Tạp chí Đời sống và Pháp luật bị “tuýt còi” khá nhiều, còn Tạp chí Làng nghề Việt Nam thì “lấn sân” điều tra... công tác đấu thầu
Nảy sinh tiêu cực
Theo đánh giá của Hội Nhà báo Việt Nam, thời gian qua đã xuất hiện một vài biểu hiện tiêu cực trong hoạt động báo chí diễn ra dưới các phương thức khác nhau. Biểu hiện dễ nhận thấy là những bài báo có nội dung giật gân, câu khách, chú trọng tới việc miêu tả rùng rợn, ly kỳ, dung tục, kích thích những thị hiếu tầm thường. Mặt khác, một số cơ quan báo chí còn nặng xu hướng phanh phui nhiều hơn là khắc họa đậm nét những mô hình, điển hình và đưa ra giải pháp xây dựng. Hiện tượng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” diễn ra với các tạp chí điện tử đã gây không ít bức xúc đối với bạn đọc và dư luận xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến những hành vi trục lợi…
Nhà báo Nguyễn Bảo Lâm, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên, phân tích, có nhiều tờ báo phải nuôi ngược lại hội, cơ quan chủ quản; trong khi ban biên tập, lãnh đạo cơ quan báo có biểu hiện giao khoán (ngoài định mức tin bài, còn có định mức về kinh tế). Đây là câu chuyện lúng túng và luẩn quẩn trong vòng xoáy vừa phải làm nghề, vừa phải lo kinh tế để tồn tại. Nhà báo Nguyễn Bảo Lâm cũng nhìn nhận có tình trạng làm báo dễ dãi, nhiều người tìm cách có được thẻ hội viên, thẻ cộng tác viên để đi làm những việc chưa đúng với tôn chỉ, mục đích báo chí.
Thống kê của Bộ TT-TT cho thấy, cả nước có khoảng 40.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí, trên 17.100 người được cấp thẻ nhà báo. Trong hơn 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kinh tế báo chí tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lại bị chi phối, cạnh tranh bởi các nền tảng xuyên biên giới, mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới. Bên cạnh những mặt tích cực đạt được, hoạt động báo chí ngày càng nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực, tồn tại. Trong đó, nổi cộm là việc nhiều cơ quan tạp chí, nhất là tạp chí của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp chưa bám sát tôn chỉ, mục đích; một số tạp chí khoa học chưa thực hiện đúng chức năng công bố kết quả nghiên cứu khoa học, các bài viết mang tính nghiên cứu lý luận còn ít. Một số tạp chí có biểu hiện “báo hóa” như: chú trọng phản ánh các vấn đề, vụ việc tiêu cực trong xã hội nhưng lượng thông tin chuyên sâu, chuyên ngành hạn chế, thậm chí không có; đăng tải tin, bài hoặc cử phóng viên hoạt động tác nghiệp ngoài phạm vi tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép; sử dụng danh nghĩa báo chí hoạt động tác nghiệp để điều tra theo đơn thư, yêu cầu, thậm chí đe dọa buộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… cung cấp hồ sơ, tài liệu, tự cho mình quyền hạn như cơ quan thanh tra, điều tra.
Một số cơ quan báo chí có biểu hiện “tư nhân hóa”, thể hiện ở việc giao chuyên trang, chuyên mục cho văn phòng đại diện, nhóm phóng viên hoặc đối tác hợp tác chịu trách nhiệm; thành lập và khoán doanh thu tùy tiện cho các văn phòng đại diện; thực hiện liên doanh liên kết theo hướng người đứng đầu cơ quan báo chí buông lỏng quản lý; chuyển giao quyền kiểm soát nội dung trên thực tế cho đối tác để đổi lấy lợi ích...
Xử nghiêm để lấy lại niềm tin
Trước thực trạng đáng lo ngại trên, căn cứ yêu cầu thực tiễn công tác quản lý nhà nước về báo chí, Bộ TT-TT đã và đang tập trung thực hiện công tác xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí, biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí một cách quyết liệt, quy mô, bài bản, chi tiết, minh bạch, đi vào trọng tâm, trọng điểm những vấn đề nổi cộm mà dư luận xã hội quan tâm, bức xúc.
Qua rà soát, theo dõi, Bộ TT-TT bước đầu phát hiện, xác định khoảng 30 cơ quan báo chí có dấu hiệu “báo hóa” tạp chí, “tư nhân hóa” báo chí. Trên cơ sở đó, Bộ TT-TT đã lập các đoàn thanh tra, kiểm tra tiến hành rà soát, đánh giá, xem xét để chấn chỉnh và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, nếu có. Đại diện Bộ TT-TT cũng cho biết, các cơ quan báo chí bị xử lý đều nghiêm túc nhận ra những sai sót, khuyết điểm, chấp hành quyết định xử phạt; có văn bản cam kết cụ thể về biện pháp, kế hoạch chấn chỉnh hoạt động; rà soát, kiểm tra nội dung thông tin, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; bảo đảm kiểm soát nội dung thông tin, năng lực sản xuất tin, bài, kinh tế báo chí, an toàn, an ninh thông tin; tuân thủ quy định pháp luật về báo chí.
Các cơ quan báo chí bị xử lý đã gỡ bỏ hàng ngàn tin, bài có nội dung không đúng tôn chỉ, mục đích do cơ quan chức năng chỉ ra; cam kết tự rà soát, chủ động gỡ bỏ những tin, bài có nội dung ngoài phạm vi tôn chỉ, mục đích. Các cơ quan chủ quản có cơ quan báo chí bị xử lý cũng nhận thức có việc buông lỏng, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc chỉ đạo cơ quan báo chí và cam kết sẽ chỉ đạo các cơ quan báo chí khắc phục các vi phạm, khuyết điểm và thực hiện đúng các quy định.
Theo Bộ TT-TT, từ tháng 10-2022 sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 kế hoạch xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí, biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí; thanh tra, kiểm tra, đánh giá, xem xét hoạt động đối với khoảng 15 cơ quan báo chí. Việc xử lý được thực hiện trên tinh thần cương quyết, nghiêm minh, thậm chí tước quyền sử dụng giấy phép đối với những cơ quan báo chí để xảy ra sai phạm nghiêm trọng, kéo dài, không nhận thức được việc khắc phục sai phạm. Đồng thời, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương xem xét, kiến nghị xử lý trách nhiệm cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí.
Đến hết tháng 9-2022, Bộ TT-TT đã tiến hành làm việc, thanh kiểm tra đối với 16 cơ quan báo chí và đã tiến hành xử phạt nhiều đơn vị, như: Tạp chí Thương gia bị phạt 50 triệu đồng; Tạp chí Môi trường và Cuộc sống bị phạt 55 triệu đồng; Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị bị phạt 55 triệu đồng; Tạp chí Đời sống và Pháp luật bị phạt 138 triệu đồng; Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến bị phạt 72,5 triệu đồng; Tổng Biên tập Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo bị phạt 3,5 triệu đồng; Tạp chí Kinh doanh và Biên mậu Việt Nam bị phạt 63 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép loại hình điện tử trong thời hạn 3 tháng; Tổng Biên tập Tạp chí Kinh doanh và Biên mậu Việt Nam bị phạt 7 triệu đồng; Báo Sức khỏe và Đời sống bị phạt 72,5 triệu đồng; Báo điện tử Tổ quốc bị phạt 50 triệu đồng… |
Ông TRẦN TRỌNG DŨNG, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM:Tháo gỡ vướng mắc cơ chếđể các tạp chí “sống” được
Ông PHAN HỮU MINH, Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam: Hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí còn nhiều kẽ hở
|