Ngân hàng Mỹ: Khủng hoảng niềm tin

Trong vòng 5 ngày, tại Mỹ có 3 ngân hàng sụp đổ, lần lượt là Silvergate Bank, Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank.
Nhiều người rút tiền gửi ở các ngân hàng nhỏ.
Nhiều người rút tiền gửi ở các ngân hàng nhỏ.

Nguồn cơn từ quản trị yếu

SVB là nhà băng lớn thứ 16 tại Mỹ, tổng tài sản cuối năm 2022 trị giá 209 tỷ USD. Một trong những nguyên nhân khiến SVB sụp đổ là khả năng quản trị rủi ro yếu. Trong năm 2022, có tới 8 tháng ngân hàng này không bổ nhiệm vị trí giám đốc quản trị rủi ro sau khi người cũ nghỉ việc. Trong khi đó, Ngân hàng huy động một lượng lớn vốn ngắn hạn nhưng chủ yếu đầu tư dài hạn.

Tính đến 31/12/2022, SVB có số dư huy động hơn 170 tỷ USD, đầu tư 117 tỷ USD vào trái phiếu, bao gồm 26 tỷ USD trái phiếu sẵn sàng để bán và 91 tỷ USD trái phiếu nắm giữ đến ngày đáo hạn.

Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất kể từ tháng 3/2023, trái phiếu mất giá mạnh, Ngân hàng ghi nhận giá trị hợp lý của danh mục trái phiếu sẵn sàng để bán giảm 2,4 tỷ USD, còn danh mục trái phiếu nắm giữ đến ngày đáo hạn có khoản lỗ chưa thực hiện hơn 15,2 tỷ USD.

Ngày 8/3/2023, nhu cầu rút tiền tăng đột biến khiến SVB buộc phải bán 21 tỷ USD trái phiếu để trả cho khách hàng, chấp nhận lỗ 1,8 tỷ USD, đồng thời lên kế hoạch huy động hơn 2 tỷ USD từ phát hành cổ phiếu nhằm củng cố bảng cân đối kế toán.

Ngày 9/3/2023, hoạt động rút tiền tiếp tục diễn ra ồ ạt, tổng nhu cầu lên tới 42 tỷ USD, dẫn đến SVB mất thanh khoản. Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã ra quyết định đóng cửa SVB từ ngày 10/3/2023 và giao cho Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) tiếp quản Ngân hàng.

Ngày 12/3/2023, FDIC tiếp quản thêm Signature Bank với lý do tương tự. Signature Bank từng đẩy mạnh cho vay lĩnh vực bất động sản, nhưng những năm gần đây chủ yếu cho vay trong lĩnh vực tiền số. Thị trường tiền số tụt dốc và các cơ quan chức năng siết chặt giám sát đối với các ngân hàng có dính líu đến tài sản số, nhất là sau vụ sụp đổ của sàn tiền ảo FTX tháng 11/2022, khiến Ngân hàng mất thanh khoản do khách hàng rút tiền ồ ạt.

Trước đó, ngày 8/3/2023, công ty mẹ của Silvergate Bank tuyên bố dừng hoạt động và tiến hành thanh lý tài sản Ngân hàng do tác động từ vụ phá sản của sàn giao dịch FTX (một trong những sàn giao dịch tiền mã hóa mà Silvergate Bank cung cấp dịch vụ tài chính).

Lo ngại hiệu ứng Domino

Sự sụp đổ liên tiếp của 3 ngân hàng trong thời gian ngắn cho thấy một cuộc khủng hoảng niềm tin vào tài sản của các ngân hàng tại Mỹ.

Theo FDIC, cuối năm 2022, các định chế tài chính được cơ quan này bảo hiểm ghi nhận lỗ chưa thực hiện 620 tỷ USD trong danh mục chứng khoán sẵn sàng để bán cũng như nắm giữ đến ngày đáo hạn.

Nhiều ý kiến lo ngại, hiệu ứng Domino sẽ xảy ra với các ngân hàng khác của Mỹ và cả ở những nơi khác.

Chủ tịch FDIC Martin Gruenberg đánh giá: “Môi trường lãi suất hiện tại đã có những tác động đáng kể tới khả năng sinh lời và tính chất rủi ro trong chiến lược đầu tư và huy động vốn của các ngân hàng. Các khoản lỗ chưa thực hiện làm suy yếu khả năng của ngân hàng trong việc đáp ứng nhu cầu thanh khoản bất ngờ trong tương lai”.

Ông Jens Hagendorff, giáo sư tài chính tại King's College nhận định: “Nhiều tổ chức, từ ngân hàng trung ương, ngân hàng thương mại đến quỹ hưu trí, đang có những tài sản mà giá trị thị trường thấp hơn đáng kể so với trong báo cáo tài chính. Quy mô của vấn đề đang bắt đầu gây lo ngại”.

Không ít chuyên gia cảnh báo, tình trạng rút tiền gửi (bankrun) ở các ngân hàng nhỏ có nguy cơ gia tăng đột biến. Thực tế, sau SVB, có gần 10 ngân hàng tại Mỹ xảy ra tình trạng bankrun.

Nỗ lực của cơ quan chức năng

Mới đây, Fed thông báo sẽ cấp thêm vốn cho các tổ chức lưu ký đủ điều kiện để đảm bảo các ngân hàng có khả năng đáp ứng nhu cầu rút vốn của tất cả những người gửi tiền. Khoản tài trợ bổ sung sẽ được cung cấp thông qua việc tạo ra “Chương trình tài trợ có kỳ hạn của ngân hàng” (BTFP). 25 tỷ USD từ Quỹ ổn định hối đoái sẽ được trích cho BTFP. Chương trình này cung cấp các khoản vay có thời hạn lên tới 1 năm cho các ngân hàng, hiệp hội tiết kiệm, hiệp hội tín dụng và các tổ chức lưu ký.

Hành động này sẽ góp phần tăng cường năng lực của hệ thống ngân hàng trong việc bảo vệ tiền gửi và cung ứng tiền liên tục cho nền kinh tế, là một nguồn tiền bổ sung, giảm thiểu rủi ro một tổ chức nào phải nhanh chóng bán tháo tài sản trong thời điểm căng thẳng.

Trong diễn biến có liên quan, giới chức Vương quốc Anh đã tạo điều kiện cho Ngân hàng HSBC mua lại chi nhánh SVB ở Anh (SVB UK) với giá 1 bảng. HSBC đang chuẩn bị bơm 2 tỷ bảng Anh để đảm bảo hoạt động kinh doanh của SVB UK diễn ra bình thường.

Các tin khác