Nga sẽ tiếp tục trung chuyển khí đốt qua Ukraine sau khi hoàn thành 'Dòng chảy phương Bắc 2'

(ĐTTCO) - Moscow sẽ không ngừng dòng chảy khí đốt trung chuyển qua Ukraine tới châu Âu sau khi đưa vào vận hành dự án đường ống dẫn mang tên Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2).

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo đài Sputnik (Nga), trong một cuộc phỏng vấn hôm 31/5, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Kinh tế Bộ Ngoại giao Nga Dmitry Birichevsky khẳng định nước này sẽ không ngừng vận chuyển khí đốt qua Ukraine khi hoàn thành Dòng chảy phương Bắc 2, miễn là các hợp đồng liên quan còn hiệu lực. 

"Hợp đồng vẫn còn hiệu lực. Tập đoàn Gazprom sau đó sẽ tổ chức thoả thuận với các đối tác của mình ở Ukraine. Chúng tôi không hề tìm cách ngừng nguồn cung khí đốt qua Ukraine. Nga chưa bao giờ sử dụng tài nguyên khí đốt và năng lượng làm yếu tố gây áp lực hoặc tống tiền”, ông Birichevsky nói.

Ông cho biết thêm khi các thực thể kinh tế đạt được thỏa thuận, nếu nhu cầu về khí đốt của Nga ở một số khu vực châu Âu vẫn còn, nguồn nhiên liệu này vẫn sẽ được cung cấp cho người tiêu dùng một cách an toàn.

Nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh rằng Dòng chảy phương Bắc 2 là một dự án kinh tế độc lập, không liên quan đến việc vận chuyển khí đốt qua Ukraine đã được quy định trong hợp đồng hiện tại. “Việc vận chuyển nhiên liệu qua Ukraine vẫn sẽ tiếp tục, miễn là các hợp đồng liên quan còn hiệu lực”, ông Birichevsky nhấn mạnh.

Hồi đầu tháng 5, Giám đốc điều hành Hệ thống truyền dẫn khí đốt Ukraine (GTS) Sergiy Makogon, cho biết nền kinh tế Ukraine sẽ thiệt hại 5 - 6 tỉ USD mỗi năm nếu dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đi vào hoạt động. Ông Makogon cho biết khoản này bao gồm 1,5 tỉ USD Ukraine sẽ mất đi nếu Nga ngừng vận chuyển khí đốt.

Dự án khí đốt do Nga dẫn đầu được cho là đã hoàn thành hơn 90%. Dòng chảy phương Bắc 2 là một tuyến đường ống dẫn đôi dài gần 1.200 km sẽ dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức dưới Biển Baltic, đi qua vùng lãnh hải hoặc vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch, Phần Lan và Thụy Điển.

Mỹ từ lâu chỉ trích dự án này, đồng thời đe dọa trừng phạt các công ty tham gia xây dựng đường ống. Mỹ cũng đang tìm cách bán khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ các mỏ đá phiến sang châu Âu, trong đó có một số quốc gia như Ba Lan, Latvia và Litva.   

Hôm 21/5, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố danh sách đen gồm 13 tàu biển và một công ty dịch vụ cứu hộ hàng hải của Nga bị Washington trừng phạt vì tham gia dự án xây dựng dự án Dòng chảy phương Bắc 2 này.

Các tin khác