Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn
Về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, đến nay công tác chuẩn bị kỳ thi cơ bản đã sẵn sàng; các địa phương đang tổ chức in sao đề thi. Bộ GD-ĐT đã họp với các địa phương và hầu hết các địa phương đồng ý thi như kế hoạch (từ ngày 8 đến 10-8).
Tuy nhiên, Quảng Nam và Đà Nẵng đề nghị xin lùi kỳ thi, hoặc dừng thi và xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho thí sinh do dịch bệnh. Sau khi đã cân nhắc các phương án, Bộ GD-ĐT đề xuất tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT làm 2 đợt.
Đợt 1, gồm những tỉnh thành không nằm trong diện nguy cơ cao, sẽ thi theo kế hoạch. Đợt 2, tổ chức thi sau là những địa phương nguy cơ cao, như Đà Nẵng, Quảng Nam. Những thí sinh có nguy cơ mắc Covid-19 (thuộc diện F1, F2) chưa thể thi đợt 1, sẽ thi cùng đợt với các tỉnh có nguy cơ cao.
Bộ sẽ chỉ đạo các trường đại học xét tuyển đảm bảo lợi ích tối đa cho các em, trong đó những thí sinh thi tốt nghiệp đợt sau vẫn được xét tuyển vào các trường đại học.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và Bí thư Thành ủy TP Hải Phòng Lê Văn Thành đồng ý với đề xuất của Bộ GD-ĐT. Hà Nội, Hải Phòng vẫn tổ chức thi bình thường nhưng đo thân nhiệt thí sinh và thí sinh phải sát khuẩn tay trước khi vào phòng thi.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho rằng, nếu Đà Nẵng hết dịch kịp đợt thi thứ 2 thì sẽ thi; còn nếu lúc đó chưa hết dịch, đề nghị cho Đà Nẵng không tổ chức thi tốt nghiệp THPT, đặc cách tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12; Bộ GD-ĐT chỉ đạo các trường đại học có phương án phù hợp, tạo điều kiện cho thí sinh Đà Nẵng được xét tuyển.
Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GD-ĐT căn cứ tình hình thực tiễn chỉ đạo các địa phương có phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đảm bảo an toàn, đảm bảo kỳ thi tốt nghiệp, xét tuyển đại học theo đúng quy định của pháp luật.
Không tuyên bố cách ly xã hội khi chưa có ổ dịch
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, kể từ ca mắc Covid-19 tại Đà Nẵng ngày 25-7 đến nay, có nhiều ca nhiễm mới và nguy cơ dịch lan rộng không chỉ ở Đà Nẵng mà cả một số địa phương khác.
Thủ tướng đánh giá cao Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, ngành y tế, trực tiếp là các y bác sĩ, lãnh đạo TP Đà Nẵng về tinh thần kiên quyết ngăn chặn dịch lây lan, trong đó có biện pháp tăng cường lực lượng tinh nhuệ của các bệnh viện lớn cả nước, của Bộ Y tế hỗ trợ Đà Nẵng. Nhiều địa phương đã đa dạng cách làm trong việc khoanh vùng kịp thời những ca dương tính.
Thủ tướng cũng đánh giá cao Hà Nội, TPHCM đã kiên quyết truy vết bằng công nghệ thông tin, xét nghiệm trên diện rộng và bước đầu kiểm soát được dịch. Tuy vậy, do dịch bệnh tại Đà Nẵng và Quảng Nam diễn biến phức tạp,
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ 2 địa phương này với lực lượng tinh nhuệ nhất. Dịch sẽ càng lan rộng nếu không có biện pháp kịp thời, quyết liệt; tinh thần là không được chủ quan, lơ là.
Thủ tướng cũng cho biết sẽ có chỉ thị thay thế Chỉ thị 16, Chỉ thị 19 để phù hợp hơn với bối cảnh mới; phải chủ động hơn trong khoanh vùng dập dịch. Cùng với đó, sẽ quản lý chặt chẽ biên giới, tăng cường quản lý cách ly.
“Mọi biện pháp phải được đặt ra và sẵn sàng dồn sức vào những nơi trọng điểm để phòng chống một cách tốt nhất; hạn chế thấp nhất các ca tử vong. Tinh thần là thần tốc, kiên quyết, dồn mọi nguồn lực vào các ổ dịch, tranh thủ từng giờ từng phút để lấy mẫu xét nghiệm”, Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng yêu cầu kêu gọi người dân có nguy cơ phải đi xét nghiệm, nhất là những trường hợp ho sốt phải đi kiểm tra kịp thời; bình tĩnh, chủ động, kiên quyết trên mọi mặt trận để ngăn chặn có hiệu quả làn sóng dịch thứ hai; không để lây lan trên diện rộng, không để những ổ dịch mới không được ngăn chặn.
“Chúng ta không được chủ quan nhưng cũng không hoang mang dao động, bị động; tiếp tục tinh thần chống dịch như chống giặc. Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi người mỗi ngôi nhà là một pháo đài. Chúng ta cần phải bảo vệ chính mình, gia đình mình và địa phương nơi mình cư trú”, Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng lưu ý, các địa phương chưa thuộc diện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì phải đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội; không được tuyên bố cách ly xã hội khi chưa có dịch và cần tính toán chặt chẽ trước khi quyết định; không làm thái quá, ngăn sông cấm chợ, tuyên bố cách ly xã hội khi chưa có phương án cụ thể, chưa có ổ dịch; cần tính toán giãn cách, cách ly xã hội với quy mô hợp lý.
Theo Thủ tướng, với những ổ dịch cụ thể thì phải làm kiên quyết trong phạm vi thôn xóm; còn không phải ổ dịch thì mở cửa hoạt động bình thường - trừ những ổ dịch lớn như ở Đà Nẵng, Quảng Nam.
Thủ tướng cũng yêu cầu không để xảy ra các ổ dịch tại các bệnh viện, phải bảo vệ nhân viên y tế một cách tốt nhất; xử lý nghiêm những ai tung tin đồn gây hoang mang cho dư luận; tiếp tục kiểm soát nhập cảnh, kiểm soát chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh qua đường mòn, lối mở, kiểm soát chặt chẽ khu lưu trú; khởi tố tất cả những trường hợp nhập cảnh và lưu trú trái phép, nhất là những đường dây tổ chức nhập cảnh trái phép cho người nước ngoài vào Việt Nam.
Ngày 2-8, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, để tiếp tục chia sẻ khó khăn với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa ký công văn số 771 về việc miễn đóng phí công đoàn đối với đoàn viên có thu nhập thấp. Cụ thể, đoàn viên công đoàn có thu nhập thấp hơn mức lương cơ sở thì sẽ không phải đóng đoàn phí trong thời gian hưởng mức thu nhập này. Thời gian áp dụng từ nay đến ngày 31-12. |