NFT giải quyết vấn đề gì?
Đầu tiên trên thị trường tiền tệ kỹ thuật số (KTS) ngoài coin còn có token với 2 dạng chính cần phân biệt là “Fungible - có thể thay thế” với “Non-Fungible - không thể thay thế”.
Thí dụ, nếu 1 người vay bạn tờ 100USD, đến lúc trả nợ họ có thể trả bạn 2 tờ 50USD, 5 tờ 20USD, thậm chí 100 tờ 1USD. Điều này không quan trọng việc bạn có nhận lại đúng tờ 100USD đấy hay không, mà chỉ cần đủ số tiền là được. Tuy nhiên các tài sản Non-Fungible lại khác. Chẳng hạn, tác phẩm nghệ thuật là bức tranh của Picasso là 1 tài sản Non-Fungible.
Ảnh minh họa.
Nó có giá trị vì nó là duy nhất và đặc biệt quý hiếm. Khác với tờ 100USD, nếu ai đó “nợ” bạn bức tranh này, họ không thể đem tiền hay 1 bức tranh giống thế trả lại bạn được, mà phải trả lại cho bạn chính bức tranh đó và do chính tay Picasso vẽ. Do vậy các tài sản Non-Fungible có thể là tác phẩm nghệ thuật, bất động sản, các đồ vật quý hiếm, các tài sản giá trị vô hình như quyền sở hữu trí tuệ, các thông tin cá nhân, hồ sơ y tế, hay cả những tài sản trong thế giới ảo như trong trò chơi điện tử.
Các tài sản Non-Fungible như bức tranh trên thuộc quyền sở hữu của 1 người, dù bị mất cắp kẻ trộm không thể bán, chuyển nhượng cho bất cứ ai vì nó thuộc quyền sở hữu của người khác. Kẻ cắp chỉ có thể ôm nó ngắm không ai dám mua tài sản đó. Tương tự, bất động sản và các tài sản thật khác cũng có thể được thực hiện giống như vậy.
Cụ thể, khi bạn có tấm hình mỹ nhân quý hiếm và bạn có thể đưa nó lên blockchain với một mã NFT. Sau đó, bạn có thể đặt bán tấm hình với mức giá mong muốn. Bức hình đó của bạn là độc nhất, không ai có thể thay thế được nó kể cả chính bạn. Các token dạng Fungible có thể chia chúng thành những phần nhỏ và tùy nghi sử dụng hoặc bán nó cho người khác. Nhưng đối với NFT lại khác, tấm ảnh chụp mỹ nhân đó dù là của bạn nhưng bạn không thể copy hoặc chia nhỏ nó ra để bán nó cho nhiều người được. Bạn chỉ có duy nhất 1 bức và chỉ có thể bán cho 1 người và đó là độc nhất vô nhị.
Ảnh minh họa.
Ngay cả các dữ liệu Facebook, Google hay các công ty kiếm bộn tiền nhờ vào việc bán dữ liệu người dùng: Từ nhận diện khuôn mặt, lịch sử bằng cấp, cho đến dữ liệu tìm kiếm hay hồ sơ y tế. Nhưng bây giờ bạn có thể ghi lại chúng và có thể tự bán thông tin của chính mình. Do đó, các nhà xuất bản, báo chí, các sản phẩm sở hữu trí tuệ, các đoạn chat được gắn với NFT sẽ thuộc quyền sở hữu của người hoặc tổ chức đó. Và khi không được phép của tác giả không một ai có thể lợi dụng được. Nghĩa là bạn phải trả tiền hoặc đạt được những thỏa thuận về người dùng dữ liệu (tài sản đó).
NFT là gì?
NFT là gì?
NFT là loại token mã hóa trên blockchain, đại diện cho loại tài sản duy nhất, hay nói rõ hơn là xác định tính định danh độc nhất cho tài sản. Nó có thể là utility token, security token - các loại tài sản KTS. Vì các NFT không thể thay thế cho nhau, chúng có thể hoạt động như bằng chứng xác thực và quyền sở hữu trên nền tảng KTS.
Tiêu chuẩn hóa ban hành NFT cho phép mức độ tương tác cao hơn, mang lại nhiều lợi ích hơn. Về nguyên tắc, các tài sản này có thể được chuyển giao giữa các ứng dụng khác nhau một cách dễ dàng. Giống như các blockchain khác, NFT sẽ chỉ tồn tại trên một địa chỉ. NFT không thể sao chép hoặc di chuyển mà không có sự cho phép của chủ sở hữu, ngay cả bên phát hành NFT cũng vậy. Thí dụ, Dogecoin là dạng Fungible đình đám được tỷ phú Elon Musk ca ngợi, giúp giá của nó tăng khủng khiếp thời gian qua, đã khiến nhiều NĐT muốn tác giả của nó giới hạn lại nguồn cung. Nhưng Musk nói không thể thực hiện được dù đồng tiền số này chưa phải là dạng Token NFT, đồng thời chỉ có giới hạn. Đây cũng là 2 thuộc tính quan trọng của NFT.
Các tính chất của NFT
Tính độc nhất: Mỗi NFT lại có đặc điểm riêng biệt, khiến chúng khác biệt so với những đồng NFT khác, không thể bị làm giả. Tính quý hiếm: Những sản phẩm được sản xuất giới hạn hoặc độc bản tạo nên sự quý hiếm từ đó tạo nên giá trị. Không thể chia tách: Như việc ta có thể chia 100USD ra làm nhiều phần và chuyển cho nhau, hầu hết NFTkhông thể bị chia tách. Chúng chỉ có thể được mua/bán/giữ nguyên bản. Bạn không thể bán một nửa bức tranh hay nửa chiếc xe hơi được. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các sản phẩm quý hiếm, tài liệu quan trọng. Bởi những tài sản này dựa trên sự khan hiếm và có thể chứng minh được là sản phẩm gốc. Đồng thời, việc chuyển nhượng dễ dàng và tin cậy đối với các loại tài sản có thể giúp nền kinh tế số hoạt động tốt hơn.
Tuy nhiên NFT cũng có điểm yếu khi người sở hữu phạm tội và bị tịch biên tài sản, tài sản đó cần phải được chính người sở hữu đồng ý. Ngoài ra khi tác giả muốn thay đổi nội dung bên trong tài sản cũng không thể và không có ngoại lệ. Điều này làm tài sản rất khó nâng cấp hay cập nhật, buộc phải tạo ra phiên bản khác. Bên cạnh đó NFT quá mới nên cơ sở hạ tầng để phát triển còn nhiều hạn chế và đây là bước cản lớn để được chấp nhận rộng rãi.
Theo thống kê chưa đầy đủ, quy mô của NFT chỉ khoảng 30 triệu USD vào năm 2018, nhưng đã lên tới 300 triệu USD trong năm 2020 và được dự báo ngày càng tăng hơn nữa. Việc sử dụng NFT có khả năng giải quyết hoặc giảm thiểu vấn đề lạm phát. Trong khi thế giới số phát triển mạnh mẽ, một cách ứng dụng NFT khác là token hóa tài sản trong thế giới thực. Các NFT này có thể biểu thị cho các tài sản trong thế giới thực được lưu trữ và giao dịch dưới dạng các token trên blockchain. Điều này giúp tăng thanh khoản cho nhiều thị trường vốn kém thanh khoản như sản phẩm nghệ thuật, bất động sản…