Nên hỗ trợ nhà làm phim tư nhân

Báo ĐTTC ra ngày 24-1-2013, mục Chủ điểm - Sự kiện đăng bài “Kinh doanh phim tết - Mong manh lỗ lãi", nêu thực trạng đầu tư làm phim chiếu dịp tết của các nhà sản xuất phim tư nhân. Tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà chuyên môn về vấn đề này. Chúng tôi trích đăng ý kiến của bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội điện ảnh TPHCM.

Báo ĐTTC ra ngày 24-1-2013, mục Chủ điểm - Sự kiện đăng bài “Kinh doanh phim tết - Mong manh lỗ lãi", nêu thực trạng đầu tư làm phim chiếu dịp tết của các nhà sản xuất phim tư nhân. Tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà chuyên môn về vấn đề này. Chúng tôi trích đăng ý kiến của bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội điện ảnh TPHCM.

Trở lại những năm trước, thị trường phim tết bị phủ sóng bởi phim ngoại, phim nội hầu như vắng bóng. Nhưng vài năm gần đây, phim Việt dần dần thống lĩnh thị trường phim tết. Thậm chí có những năm không có phim ngoại chiếu trong dịp tết.

Có được điều này do sự nhạy bén của các nhà làm phim tư nhân và tôi cho rằng đây là một sự thành công về mặt nghề nghiệp. Cũng cần nói thêm các nhà làm phim tư nhân có một số lợi thế nhất định, như nhân sự gọn, không mất nhiều thời gian khi quyết định đầu tư một bộ phim.

Tuy nhiên, về nội dung và chất lượng phim là vấn đề cần được xem xét công bằng. Hiện nay, các nhà làm phim tư nhân phải tự bỏ vốn sản xuất, vì vậy nhu cầu thu hồi vốn vàø thu lợi cũng như tái đầu tư phim khác là mục tiêu trên hết.

Bởi lẽ không ai muốn bỏ tiền ra để rồi bị lỗ. Chính vì sự chi phối ấy, khi họ đầu tư làm một bộ phim, điều đầu tiên các nhà làm phim tính đến là khai thác các đề tài đánh vào thị hiếu khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Với tiêu chí này, dù bộ phim đó khán giả xem xong rồi quên ngay cũng được, miễn thu hút được nhiều khán giả đến mua vé, xem phim.

Còn nội dung cũng như tính giáo dục, thẩm mỹ ít được họ quan tâm. Đây là nhược điểm lớn của nhiều hãng phim tư nhân.

Poster phim "Thiên mệnh anh hùng". 

Poster phim "Thiên mệnh anh hùng". 

Trước thực trạng trên, chúng tôi, những nhà quản lý điện ảnh đang đấu tranh quyết liệt với cách làm phim này. Trước hết phải kể đến vai trò của hội đồng duyệt phim. Một bộ phim có thể đến với công chúng hay không do hội đồng duyệt phim quyết định. Chính vì vậy hội đồng này có vai trò hết sức quan trọng trong việc xét duyệt, góp phần nâng cao chất lượng bộ phim. Tất nhiên, nói như vậy không phải để đưa ra những quy định quá khắt khe. Chúng ta phải rộng rãi trong cơ chế duyệt nhưng khi đánh giá nội dung phải chặt chẽ, phải có cảnh báo cho các nhà làm phim.

Nhằm hỗ trợ các nhà làm phim tư nhân, Hội Điện ảnh TPHCM cũng có một hội đồng nghệ thuật để sẵn sàng góp ý cho các bộ phim, bởi thực tế có nhiều bộ phim chỉ cần thay đổi một vài chi tiết đã giúp phim thêm hay.

Nhưng vì nhiều lý do, các hãng phim thường ngần ngại trong việc mời chúng tôi góp ý. Để phim Việt Nam có nội dung hay, có tính thẩm mỹ cao, hiện nay chúng ta đang rất cần một lực lượng biên tập phim.

Nếu các nhà làm phim tư nhân chưa chú trọng đầu tư, Nhà nước có thể đứng ra hỗ trợ nguồn nhân lực, sau đó cho họ thuê lại như một cách giúp các hãng phim tư nhân.

Nói cho công bằng, các nhà làm phim tư nhân cũng là những người dũng cảm, vì khi bỏ vốn đầu tư một bộ phim thực tế gặp rất nhiều rủi ro và cũng chưa thể biết chắc mình sẽ lời hay lỗ. Chẳng hạn như rủi ro khi tìm kiếm nhà phát hành, ăn chia với rạp.

Trên thực tế nhiều phim làm xong, đã qua khâu trình duyệt, được phép công chiếu nhưng không tìm được rạp chiếu, hoặc đang chiếu giữa chừng bị đẩy ra cũng không hiếm.

Tất nhiên, hiện nay nhiều nhà sản xuất đã có kinh nghiệm hơn khi kết hợp với các nhà phát hành đồng thời là chủ cụm rạp làm phim. Hoặc ngay chính những cụm rạp này cũng có bộ phận làm phim. Nhưng không phải nhà làm phim tư nhân nào cũng làm được điều này. Chính vì thế Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để họ giảm bớt rủi ro.

Bên cạnh đó cần tổ chức những hội thảo giữa các nhà làm phim tư nhân và cơ quan quản lý nhà nước để lắng nghe, phân tích những khó khăn, đưa ra những giải pháp hỗ trợ để gắn kết giữa các nhà làm phim tư nhân và Nhà nước. Làm sao để có những bộ phim vừa thu hút được khán giả, vừa có tính thẩm mỹ cao là điều ai cũng mong muốn.

Nhưng để làm được cần có một bộ phận đóng vai trò điều tiết. Chẳng hạn như Cục Điện ảnh nên đứng ra làm vai trò này. Theo đó, có quy hoạch lâu dài cho ngành điện ảnh để từ đó biết được chúng ta phải làm gì, nên làm gì. Thí dụ, việc xây phim trường ai cũng biết là hết sức cần thiết, nhưng do chưa có quy hoạch cụ thể nên cũng chưa thể thực hiện được.

Trở lại vai trò của đơn vị điều tiết, ngoài những hỗ trợ cũng phải có phân công cho cả các nhà sản xuất tư nhân, cũng như Nhà nước. Khi thấy được lợi ích riêng, chung những nhà làm phim sẽ không từ chối.

Ngoài ra, việc hỗ trợ về tinh thần cho các hãng phim tư nhân cũng hết sức cần thiết. Chẳng hạn như bộ phim “Thiên mệnh anh hùng” ra rạp năm ngoái bị lỗ, nhưng khi dự liên hoan phim lại có giải thưởng. 

Đây chính là động lực tinh thần to lớn để những nhà làm phim không cảm thấy nản, sẽ tiếp tục cho ra những bộ phim mới phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của đông đảo khán giả.

Các tin khác