Người dân tìm hiểu sản phẩm đồ dùng gia đình ở một siêu thị tại TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Sân chơi chưa bình đẳng
Chủ trương chung của Nhà nước là tất cả DN đều được đối xử bình đẳng. Tuy nhiên, trên thực tế, trong nhiều lĩnh vực, ở nhiều địa phương vẫn xuất hiện những quy định, những vụ việc gây bức xúc. sẽ
Theo nhiều DN tư nhân, phổ biến nhất là sự bất bình đẳng trong việc áp dụng mức thuế. Ông Lê Hữu Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lê Thành, cho biết, DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam được miễn, giảm thuế 10 năm, nhưng DN trong nước thì không được hưởng ưu đãi này.
Ông Kiều Huỳnh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Máy Thép Việt, cũng băn khoăn về sự bất cập trong thực hiện quy định về thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu thiết bị máy móc. Cụ thể, nếu DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhập khẩu nguyên thiết bị máy móc thì thuế nhập khẩu từ 0%-10% hoặc miễn thuế. Trong khi đó, DN chế tạo máy trong nước nếu nhập khẩu nguyên vật liệu, linh kiện phụ tùng sản xuất thiết bị cùng loại để chế tạo máy thì chịu thuế nhập khẩu lên đến 15%.
Ở lĩnh vực giáo dục - đào tạo, tình trạng chưa bình đẳng còn rõ nét hơn. Đơn cử, với thủ tục đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp FDI hoạt động theo Nghị định 73/2012/NĐ-CP về hợp tác đầu tư nước ngoài trong giáo dục, DN trong nước lại hoạt động theo Nghị định 46/2017/NĐ-CP về điều kiện đầu tư trong giáo dục. Theo đó, DN FDI chỉ cần vốn tối thiểu 300 tỷ đồng để kinh doanh, không cần diện tích xây dựng, được thuê trụ sở. Còn DN trong nước phải có vốn 1.000 tỷ đồng, phải có diện tích xây dựng tối thiểu 5ha, phải xây trụ sở.
TS Trương Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, nhận định, Chính phủ quy định chính sách ưu đãi đầu tư dành cho DN nội và DN ngoại không có nhiều khác biệt. Nhưng khác là do cách hành xử của nhiều cơ quan chức năng, địa phương. Minh chứng rõ nhất là thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho DN ngoại thường ngắn hơn, thuận lợi hơn so với DN nội.
TS Trương Chí Bình nêu ví dụ, hiện nay ở Khu công nghiệp Hiệp Phước (TPHCM) có rất nhiều DN nội 3 năm nay vẫn chưa xin được giấy phép xây dựng, trong khi DN cùng ngành nghề của nước ngoài thì chỉ mất 1 năm để hoàn thiện từ khâu xin phép đến việc xây dựng và đi vào vận hành.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Claudio Dordi, Giám đốc Dự án Tạo thuận lợi thương mại do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ, cho biết, kết quả phân tích dữ liệu cũng chỉ rõ có đến 58,92% DN Việt Nam đã gặp ít nhất một loại khó khăn nào đó trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.
“Khi sân chơi với nhiều lợi thế đang nghiêng về các DN FDI, cùng với môi trường kinh doanh kém thuận lợi (như các quy định về kinh doanh, dịch vụ căn bản và cơ sở hạ tầng còn hạn chế) có thể sẽ tiếp tục làm suy yếu nghiêm trọng khả năng cạnh tranh của các DN nội địa, bất kể quy mô”, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhấn mạnh.
Nguy cơ "bị bỏ lại phía sau"
Cuối tuần qua, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) công bố báo cáo thường niên FDI năm 2022 với chủ đề “Hướng tới tăng trưởng xanh và chuyển đổi số”.
Theo GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE, Việt Nam là một ví dụ thành công trong việc nền kinh tế được thúc đẩy bởi FDI, khi trở thành trung tâm sản xuất các sản phẩm điện tử trong 2 thập niên gần đây. Năm 2022, bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn thu hút được trên 27,7 tỷ USD vốn FDI đăng ký, bằng 89% so với năm 2021. Số vốn giải ngân đạt 22,39 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước…
Báo cáo thường niên FDI năm 2022 cũng nêu rõ, có 68,5% DN FDI được hỏi đã đánh giá Việt Nam có thuận lợi hơn về địa điểm đầu tư so với các quốc gia khác mà DN đang cân nhắc đầu tư. Trong đó, một số lợi thế đáng kể là chi phí, chất lượng lao động, thuế và khả năng ứng phó của Chính phủ Việt Nam đối với các tình thế khẩn cấp.
Tuy nhiên, vấn đề tham nhũng và hệ thống thủ tục hành chính rắc rối, chất lượng cơ sở hạ tầng, chất lượng cung cấp dịch vụ công ở Việt Nam bị nhiều DN FDI đánh giá thấp hơn “quê nhà” của họ.
Tuy nhiên, bước sang năm 2023, những số liệu ban đầu về đăng ký đầu tư không mấy khả quan. Trong kỳ thống kê 2 tháng đầu năm, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp chỉ đạt gần 3,1 tỷ USD, giảm 38% so với cùng kỳ năm 2022. Vốn thực hiện ước đạt 2,55 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng nói là số vốn đăng ký bổ sung khá thấp, giảm mạnh so với năm ngoái.
Theo GS-TSKH Nguyễn Mại, 100% DN phản hồi cho rằng Chính phủ Việt Nam cần nhanh chóng rà soát, điều chỉnh kịp thời chính sách đầu tư nước ngoài để theo kịp với biến động của kinh tế toàn cầu và những thay đổi trong chiến lược thu hút FDI của các nước trên thế giới, trong đó nhiều nước có điều kiện tương tự Việt Nam.
Trong khi nền kinh tế toàn cầu nói chung và trong nước nói riêng tiếp tục được dự báo nhiều khó khăn, theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn kỳ vọng những dấu hiệu tích cực. Đó là nhiều dự án quy mô lớn phù hợp với định hướng thu hút FDI có chất lượng và hiệu quả hơn đang được đàm phán hoặc sắp được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; nhiều tổ chức quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá cao tiềm năng to lớn của thị trường Việt Nam…
Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia, nếu không có những cải cách hợp lý, kịp thời và toàn diện, khả năng Việt Nam sẽ bị thụt lùi và bị “bỏ lại phía sau” trong thu hút FDI.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho thấy, dù chiếm hơn 97% số lượng DN, đóng góp 45% GDP và 31% thu ngân sách nhưng DN tư nhân tại Việt Nam vẫn chưa được đối xử bình đẳng.
Trong khi đó, theo báo cáo đánh giá đầu tư mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, các DN thành viên cũng đã chỉ ra điểm gây cản trở đầu tư tại Việt Nam là thiếu rõ ràng trong các quy định thủ tục hành chính, visa cho người nước ngoài kém thuận lợi.
TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc đầu tư Savills Việt Nam: Cần có chính sách đặc thù đối với DN trong nước
Đang có sự chênh lệch quá lớn khi xuất khẩu của Việt Nam nghiêng hẳn về phía FDI. Sở dĩ có câu chuyện này là do 3 yếu tố, gồm: công nghệ, vốn, con người. Với yếu tố con người, sau một thời gian dài hội nhập và học hỏi thì trình độ chuyên môn của người lao động Việt Nam đã nâng lên.
Song 2 yếu tố còn lại là công nghệ và vốn thì vẫn thiếu. Muốn đầu tư công nghệ thì cần có vốn, trong khi tiềm lực kinh tế của DN Việt lại không lớn. Trong bối cảnh này, DN Việt lại chưa được ưu đãi công bằng là điều rất khó cho họ. Để cân bằng, đòi hỏi Nhà nước có chính sách đặc thù đối với DN trong nước, nhất là với các DN vừa và nhỏ, vì phần lớn DN trong nước là DN vừa và nhỏ.
TS Bùi Duy Tùng, Giảng viên Kinh tế (Đại học RMIT): Đầu tư vào một số lĩnh vực nhằm tạo thương hiệu quốc gia
Việc các DN FDI chiếm tỷ trọng xuất khẩu cao chứng tỏ chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ là rất đúng đắn. Tuy vậy, điều này mang lại cho chúng ta nhiều vấn đề phải xem xét, bởi việc phụ thuộc quá nhiều vào DN FDI sẽ rất khó cho Chính phủ trong các quyết định chung. Hoặc trong tình huống, các DN FDI thay đổi chiến lược đầu tư, thay đổi quy mô sản xuất thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến nền kinh tế Việt Nam.
Tôi cho rằng, để tránh sự chênh lệch giữa hai khối FDI và DN nội, Chính phủ có thể tạo cơ chế chính sách để ưu tiên cho DN Việt Nam khi đầu tư vào 5 lĩnh vực nhằm tạo thương hiệu quốc gia.
Các lĩnh vực này bao gồm: nông nghiệp và chế biến nông sản (đang thiếu công nghệ và phương thức quản lý hiện đại; đầu tư vào lĩnh vực này vừa giúp phát triển công nghiệp chế biến vừa giúp ổn định đầu ra cho nông dân).
Tập trung phát triển năng lực của các DN địa phương bằng cách hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển, cải thiện khả năng tiếp cận tài chính và công nghệ, đồng thời thúc đẩy quan hệ đối tác giữa các công ty địa phương và nhà đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực như điện tử, máy móc và dệt may.
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tiếp thị để thu hút nhiều khách du lịch hơn và tăng giá trị của các sản phẩm du lịch; tập trung phát triển năng lực của các công ty công nghệ thông tin trong nước để cung cấp các giải pháp công nghệ cho cả thị trường trong nước và quốc tế.
Đầu tư cho năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời và năng lượng gió, giúp giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, tạo cơ hội việc làm và kích thích sự phát triển của các ngành công nghiệp địa phương trong sản xuất và dịch vụ.