Ngăn chặn nạn khai thác nước ngầm

(ĐTTCO) - Các cấp chính quyền TPHCM đang nỗ lực để cung cấp nước sạch cho toàn bộ người dân TP. Song với thói quen dùng nước giếng lâu năm, cộng với việc khai thác nước ngầm tràn lan hiện nay, đã khiến ngành chức năng TP gặp nhiều thách thức.

Hệ lụy từ 100.000 giếng khoan

 Hệ lụy của việc khai thác nước ngầm quá mức đã quá rõ. Việc sử dụng nước ngầm tầng nông nhiễm hóa chất, nước thải ảnh hưởng đến sức khỏe; chưa kể những nơi khác tình trạng lún sụt gây ra tai nạn, ngập nước và nhiều hệ lụy khác. Trong bối cảnh TPHCM cơ bản cung cấp nước sạch đủ cho người dân, Sở TN-MT phải xây dựng khu vực, đối tượng cấm khai thác nước ngầm để xin Trung ương cho phép thực hiện. 
Ông Trần Vĩnh Tuyến,
Phó Chủ tịch UBND TPHCM
 
Theo thống kê, hiện trên địa bàn TPHCM có 94% hộ gia đình sử dụng nước sạch, riêng tại huyện Cần Giờ và một phần huyện Nhà Bè, người dân phải sử dụng nước vận chuyển qua các ghe, xà lan từ nguồn nước lấy từ các họng bơm của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn.
Tính đến cuối tháng 10-2017, toàn TP còn gần 150.000 hộ (chiếm tỷ lệ 6%) chưa tiếp cận được nguồn nước sạch, người dân phải sử dụng nguồn nước tự khai thác để sử dụng, nguồn này là nước giếng khoan, giếng đào và nước mưa. Điều đáng nói, ở một số quận, huyện ngoại thành tuy có hệ thống cung cấp nước sạch, đường ống truyền dẫn đến tận nhà, nhưng người dân vẫn sử dụng nước giếng khoan để sử dụng. Tại một số quận như quận 9, Gò Vấp, Bình Tân, Tân Phú… có một số đơn vị, cá nhân khai thác nguồn nước ngầm để kinh doanh dịch vụ rửa xe.
Chị Lê Thị Thanh Xuân, người dân phường Thạnh Xuân, quận 12, cho biết gia đình chị sử dụng nước giếng khoan đã lâu không thấy vấn đề gì, lại đỡ tốn tiền do chỉ cần khoan giếng vài triệu đồng và đặt hệ thống bơm là xài thoải mái. Khảo sát của ĐTTC tại một số tuyến đường trên địa bàn quận 12 (nơi công bố đã cung cấp nước sạch cho 100% người dân), cho thấy vẫn có hộ dân sử dụng nước giếng khoan trong sinh hoạt. Trong khi đó, theo kết quả giám sát chất lượng nước ngầm (nước giếng tự khai thác) tại các hộ dân của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, hầu hết đều không đạt theo tiêu chuẩn về nước dùng cho sinh hoạt ở các chỉ tiêu pH, sắt và có khoảng 50% mẫu nước không đạt chỉ tiêu ammoniac, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng.
Nguy cơ lớn nhất được Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TP chỉ ra, trên địa bàn TPHCM hiện có khoảng 100.000 giếng khoan khai thác nước ngầm, trong đó tầng chứa nước tốt gần 79.000 giếng khoan, tầng chứa nước trung bình hơn 17.000 giếng. Tổng lượng nước ngầm đang được khai thác trên 680.000m3/ngày/đêm. Với mức độ khai thác này, trong tương lai không xa, TPHCM sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch nghiêm trọng. Bên cạnh đó, do sự khai thác theo kiểu “tận thu”, đến năm 2020 dự báo nhiều khu vực tại TP sẽ tiếp tục lún thêm 12-20cm. Lúc đó, hệ thống thoát nước của TP bị tê liệt, đê bao chống ngập (do triều cường) không phát huy tác dụng. 
Các huyện ngoại thành vẫn thường sử dụng nước giếng khoan. 

Cần chế tài đủ mạnh
Trong việc tuyên truyền hạn chế sử dụng nước giếng, lãnh đạo Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn, cho biết đã phối hợp với các quận, huyện tiến hành cấp định mức nước cho người ở trọ, thông qua đó khuyến khích các hộ dân sử dụng nước máy thay nước giếng; phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng TP kiểm tra, giám sát chất lượng nước giếng để cảnh báo mức độ ô nhiễm cho người dân.
Song song đó, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn hàng năm chuyển giao danh sách những khu vực đã được cung cấp nước sạch với áp lực nước ổn định cho Sở TN-MT, làm cơ sở đề xuất ban hành khu vực cấm và hạn chế khai thác nước ngầm theo quy định.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT, điều khó khăn là Luật Tài nguyên nước quy định trường hợp khoan giếng ngầm dưới 10m3/ngày không cần phải xin phép mà chỉ đăng ký. Vì vậy thời gian qua, Sở TN-MT đã dự thảo 8 lần sửa đổi thay thế Quyết định 69 /QĐ-UBND ngày 3-5-2007 của UBND TPHCM quy định hạn chế và cấm khai thác nước dưới đất, nhưng vẫn không thể đưa nội dung “cấm khai thác nước ngầm” vào được. Không chỉ thế, hiện nay ngành chức năng rất khó quản lý, kiểm soát tình trạng khai thác nước ngầm trái phép, bởi các đối tượng có nhiều thủ đoạn để che đậy hành vi vi phạm của mình. 
Để bảo vệ nguồn nước ngầm tại TPHCM, đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong triển khai thực hiện các giải pháp. Theo đó, cần phải có chế tài mạnh mẽ trong xử phạt đối với khai thác nguồn nước ngầm trái phép hoặc áp mức thuế cao đối với việc khai thác nước ngầm cho mục đích công nghiệp, sản xuất, kinh doanh tại các khu vực đã có nguồn nước cấp đầy đủ.
Sở TN-MT không cấp phép khai thác, gia hạn hoặc đăng ký khai thác nước dưới đất cho các công trình tại một số khu vực cần phải hạn chế khai thác, ngoại trừ các công trình dự phòng phục vụ cho phòng cháy chữa cháy và công trình dự phòng cấp nước vì mục đích, kế hoạch cấp nước an toàn cho TP. Các cơ quan chức năng cần tích cực phát động chương trình tuyên truyền vận động, khuyết khích người dân sử dụng nguồn nước máy trong sinh hoạt để đảm bảo cho sức khỏe, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên của TP. 

Các tin khác