Lợi suất rớt khỏi đỉnh 5%
Kết phiên, chỉ số Dow Jones giảm 190.87 điểm, tương đương 0.58%, xuống 32,936.41 điểm. S&P 500 mất 0.17% còn 4,217.04 điểm. Trong khi đó, Nasdaq Composite cộng 0.27% lên 13,018.33 điểm.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm trong phút chốc quay trở lại trên ngưỡng quan trọng 5% trước khi đảo chiều trượt dốc và khép phiên tại mức 4.85%.
Lãi suất đã tăng vọt trong các tuần gần đây với lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm vượt mốc 5% lần đầu tiên kể từ tháng 7/2007 hôm thứ Năm tuần trước. Những nhận định từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - ông Jerome Powell cho thấy chính sách tiền tệ có thể thắt chặt hơn nữa. Điều này dường như đã khiến nhà đầu tư lo lắng và dẫn đến đà tăng của lợi suất. Một số nhà phân tích cho rằng lợi suất chuẩn có thể vẫn còn dư địa tăng.
Phố Wall giảm điểm trong tuần trước với S&P 500 giảm 2.4%/tuần, đánh dấu tuần giảm điểm đầu tiên trong 3 tuần. Chỉ số Dow Jones sụt 1.6%, trong khi Nasdaq rớt 3.2% và ghi nhận tuần giảm điểm thứ 2 liên tiếp.
Mùa công bố báo cáo tài chính sẽ trở nên sôi động hơn trong tuần này với một loạt “ông lớn” ngành công nghệ sẽ tiết lộ kết quả kinh doanh. Theo đó, nhà đầu tư chờ đợi lợi nhuận từ Alphabet, Amazon, Meta và Microsoft để có thêm những thông tin quan trọng về thị trường chứng khoán.
Dầu giảm khi các động thái ngoại giao trong cuộc chiến ở Gaza làm giảm bớt lo ngại về nguồn cung
Khép lại phiên giao dịch, dầu thô Brent kỳ hạn giảm 1,89 USD, tương đương 2,05%, xuống 90,27 USD/thùng. Dầu thô ngọt nhẹ WTI của Hoa Kỳ mất 2,11 USD, tương đương 2,4%, còn 85,97 USD/thùng.
Mức giảm trong phiên này là mức giảm nhiều nhất trong một ngày của cả hai loại dầu chuẩn kể từ đầu tháng 10.
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu sẽ kêu gọi “tạm dừng nhân đạo” trong cuộc xung đột trong tuần này để viện trợ có thể đến tay người Palestine ở Gaza, trong khi các nhà lãnh đạo của Pháp và Hà Lan sẽ đến thăm Israel trong tuần này.
Các đoàn xe viện trợ bắt đầu đến Dải Gaza từ Ai Cập vào cuối tuần qua.
Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group, cho biết: “Rủi ro nguồn cung sắp xảy ra dường như đã giảm bớt. Mọi người đang giảm dần vị thế cho đến khi họ thấy điều này diễn ra như thế nào.”
Cả hai loại dầu chuẩn đều ghi nhận mức tăng hàng tuần trong hai tuần qua, do khả năng gián đoạn nguồn cung ở Trung Đông - khu vực cung cấp dầu lớn nhất thế giới - nếu xung đột lan rộng.
Nhà phân tích Tamas Varga của PVM cho biết: “Sự phẫn nộ gia tăng trong khu vực sẽ làm tăng thêm những cơn gió ngược về kinh tế, giá dầu tăng có khả năng sẽ đẩy lạm phát toàn cầu lên cao hơn, việc thắt chặt tiền tệ có thể tiếp tục và tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ bị giảm sút.”
Mặt khác, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần trước đã tuyên bố đình chỉ các biện pháp trừng phạt đối với thành viên OPEC Venezuela, sau khi chính phủ Venezuela đạt được thỏa thuận với phe đối lập.
Điều đó có thể đưa xuất khẩu trở lại thị trường, nhưng mức độ mà điều này có thể giảm thiểu tác động của rủi ro nguồn cung ở Trung Đông vẫn chưa rõ ràng.
Nhà phân tích Michael Tran của RBC cho biết: “Động thái này dự kiến sẽ bổ sung thêm 200-300.000 thùng dầu thô Venezuela mỗi ngày vào thị trường xuất khẩu toàn cầu.”