Nasdaq Compsite tăng gần 44% trong khi dầu giảm hơn 10% năm 2023

(ĐTTCO) - Chứng khoán Mỹ giảm nhẹ hôm thứ Sáu (29/12), nhưng S&P 500 vẫn ghi nhận đà tăng. Giá dầu của Mỹ mất hơn 10%, khi các nhà giao dịch lo ngại về tình trạng dư cung vì nguồn sản lượng từ các quốc gia ngoài OPEC.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

S&P 500 ghi nhận mức tăng mạnh 24%

Chỉ số S&P 500 tăng liên tục trong 9 tuần cuối cùng của năm 2023, đánh dấu chuỗi leo dốc dài nhất kể từ năm 2004. Nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn và cơn sốt AI, chỉ số Nasdaq Composite cũng ghi nhận một năm thắng đậm nhất kể từ năm 2020.

Khép phiên, chỉ số S&P 500 giảm 0.28% xuống 4,769.83 điểm, nhưng tăng 24.2% tính từ đầu năm. Chỉ số này khép lại năm 2023 ở mức gần kỷ lục. Tại một thời điểm trong phiên 29/12, S&P 500 chỉ còn cách 9 điểm so với mức kỷ lục 4,796.56 điểm xác lập vào tháng 1/2022.

Trong khi đó, chỉ số Dow Jones mất 20.56 điểm, tương đương 0.05%, xuống 37,689.54 điểm. Chỉ số này khép năm 2023 với mức tăng 13.7% và lập kỷ lục mới trong năm này. Tương tự, chỉ số Nasdaq Composite cũng giảm 0.56% xuống 15,011.35 điểm trong phiên cuối năm, nhưng tăng vọt 43.4% từ đầu năm 2023. Đây là năm tăng mạnh nhất của Nasdaq Composite kể từ năm 2020.

Mona Mahajan, Chiến lược gia đầu tư cấp cao tại Edward Jones, cho hay “Thị trường vẫn còn trớn tăng trong giai đoạn cuối năm. Đây là chuỗi tăng thật sự ấn tượng.”

Xét trong tuần qua, S&P 500 nhích 0.3%, tăng 9 tuần liên tiếp. Còn Dow Jones và Nasdaq Composite tiến 0.8% trong tuần qua, ghi nhận chuỗi tăng hàng tuần dài nhất kể từ năm 2019.

Chứng khoán Mỹ hồi phục mạnh mẽ sau giai đoạn đầy khó khăn trong năm 2022. Góp phần thúc đẩy thị trường tăng mạnh trong năm nay là sự hưng phấn xoay quanh trí tuệ nhân tạo (AI). Nhóm cổ phiếu “Magnificent 7”, bao gồm Apple, Microsoft, Alphabet (công ty mẹ Google), Amazon.com, Nvidia, Meta Platforms và Tesla, góp công lớn trong đà tăng mạnh của các chỉ số trên Phố Wall.

Tuy nhiên, với việc Fed báo hiệu chấm dứt nâng lãi suất và có thể hạ lãi suất 3 lần trong năm 2024, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm từ trên 5% (cuối tháng 10/2023) xuống dưới 3.9% trong ngày 29/12. Trong bối cảnh lãi suất giảm và thị trường lao động vẫn còn mạnh, giới đầu tư ngày càng tự tin vào kịch bản “hạ cánh mềm”, trong đó kinh tế Mỹ thoát suy thoái mà lạm phát vẫn hạ nhiệt.

Nhờ đó, Phố Wall rực sắc xanh với Dow Jones liên tục lập kỷ lục mới trong tháng 12/2023. Còn Russell 2000 tăng hơn 12% trong tháng 12/2023 và ghi nhận tháng leo dốc mạnh nhất kể từ tháng 11/2020. Chỉ số này cũng ghi nhận quý tốt nhất kể từ quý 4/2020.

Giá dầu rớt mạnh trong năm giảm đầu tiên kể từ năm 2020

Kết phiên, hợp đồng dầu WTI giao tháng 2/2023 giảm 12 xu, tương đương 0.17%, xuống 71.65 USD/thùng. Dầu Brent giao tháng 3/2023 giảm 11 xu, tương đương 0.14%, xuống 77.04 USD/thùng.

Cả hai hợp đồng dầu đều ghi nhận năm giảm đầu tiên kể từ năm 2020, bất chấp tình trạng căng thẳng đang diễn ra ở Trung Đông. Giá dầu WTI giảm 10.73% trong năm 2023, còn dầu Brent sụt 10.32%.

Giá dầu tăng gần 3% trong ngày 26/12 vì lo ngại về căng thẳng ở Biển Đỏ. Tuy nhiên, giá dầu đã giảm trở lại trong 2 phiên sau đó khi các trader tập trung trở lại vào cung cầu trên thị trường.

Mỹ sản xuất dầu ở mức kỷ lục, bơm 13.3 triệu thùng/ngày trong tuần trước. Sản lượng cũng đạt kỷ lục ở Brazil và Guyana. Hoạt động sản xuất kỷ lục bên ngoài nhóm OPEC diễn ra ngay khi các nền kinh tế lớn chững lại, đáng chú ý nhất là Trung Quốc.

Trong khi đó, OPEC và các đồng minh cam kết giảm sản lượng 2.2 triệu thùng/ngày trong quý 1/2024, nhưng các trader không còn tự tin chính sách của OPEC sẽ góp phần giúp cung cầu cân bằng trở lại.

Hoạt động sản xuất bên ngoài OPEC, đáng chú ý nhất là Mỹ, được dự báo tăng mạnh hơn mức tăng của nhu cầu trong năm 2024, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu được dự báo giảm một nửa xuống 1.1 triệu thùng/ngày trong năm 2024, trong khi sản lượng bên ngoài OPEC được dự báo tăng 1.2 triệu thùng/ngày.

Sự chuyển dịch nguồn cung dầu thô từ Trung Đông sang Mỹ và các quốc gia Đại Tây Dương khác đang “tác động sâu rộng đến hoạt động giao thương dầu toàn cầu”, IEA cho biết trong báo cáo tháng 12/2023.

Mỹ chiếm 2/3 mức tăng trưởng sản lượng bên ngoài OPEC trong năm 2023. Theo IEA, đây là một thách thức lớn và đòi hỏi các quốc gia Trung Đông phải nỗ lực để bảo vệ thị phần và thúc đẩy giá dầu.

OPEC dường như có ít dư địa để tiếp tục hành động, khi các đợt cắt giảm sản lượng không còn gây ảnh hưởng như trước. Brazil đồng ý phối hợp với OPEC, nhưng chưa rõ điều này có ý nghĩa gì với thị trường.

Trong tháng 12/2023, CEO Occidental Vicki Hollub chia sẻ sản lượng Mỹ năm nay đã chạm tới mức khiến cô kinh ngạc. Hollub gửi thông điệp cảnh báo tới ngành dầu Mỹ rằng: “Các nhà sản xuất Mỹ phải thận trọng trong việc bơm quá nhiều dầu vào thị trường”.

CEO Occidental và Morgan Stanley dự báo giá dầu WTI hồi phục vào năm 2024 lên mức trung bình 80 USD/thùng. Còn Wells Fargo dự báo WTI đạt mức trung bình 71.5 USD/thùng vào năm tới.

Các tin khác