Nga dồn dập lĩnh đòn trừng phạt của Mỹ và châu Âu

Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã đồng loạt công bố các lệnh trừng phạt mạnh tay với Nga sau khi nước này công nhận độc lập của hai nhà nước ly khai ở Donbass, miền Đông Ukraine.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong bài phát biểu ngày 22/2 trước báo giới, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố các biện pháp trừng phạt “đợt đầu tiên” đối với Nga, nhằm vào các tổ chức tài chính và giới tinh hoa của nước này.

Cụ thể, hai cơ quan tài chính lớn của Nga là VEB và ngân hàng quân đội sẽ lĩnh án phạt của Mỹ. Đồng thời, nợ công của Nga cũng sẽ bị trừng phạt toàn diện, điều đó có nghĩa, Mỹ sẽ cắt các nguồn tài chính của Nga từ các nước phương Tây. Theo đó, Nga sẽ không thể huy động tiền từ phương Tây và sẽ không thể giao dịch các khoản nợ mới ở thị trường Mỹ và thị trường châu Âu.

“Bắt đầu từ ngày mai và những ngày tiếp theo, chúng tôi cũng sẽ trừng phạt giới tinh hoa Nga và các thành viên gia đình họ”, ông Biden nhấn mạnh thêm.

Người đứng đầu Nhà Trắng cũng cho biết Washington sẽ làm việc với Đức để đảm bảo dự án Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ không tiếp tục được triển khai như ông đã cam kết trước đây.

“Nga sẽ phải trả giá đắt bao gồm cả các biện pháp trừng phạt bổ sung nếu tiếp tục các hành động gây hấn", Tổng thống Mỹ nêu rõ.

Theo ông Biden, Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí phòng thủ cho Ukraine nhằm chống lại sự can thiệp quân sự của Nga và tăng cường triển khai lực lượng để củng cố năng lực quốc phòng cho các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Đông Âu.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng vẫn còn thời gian để sử dụng các biện pháp ngoại giao nhằm ngăn chặn tình huống xấu nhất là Nga sẽ phát động chiến dịch tấn công toàn diện nhằm vào Ukraine.

Cũng trong ngày 22/2, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU, ông Josep Borrell, và Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian công bố các gói biện pháp trừng phạt mới đối với Nga.

Theo quyết định được đưa ra, EU sẽ trừng phạt 27 cá nhân và thực thể Nga mà EU cho rằng đã đóng vai trò quan trọng trong việc xâm phạm chủ quyền của Ukraine. Toàn bộ 51 thành viên của Duma quốc gia, tức Hạ viện Nga, sẽ nằm trong diện trừng phạt của EU, chủ yếu là các biện pháp cấm đi đến lãnh thổ các nước EU cũng như đóng băng tài sản của các cá nhân này nếu có tại các nước EU.

Ngoài ra, một số ngân hàng cũng như công ty trong lĩnh vực quốc phòng của Nga cũng bị đưa vào danh sách trừng phạt. Những thực thể này sẽ bị hạn chế tiếp cận với thị trường vốn tại các nước EU.

Ông Josep Borrell cho rằng các lệnh trừng phạt này sẽ khiến Nga gánh hậu quả kinh tế nặng nề, nhưng tuyên bố EU vẫn chưa từ bỏ các nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho khủng hoảng Ukraine.

Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 22/2 cũng cho biết nước này sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt với 5 ngân hàng và 3 tỷ phú của Nga nhằm đáp trả việc Nga công nhận nền độc lập của 2 nước cộng hòa tự xưng ở miền Đông Ukraine.

Cụ thể, 5 ngân hàng Nga mà Anh tuyên bố trừng phạt gồm Rossiya, IS Bank, General Bank, Promsvyazbank và Black Sea Bank.

Ba cá nhân bị Anh trừng phạt là các tỷ phú Gennady Timchenko, Boris Rotenberg và Igor Rotenberg. Những người này sẽ bị đóng băng tài sản tại Anh và bị cấm nhập cảnh Anh.

Mọi cá nhân và thực thể tại Anh cũng không được phép giao dịch với những ngân hàng bị trừng phạt và 3 tỷ phú này.

Ngày 22/2, phát biểu trên kênh truyền hình Rossiya-24, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết nước này hy vọng Ban Thư ký của Liên hợp quốc sẽ cân nhắc đến những nguyên tắc cơ bản của tổ chức quốc tế này trước khi đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về quyết định của Nga công nhận độc lập của 2 cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng ở miền Đông Ukraine.

Các tin khác