Nasdaq ghi nhận chuỗi 3 ngày tăng điểm; Giá dầu giảm nhẹ trước lo ngại tăng lãi suất

(ĐTTCO) – Chứng khoán Mỹ phục hồi vào thứ Tư (15/02) khi các nhà giao dịch cân nhắc doanh số bán lẻ mạnh mẽ cùng với dữ liệu lạm phát mới nhất của Hoa Kỳ có ý nghĩa gì đối với chiến dịch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Giá dầu giảm nhẹ do đồng đô la Mỹ mạnh lên và các nhà đầu tư lo ngại rằng lãi suất tăng sẽ làm chậm nền kinh tế đồng thời ảnh hưởng nhu cầu nhiên liệu.
Nasdaq ghi nhận chuỗi 3 ngày tăng điểm; Giá dầu giảm nhẹ trước lo ngại tăng lãi suất

Nhà đầu tư cân nhắc dữ liệu về doanh số bán lẻ và lạm phát

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 38,78 điểm, tương đương 0,11%,tăng hơn 250 điểm từ mức đáy trong phiên để đóng cửa ở mức 34.128,05. S&P 500 cộng 0,28% lên 4.147,60, được hỗ trợ bởi cổ phiếu của SolarEdge và Generac, khi lần lượt tăng 9,05% và 8%. Nasdaq Composite nhảy vọt 0,92% lên 12.070,59, được thúc đẩy bởi đà leo dốc của cổ phiếu của Airbnb, vốn tăng 13,35% sau khi báo cáo lợi nhuận vượt kỳ vọng. Lợi nhuận của Tesla, Rivian và Lucid cũng giúp dẫn dắt chỉ số này.

Chứng khoán Mỹ đã trượt dốc hồi đầu phiên khi một báo cáo cho thấy doanh số bán lẻ tháng Giêng tăng 3%, cao hơn nhiều so với dự đoán mức tăng 1,9% từ các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Dow Jones. Con số này báo hiệu rằng nền kinh tế Hoa Kỳ đang đứng vững bất chấp việc Fed tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Chris Zaccarelli, giám đốc đầu tư của Independent Advisor Alliance cho biết: “Khả năng phục hồi của thị trường lao động là lý do chính khiến người tiêu dùng tiếp tục chi tiêu và chừng nào còn như vậy, lạm phát có thể vẫn còn cao. Fed sẽ cần tăng lãi suất cao hơn - và giữ chúng ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn - so với những gì mọi người hiện đang mong đợi và điều này sẽ khiến thị trường trải qua một số biến động đáng kể.”

Dữ liệu doanh số bán lẻ hôm thứ Tư được công bố một ngày sau khi báo cáo lạm phát mới nhất của Hoa Kỳ được công bố. Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2023 cao hơn một chút so với ước tính của các nhà kinh tế, cho thấy một chặng đường dài hơn trong cuộc chiến chống lạm phát của Fed.

Dầu ít thay đổi

Đà giảm của dầu đã bị kiềm hãm khi thị trường không chú ý đến sự gia tăng dự trữ dầu thô của Mỹ do điều chỉnh dữ liệu và khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu cao hơn.

Khép phiên, dầu thô Brent sụt 20 cent, tương đương 0,2%, xuống 85,38 USD/thùng, trong khi dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ mất 47 cent, tương đương 0,6%, xuống 78,59 USD.

Đồng đô la Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong gần 6 tuần so với rổ tiền tệ nhờ dữ liệu doanh số bán lẻ mạnh mẽ của Hoa Kỳ vào tháng trước và dữ liệu lạm phát gần đây của Hoa Kỳ, cho thấy Fed sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ.

Đồng đô la mạnh hơn có thể cắt giảm nhu cầu dầu mỏ, khiến dầu thô trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Các quan chức của Fed cho hay, ngân hàng trung ương Hoa Kỳ sẽ cần duy trì việc tăng lãi suất dần dần để chống lại lạm phát. Các nhà đầu tư lo ngại lãi suất cao hơn có thể làm trì trệ nền kinh tế.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho biết các kho dự trữ dầu thô của Hoa Kỳ đã tăng 16,3 triệu thùng trong tuần trước lên 471,4 triệu thùng, mức cao nhất kể từ tháng 6/2021.

Con số này lớn hơn nhiều so với mức tăng 1,2 triệu thùng mà các nhà phân tích dự đoán trong một cuộc thăm dò của Reuters. Nhưng các nhà phân tích cho biết việc điều chỉnh nguồn cung dầu thô lớn bất thường đã góp phần vào việc gia tăng quá mức.

IEA nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2023 và cho biết có thể thiếu hụt nguồn cung trong nửa cuối năm do sản lượng bị hạn chế từ OPEC+.

IEA cho biết Trung Quốc sẽ chiếm gần 50% tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm nay sau khi nới lỏng các biện pháp kiểm soát COVID-19, đồng thời cho biết khoảng 1 triệu thùng/ngày sản lượng dầu từ Nga sẽ bị mất vào cuối quý I/2023, vì lệnh cấm vận của châu Âu và trần giá của nhóm G7.

Hôm thứ Ba (14/02), OPEC cũng nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu và nói rằng thị trường sẽ khan hiếm hơn trong năm 2023.

Các tin khác