Nasdaq bốc hơi khi Nvidia sụt giảm; Dầu hạ vì nhu cầu ảm đạm ở Trung Quốc

(ĐTTCO) - Chứng khoán Mỹ giảm điểm vào thứ Sáu (08/03), khép lại một tuần đầy biến động khi đà bức phá mạnh mẽ của cổ phiếu Nvidia đã tạm dừng. Các hợp đồng dầu thô tương lai giảm trong tuần qua.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
Nasdaq bốc hơi khi Nvidia sụt giảm; Dầu hạ vì nhu cầu ảm đạm ở Trung Quốc

Dow Jones ghi nhận tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 10/2023

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 hạ 0.65% xuống 5,123.69 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite sụt 1.16% còn 16,085.11 điểm. Cả 2 chỉ số này đều rơi vào vùng tiêu cực sau khi tăng lên các mức cao mọi thời đại hồi đầu phiên. Chỉ số Dow Jones mất 68.66 điểm, tương đương 0.18%, xuống 38,722.69 điểm.

Cả 3 chỉ số chính đều khép tuần trong sắc đỏ, với S&P 500 mất 0.26% trong tuần này, còn Dow Jones và Nasdaq Composite lần lượt sụt 0.93% và 1.17%. Mức giảm này đánh dấu tuần tồi tệ nhất của Dow Jones kể từ tháng 10/2023.

Chứng khoán Mỹ giảm điểm vào thứ Sáu khi đà leo dốc trước đó của cổ phiếu Nvidia mất đà. Cổ phiếu trí tuệ nhân tạo được ưa thích đã bốc hơi hơn 5% trong phiên giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 5/2023.

Bất chấp sự tạm dừng đó, cổ phiếu Nvidia vẫn tăng vọt hơn 6% trong tuần. Đó là một phần của đợt bức phá mạnh mẽ đã góp phần bổ sung thêm 1 ngàn tỷ USD vào vốn hoá thị trường của cổ phiếu này chỉ tính từ đầu năm mới đến nay.

Sam Stovall, Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại CFRA Research, cho rằng: “Điều đó không có nghĩa là tiềm năng tăng giá dài hạn đã kết thúc. Nó chỉ nói lên rằng có lẽ chúng ta đã đi trước chính mình: chúng ta đã rơi vào tình trạng mua quá mức, và đã đến lúc chốt lời.”

Mặc dù Nvidia đã gây áp lực lên lĩnh vực công nghệ, cổ phiếu Apple vẫn tiến 1% trong phiên ngày 08/03. Với mức tăng đó, cổ phiếu này đã chấm dứt chuỗi suy giảm dài nhất kể từ đầu năm 2022, kéo dài 7 ngày. Tuy nhiên, cổ phiếu Apple vẫn sụt gần 5% trong tuần, khiến nó trở thành cổ phiếu hoạt động tệ nhất trong số các cổ phiếu thuộc Dow Jones.

Trong khi đó, dữ liệu việc làm tháng 2 của Mỹ công bố vào sáng thứ Sáu đưa ra một số tín hiệu trái ngược về thời điểm an toàn để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu hạ lãi suất.

Mặt khác, số việc làm tăng thêm trong tháng trước nhiều hơn dự kiến, đạt 275,000 việc làm so với dự báo 198,000 việc làm từ cuộc thăm dò của Dow Jones. Dữ liệu này có thể ám chỉ nền kinh tế vẫn đang hoạt động khá nóng.

Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp bất ngờ tăng lên 3.9% và tăng trưởng tiền lương thấp hơn lo ngại, mang đến hy vọng rằng lạm phát đã hạ nhiệt đủ để xoa dịu Fed. Dữ liệu tăng trưởng việc làm tháng 1 cũng được điều chỉnh thấp hơn.

Dầu giảm trong tuần do nhu cầu ảm đạm ở Trung Quốc

Kết phiên, hợp đồng dầu WTI mất 92 xu, tương đương 1.17%, xuống 78.01 USD/thùng. Còn hợp đồng dầu Brent hạ 88 xu, tương đương 1.06%, còn 82.08 USD/thùng.

Cả dầu WTI và dầu Brent đều lần lượt giảm 2.45% và 1.76% trong tuần.

Theo S&P Global Commodity Insights, kim ngạch nhập khẩu dầu thô ở Trung Quốc dã sụt 5.7% xuống còn 10.8 triệu thùng/ngày trong 2 tháng đầu năm, thấp hơn so với mức 11.44 triệu thùng/ngày trong tháng 12/2023.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao tại IEA nói với Reuters trong tuần này rằng thị trường đầu sẽ được cung cấp tương đối dồi dào trong năm nay.

Nhà đầu tư cũng đang nghiên cứu dữ liệu việc làm mới nhất trong tháng 2 cùng lời điều trần của Chủ tịch Jerome Powell trước Quốc hội Mỹ trong tuần này để đánh giá lãi suất – và nhu cầu dầu – có thể đi đến đâu.

Theo đó, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra thêm 275,000 việc làm trong tháng 2/2024, nhiều hơn so với dự báo thêm 198,000 việc làm từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 3.9%.

Ông Powell nói với Quốc hội Mỹ vào ngày 07/03 rằng ngân hàng trung ương “không còn xa” quyết định hạ lãi suất. Ông Powell nói với Uỷ ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ rằng Fed muốn có thêm niềm tin rằng lạm phát đang ổn định ở mức 2%.

Lãi suất thấp hơn thường kích thích tăng trưởng kinh tế, điều đó sẽ hỗ trợ nhu cầu dầu thô.

Các tin khác