"Chúng tôi thực sự đã chuẩn bị cho khả năng này trong một thời gian dài. Không có chuyện NATO đột nhiên thức dậy vào ngày 24-2 và nhận ra rằng Nga là mối nguy hiểm" - ông Stoltenberg nói.
"Thực tế là chúng tôi cũng đã chuẩn bị cho nguy cơ đối đầu này từ năm 2014, đó là lý do vì sao chúng tôi tăng cường sự hiện diện của mình ở khu vực sườn phía đông, là lý do tại sao các đồng minh NATO bắt đầu đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng" - ông cho hay.
Theo Tổng thư ký NATO, phương Tây đã cố gắng nói chuyện với Nga trước khi họ tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, tuy nhiên Moscow vẫn thực hiện kế hoạch của mình.
Hội nghị thượng đỉnh NATO hôm 29-6 đã thông qua một khái niệm chiến lược mới gọi Nga là "mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất” đối với an ninh của họ, loại bỏ mô tả của quốc gia này là một đối tác, theo hãng thông tấn TASS.
NATO mời Phần Lan và Thụy Điển gia nhập
Bên cạnh đó, NATO cũng chính thức mời Thụy Điển và Phần Lan gia nhập khối, Đây được xem là một trong những thay đổi lớn nhất trong nhiều năm qua về tình hình an ninh ở châu Âu.
"Hôm nay, chúng tôi đã quyết định mời Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên của NATO" - các nhà lãnh đạo NATO cho biết trong một tuyên bố chung.
Động thái trên diễn ra sau khi Thổ Nhĩ Kỳ dỡ bỏ quyền phủ quyết đối với việc để Phần Lan và Thụy Điển gia nhập khối này. Sau 4 giờ hội đàm, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - ông Tayyip Erdogan đã đạt được sự đồng thuận với lãnh đạo Phần Lan và Thụy Điển về một loạt biện pháp an ninh để đổi lấy việc dỡ bỏ quyền phủ quyết.
Việc phê duyệt có thể mất tới một năm, nhưng khi hoàn thành, Phần Lan và Thụy Điển sẽ được bảo trợ dưới điều khoản phòng vệ tập thể theo Điều 5 Hiệp ước thành lập NATO, tuyên bố rằng hành động tấn công vào bất kỳ một nước thành viên nào cũng là tấn công vào cả khối liên minh quân sự này.
“Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng chúng tôi có thể bảo vệ tất cả thành viên và đồng minh, bao gồm Phần Lan và Thụy Điển” - ông Stoltenberg khẳng định.
Theo hãng tin Reuters, trong thời gian đó, NATO sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực Bắc Âu, tổ chức nhiều cuộc tập trận và tuần tra hải quân ở Biển Baltic để trấn an Thụy Điển và Phần Lan.
"Chúng tôi đang gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Tổng thống Nga - ông Vladimir Putin: Các bạn sẽ không giành chiến thắng được đâu" - Thủ tướng Tây Ban Nha - ông Pedro Sanchez phát biểu.
Tổng thống Nga - ông Vladimir Putin. Ảnh: SCMP
Ông Putin: Nga sẽ đáp trả nếu NATO triển khai quân ở Phần Lan và Thụy Điển
Phản hồi thông tin NATO mời Thụy Điển và Phần Lan gia nhập khối này, Tổng thống Putin cho biết Nga sẽ có biện pháp đáp trả nếu NATO triển khai quân đội và cơ sở hạ tầng ở hai nước này sau khi họ tham gia liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.
“Với Thụy Điển và Phần Lan, chúng tôi không gặp khó khăn như với Ukraine. Họ muốn tham gia NATO, cứ làm như vậy đi. Nhưng họ phải hiểu rằng nếu họ triển khai lực lượng quân sự và cơ sở hạ tầng ở đó, Nga sẽ phải đáp trả và tạo ra các mối đe dọa tương tự" - ông Putin nhấn mạnh.
Theo Tổng thống Nga, quan hệ giữa Moscow với Helsinki và Stockholm sẽ khó khăn hơn nhiều vì tư cách thành viên NATO của họ.
“Mọi thứ giữa chúng tôi trước đây vẫn ổn, nhưng hiện tại, chắc chắn sẽ xuất hiện một số căng thẳng, chắc chắn sẽ có. Đây là một việc không thể tránh khỏi nếu có mối đe dọa đối với Nga” - ông Putin nói.