NCB có thêm cổ đông lớn mới

(ĐTTCO) - NHTMCP Quốc Dân (NCB) vừa công bố thông tin về việc chào bán thành công 150 triệu cổ phiếu ra công chúng, theo đó cũng lần đầu tiên NH này tăng vốn điều lệ kể từ tháng 6-2019. 

Hơn 1,47 triệu cổ phiếu chưa được phân phối hết tại đợt chào bán của đợt chào bán này đã được phân phối lại cho hai nhà đầu tư tổ chức là Công ty Chứng khoán Everest (EVS) và Công ty TNHH Đầu tư Tập đoàn Mặt Trời.
Hơn 1,47 triệu cổ phiếu chưa được phân phối hết tại đợt chào bán của đợt chào bán này đã được phân phối lại cho hai nhà đầu tư tổ chức là Công ty Chứng khoán Everest (EVS) và Công ty TNHH Đầu tư Tập đoàn Mặt Trời.

Cũng trong lần chào bán này, Sun Group đã hiện diện trong danh sách cổ đông của NH này.

Theo công bố của NCB, trong đợt chào bán này, hơn 148,5 triệu cổ phiếu đã được bán ra cho 533 nhà đầu tư. Trong đó, 515 nhà đầu tư trong nước mua vào 132,1 triệu cổ phiếu và 18 nhà đầu tư nước ngoài mua vào 17,9 triệu cổ phiếu.

Đồng thời có hơn 1,47 triệu cổ phiếu chưa được phân phối hết của đợt chào bán này đã được phân phối lại cho 2 nhà đầu tư tổ chức là CTCK Everest (EVS) và Công ty TNHH Đầu tư Tập đoàn Mặt Trời. 

Sau đợt chào bán, cùng với 2 thể nhân liên quan là bà Vũ Hải Anh, ông Trần Đình Lợi, nhóm CTCK Everest sở hữu hơn 26,8 triệu cổ phiếu tại NH này, tương đương 4,79% vốn điều lệ. Tiền thân của CTCK Everest này là CTCP Chứng khoán Đại dương.

Trong năm 2021, CTCK Everest đã thực hiện tăng vốn điều lệ 2 lần, từ mức hơn 600 tỷ đồng lên hơn 1.030 tỷ đồng. Cũng trong năm ngoái, một loạt nhân sự chủ chốt tại CTCK Everest đã được thay đổi bao gồm Chủ tịch HĐQT. Theo đó, ông Nguyễn Hải Châu hiện là Chủ tịch HĐQT CTCK Everest.

Ông Châu còn là Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Quản lý Quỹ Trí tuệ Việt Nam, thành viên HĐQT CTCP Enteco Việt Nam và Tổng giám đốc CTCP Công nghiệp chế tạo ô tô Quốc Dân. 

Trong khi đó với giao dịch nói trên, Công ty TNHH Đầu tư Tập đoàn Mặt Trời sở hữu hơn 827.000 cổ phiếu, tương đương 0,15% vốn điều lệ của NCB. Cổ đông lớn nhất của Công ty TNHH Đầu tư Tập đoàn Mặt Trời là Công ty TNHH Mặt Trời Hạ Long - một thành viên của Tập đoàn Sun Group.

Qua đó, Sun Group cũng đã chính thức xuất hiện với vai trò cổ đông của NCB.

Đồng thời, khoảng 2 năm trở lại đây, tình hình giao dịch cổ phiếu NCB cũng có nhiều hoạt động đáng chú ý. Trong vòng 3 tháng từ đầu tháng 12-2020 đến cuối tháng 2-2021, gần 140 triệu cổ phiếu NCB được các nhà đầu tư giao dịch sang tay. Tổng giá trị giao dịch lên tới 1.330,1 tỷ đồng. Số cổ phiếu này chiếm tới 34,12% vốn NH ở thời điểm đó.

Đến tháng 7-2021, có 116,1 triệu cổ phiếu NCB, tương đương 28,3% vốn được giao dịch thoả thuận. Còn kể từ đầu năm 2022 đến nay, trên 49,2 triệu cổ phiếu được giao dịch qua hình thức thỏa thuận.

Như vậy, trong cơ cấu cổ đông của NCB đang có sự hiện diện của một công ty chứng khoán và một công ty bất động sản. Nhìn rộng hơn, việc các tập đoàn bất động sản mua cổ phần, trở thành cổ đông của các nhà băng ngày càng sôi động.

Với đợt chào bán thành công vừa rồi, vốn điều lệ của NCB từ 4.101,5 tỷ đồng lên 5.601,5 tỷ đồng. Đây là lần tăng vốn đầu tiên của NCB kể từ tháng 6-2019.

Tại đại hội cổ đông năm 2021, lãnh đạo NCB cho biết, NH sẽ tăng vốn lên hơn 7.000 tỷ đồng từ việc chào bán 150 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tổng giá trị chào bán tương đương 1.500 tỷ đồng) và phát hành 3.000 trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu (tổng giá trị trái phiếu dự kiến phát hành tương đương 3.000 tỷ đồng).

Năm 2021, thị giá cổ phiếu NVB đã tăng gấp 3 lần, từ mức 9.000 đồng/CP lên vùng giá 30.000 đồng/CP, nằm trong nhóm cổ phiếu NH tăng giá mạnh nhất năm 2021. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh lại diễn biến ngược chiều.
Cả năm 2021, NCB lãi trước thuế năm 2021 vỏn vẹn hơn 2,3 tỷ đồng, chủ yếu do trích các khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc.

Tính đến 31-12-2021, tổng tài sản của NH giảm 18% so với đầu năm, chỉ còn 73.784 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại TCTD khác giảm đến 74% (còn 3.064 tỷ đồng), tiền gửi khách hàng giảm 10%, chỉ còn hơn 64.520 tỷ đồng, cho vay khách hàng chỉ tăng nhẹ 3% (41.615 tỷ đồng).

Tỷ lệ nợ nhóm 2 đến cuối năm 2021 tăng gấp 4,4 lần, lên 3.155 tỷ đồng, nợ nhóm 3 tăng gần gấp 10 lần, lên 600 tỷ đồng, nợ xấu nhóm 4 tăng gấp đôi, lên 180 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng từ mức 1,51% hồi đầu năm vọt lên 3% vào cuối 2021.

Các tin khác