thành viên thường trực, HĐBA LHQ có 10 thành viên không thường trực được bầu luân phiên theo khu vực địa lý. Các thành viên không thường trực có thể tham gia tất cả cuộc họp an ninh toàn cầu của HĐBA, có quyền bỏ phiếu cho các nghị quyết. Theo Điều 27 của Hiến chương LHQ, các quyết định của HĐBA về tất cả vấn đề quan trọng đòi hỏi phải có phiếu bầu khẳng định của ít nhất 9 thành viên. Tuy nhiên, trong khi các thành viên thường trực có quyền phủ quyết, các thành viên không thường trực không có quyền này. Dù vậy, các quốc gia thường trực rất kiềm chế trong việc sử dụng quyền phủ quyết của mình.
Ưu tiên của Việt Nam
Ưu tiên của Việt Nam
Trong nhiệm kỳ làm Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, Việt Nam có 2 tháng làm Chủ tịch HĐBA vào tháng 1-2020 và tháng 4-2021. Ngày 12-12, phái đoàn Việt Nam tại LHQ đã công bố những ưu tiên của nước ta trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ vào năm tới.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại LHQ, khẳng định trong nhiệm kỳ của mình, Việt Nam sẽ nỗ lực để đóng góp vào việc ngăn ngừa xung đột, phát huy ngoại giao phòng ngừa và giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp theo tinh thần Điều 6 Hiến chương LHQ. Việt Nam cũng sẽ cố gắng tham gia cải tiến cách thức làm việc của HĐBA LHQ, tích cực hợp tác giữa HĐBA LHQ và các tổ chức khu vực.
Đại sứ Quý cho biết Việt Nam sẽ chú trọng tham gia ý kiến vào những vấn đề lớn như bảo vệ dân thường, bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với người dân tại các nơi xung đột, bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong xung đột vũ trang, khắc phục hiểm họa bom mìn còn sót lại từ thời chiến, cũng như các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Chống tác động của biến đổi khí hậu đối với hòa bình và an ninh cũng sẽ là vấn đề Việt Nam chú trọng trong năm tới.
Các vấn đề quốc tế nổi bật khác như tiến trình tái thiết Syria, tình hình nhân quyền ở một số nước, cũng như các hoạt động cứu trợ nhân đạo của LHQ, đều có trong mối quan tâm của Việt Nam. Theo Đại sứ Đặng Đình Quý, hiện công tác chuẩn bị của Việt Nam cho năm đảm trách vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ đã tương đối hoàn tất.
Trên cương vị Chủ tịch HĐBA LHQ vào tháng 1-2020, Việt Nam sẽ chủ trì các cuộc họp của HĐBA LHQ và khi được cơ quan này cho phép, sẽ đại diện cho HĐBA với tư cách là một cơ quan của LHQ. Chương trình nghị sự tạm thời của mỗi cuộc họp của HĐBA sẽ do Tổng Thư ký xây dựng và được Chủ tịch HĐBA LHQ thông qua.
Dù vậy, Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức do cục diện thế giới đang thay đổi rất nhiều. Sự điều chỉnh của các nước lớn tạo ra cạnh tranh chiến lược gay gắt, có những quan điểm làm suy giảm chủ nghĩa đa phương, thậm chí giảm những cam kết với LHQ. Do đó, khi tham gia HĐBA Việt Nam phải tính toán để cùng các nước khác đề cao nguyên tắc của Hiến chương LHQ, đề cao trật tự của luật pháp quốc tế và các giá trị lâu nay LHQ duy trì.
Khó khăn nữa Việt Nam phải đối diện là một số nước thay đổi quan tâm đối với các vấn đề lâu nay tưởng chừng "thế giới đã đồng thuận", như tự do thương mại, bảo hộ mậu dịch, biến đổi khí hậu. Việt Nam vừa phải duy trì được quan tâm chung, vừa phải đáp ứng nhu cầu thay đổi của các nước lớn.
Kỳ vọng biển Đông
Kỳ vọng biển Đông
Chiếc ghế ủy viên không thường trực tại HĐBA LHQ trong 2 năm được nhiều nhà quan sát tin rằng sẽ là cơ hội tốt cho Việt Nam lên tiếng bảo vệ quyền lợi của đất nước và khu vực, trong đó có vấn đề biển Đông. Tháng trước, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung xác nhận Việt Nam đang xem xét sử dụng các cơ chế trong Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS).
Nhưng theo The Interpreter, đây có thể là chiến lược rủi ro. Trung Quốc chắc chắn sẽ bác bỏ các phán quyết, giống như việc bác bỏ phán quyết trọng tài biển Đông 2016 của Philippines và có khả năng bác bỏ Bộ quy tắc ứng xử hợp pháp. Dù vậy, Việt Nam phải khéo léo sử dụng thời cơ thích hợp của các cơ hội để tập trung sự chú ý vào khu vực và đặc biệt hơn là lợi ích của chính mình.
Trong năm tới Việt Nam sẽ vừa đảm đương chức vụ Chủ tịch ASEAN, vừa là thành viên không thường trực của HĐBA LHQ. Đây là cơ hội kép không dễ có được. Việt Nam sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn và được lắng nghe nhiều hơn khi ngồi vào chiếc ghế chủ tịch luân phiên ASEAN trong năm tới.
Trong cuộc họp báo ngày 12-12, đối với câu hỏi liệu Việt Nam có đưa vấn đề biển Đông ra HĐBA hay không, Đại sứ Đặng Đình Quý khẳng định để một vấn đề có thể được thảo luận tại HĐBA cần ít nhất 9 nước thành viên ủng hộ. Việt Nam không loại trừ bất kỳ khả năng nào và sẽ làm những gì cần làm, có thể làm vào thời điểm thích hợp.
Việc tham gia HĐBA LHQ là cơ hội để Việt Nam nâng cao vị thế trên trường quốc tế, cũng như đóng góp vào việc ra quyết định về các vấn đề quan trọng liên quan đến khu vực và thế giới. |