Những dấu hiệu mới
Tháng 2 năm nay, Trung Quốc và Nga ký hiệp ước hợp tác “không giới hạn”. Chỉ 1 tháng sau đó, Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và phương Tây bắt đầu cấm vận kinh tế Nga. Sau đó, Trung Quốc lại phát ra tín hiệu các công ty nước này có thể tăng mua cổ phần các công ty năng lượng của Nga, bao gồm Tập đoàn Dầu khí Gazprom.
Khi phương Tây loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, ngân hàng Nga chuyển sang sử dụng hệ thống Union Pay của Trung Quốc. Giới môi giới mua bán và sáp nhập ở London (Anh) còn đồn đại về khả năng ngân hàng Nga và Trung Quốc sẽ đầu tư làm cổ đông của nhau.
Trong diễn biến mới đây, Trung Quốc quyết định cắt giảm sử dụng khí thiên nhiên từ Australia, thuộc nhóm Bộ Tứ liên minh với Mỹ, đồng thời dự định xây dựng một đường ống với Nga có thể cung cấp lượng khí tương đương một nửa sản lượng tiêu thụ của toàn châu Âu. Dự án mở rộng hợp tác này có tham vọng tạo ra đường ống có thể cung cấp gần 50% sản lượng nhập khẩu khí của Trung Quốc.
Như vậy, Trung Quốc sẽ ít lệ thuộc vào các thành viên của Bộ Tứ để nhập khẩu khí, và Nga cũng không cần lệ thuộc vào xuất khẩu khí sang châu Âu nữa.
Có thể nói, ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc xích lại gần Nga trong bối cảnh xung đột đang diễn ra ở Ukraine. Trong khi đó, mối quan hệ của Mỹ và Trung Quốc vẫn không được tốt đẹp.
Mỹ đang tiếp tục xem xét buộc hủy niêm yết các công ty Trung Quốc ở Mỹ không đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý SEC. Đây vốn là điều nhà chức trách của Mỹ và Trung Quốc đã nhiều lần bất đồng gay gắt. Mỹ cũng đang xem xét lại cả thỏa thuận thương mại đã ký trước đây với Trung Quốc.
Trong ngày giao dịch 11-3, với những tin tức này, chỉ số Hang Seng Công nghệ, bao gồm nhiều công ty công nghệ của Trung Quốc niêm yết ở Hong Kong và New York, đã giảm đến 8,9% trước khi hồi phục lại, nhưng cuối cùng vẫn giảm 4,3%.
Luận điểm cổ phiếu Trung Quốc không thể đầu tư được một lần nữa được giới truyền thông tài chính Mỹ khơi lại, và dự đoán là dòng tiền của các nhà đầu tư tổ chức sẽ tiếp tục rút ra khỏi Trung Quốc tiếp tục sẽ tăng lên.
Tín hiệu đáng lo cho thị trường toàn cầu?
Tín hiệu đáng lo cho thị trường toàn cầu?
Những bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc không mới, và đã là điểm nóng trước xung đột Ukraine. Tuy nhiên, việc Trung Quốc và Nga càng xích lại gần nhau, trong khi Mỹ và Trung Quốc tiếp tục cơm không lành canh không ngọt, là tín hiệu không đáng lạc quan cho thị trường toàn cầu.
Người ta lo ngại rủi ro địa chính trị sẽ không chỉ tăng lên trong ngắn hạn xung quanh cuộc chiến Nga - Ukraine, mà sẽ còn kéo dài sau đó. Dòng vốn nhà đầu tư quốc tế vào Trung Quốc hay Mỹ sẽ đòi hỏi một phần bù rủi ro địa chính trị cao hơn.
Trong bối cảnh đó, dòng vốn quốc tế sẽ bắt đầu trục trặc và có khả năng địa phương hóa nhiều hơn thay vì đi ra xa. Bài học quỹ đầu tư hàng đầu thế giới cắn răng lỗ gần 17 tỷ USD đầu tư vào Nga, đang khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại về những khoản đầu tư của mình ở Trung Quốc. Điều đó làm gia tăng nỗi lo đối với nền kinh tế đang chật vật tăng trưởng ở mức thấp nhất nhiều thập niên.
Rõ ràng, những gì diễn ra đối với kinh tế Trung Quốc không hẳn là tin tốt cho kinh tế toàn cầu. Kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn, trong khi kinh tế Mỹ và EU đang lâm vào rủi ro suy thoái vì tác động của cấm vận kinh tế, có thể kéo tụt tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Goldman Sachs vừa có đánh giá rủi ro Mỹ đi vào suy thoái năm sau lên tới 35%, đồng thời giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế lớn nhất thế giới xuống mức 1,75%. Điều này diễn ra trong bối cảnh kinh tế Mỹ vừa công bố số liệu lạm phát 7,9% trong tháng 2, nghĩa là trước khi diễn ra chiến tranh ở Ukraine. Còn nhiều nhà phân tích dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ bị cắt giảm thêm vài lần nữa trong năm nay. Dự báo cho quý III và IV hiện tại vẫn quá lạc quan.
Sự bất hợp tác, thiếu tín nhiệm trong các quan hệ đầu tư, giao thương giữa các nước đang trở thành một vấn đề. Thí dụ, tờ Financial Times vừa cho biết một khách hàng ở Munich (Đức) đã quyết định cắt hợp đồng với các nhà cung cấp các bộ phận máy móc của Trung Quốc, vì họ cảm thấy “rất sai” khi chia sẻ lợi nhuận với các nhà cung cấp đến từ một quốc gia chấp nhận cuộc chiến ở Ukraine là chuyện bình thường.
Những rạn nứt ngày càng sâu sắc đó là “mạch nước ngầm” âm ỉ và chỉ chực chờ cơ hội để phun trào. Rủi ro và tổn thất những công ty phương Tây như BlackRock có thể phải gánh chịu ở Trung Quốc, trong trường hợp quan hệ Mỹ - Trung ngày một xấu đi, sẽ lớn hơn tổn thất ở Nga ở cấp số nhân. Và tổn hại đến kinh tế toàn cầu sẽ có tính hệ thống hơn nhiều.
Sự phân cực của liên minh Nga - Trung với Mỹ - EU đang tạo thành rủi ro địa chính trị lớn cho hoạt động đầu tư và kinh doanh xuyên biên giới. Việc các nước này muốn giảm lệ thuộc vào khối còn lại cũng sẽ hạn chế các hoạt động giao thương có lợi ích lớn. Tổn thất về hiệu quả thương mại và đầu tư quốc tế tiềm tàng không còn là viễn cảnh xa vời.
Môi trường đầu tư quốc tế vì vậy đã trở nên ngột ngạt hơn từ cuộc chiến ở Ukraine và ảnh hưởng của nó đã vươn xa ra khỏi châu Âu. Những nước có thể giữ được vị thế trung lập còn có thể hưởng lợi trong bối cảnh đó. Nhưng đôi khi trung lập đã không còn là lựa chọn luôn tồn tại trên bàn cờ quốc tế nữa.
Trung Quốc và Nga đã mở rộng quan hệ kinh tế trong những năm gần đây, và các biện pháp trừng phạt chống lại Nga chỉ đưa họ xích lại gần nhau hơn. |