Lãi suất huy động vàng tăng cao, ngân hàng cộng thêm khuyến mại cho khách vào lãi suất là những gì diễn ra sau khi Ngân hàng Nhà nước cho phép một số đơn vị được bán vàng bình ổn thị trường.
Từ 1-10, lãi suất huy động vàng tại ACB tăng lên 0,85% đối với kỳ hạn một tháng 1,3% một năm với 11 tháng. Trước đó, giữa tháng 9, lãi suất huy động cho kỳ hạn một tháng của đơn vị này là 0,75% một năm. Còn giữa tháng 6, mức này là 0,55% một năm.
Nhân viên phòng giao dịch ACB tại Hà Nội cho hay, đơn vị này đang triển khai chương trình cộng thêm lãi suất cho khách gửi vàng, dự kiến sẽ kết thúc vào 15-10. Theo đó, những khách hàng gửi từ 30 lượng trở lên có thể được cộng thêm 0,5% vào lãi suất các kỳ hạn từ 3 tháng trở lại. Hiện tại, lãi cho kỳ hạn này là 1,05-1,15% một năm. Như vậy, nếu được cộng thêm 0,5%, mức lãi suất áp dụng lên tới 1,55-1,65% một năm.
Eximbank vẫn chỉ nhận giữ hộ vàng cho khách song cũng điều chỉnh lợi tức tăng thêm so với trước. Nhân viên chi nhánh Hà Nội của nhà băng này cho hay, từ vài ngày nay, lợi tức giữ hộ vàng tăng lên 1,5% một năm từ mức dưới 1% một năm trước đó. Số lượng vàng nhận giữ tối thiểu vẫn là 1 chỉ.
Ngoài ra, lãi suất huy động vàng tại một số đơn vị không nằm trong danh sách các nhà băng được chuyển vàng thành tiền đồng cũng đang rục rịch tăng lên. Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa vẫn áp dụng cao nhất 2,2% một năm. Trong khi đó, một số đơn vị khác như Phương Nam để lãi suất huy động là 1,5% một năm.
Theo đánh giá của một số chuyên gia, có nhiều nhân tố khác nhau khiến ngân hàng đẩy lãi suất vàng lên cao, song không loại trừ trường hợp vài đơn vị đang cố gắng "lách" để chuyển vàng thành tiền đồng, giải quyết vấn đề thanh khoản trước mắt.
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm cho rằng, việc một số ngân hàng đang tính hướng huy động vàng từ người dân là biểu hiện chưa phản ánh đúng cung cầu. Đây là một trong những bằng chứng cho thấy, một số biện pháp để ổn định thị trường trong thời gian qua vẫn chưa giải quyết được vấn đề.
Dù đã mấy lần cấp quota nhập vàng bình ổn thị trường, nhưng vẫn còn tồn tại hiện tượng đầu cơ, phao tin, ép giá. Thậm chí, trong lần cấp quota cuối cùng, tác dụng gần như không còn nhiều khi mức vênh trong nước và thế giới vẫn cao.
Ông Kiêm bày tỏ, nếu một số đơn vị huy động trở lại, các cơ quan chức năng cần có cơ chế rõ ràng, kiểm soát được. Theo chuyên gia này, không để cho tình trạng hoạt động không theo hướng dẫn quản lý của Nhà nước dẫn đến các yếu tố "ảo", hoạt động rối ren, xảy ra tình trạng ép giá... thì thị trường mới ổn định được.
Còn ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt nhận định, cho phép các ngân hàng được huy động vàng là việc Ngân hàng Nhà nước nên làm cách đây từ lâu, chứ không phải để đến bây giờ mới làm.
Theo quan điểm của ông, hiện nay, không chỉ dân Việt Nam, nhiều nhà đầu tư tại một số quốc gia trên thế giới vẫn có tâm lý trữ vàng. Việc huy động của các ngân hàng sẽ đảm bảo, nếu nhu cầu trong nước thiếu, ngân hàng có thể bán ra để thu hẹp độ chênh giá thế giới và trong nước tạo nên thế "bình thông nhau", dễ ổn định thị trường.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cho rằng, mức lãi suất huy động chỉ nên từ 1% một năm trở lại là hợp lý. Việc một số đơn vị đang áp dụng lãi suất cao, có khi cao hơn lãi suất huy động USD, có khả năng là tính toán kiểu "một ăn một thua". "Cũng có thể, một vài đơn vị nào đó đang có ý chuyển vàng thành nội tệ để giải quyết vấn đề thanh khoản nhưng họ không công khai ra ngoài" - chuyên gia này bày tỏ.
Theo ông, nếu có thật, việc làm này sẽ gây ra nhiều hệ quả. Hệ quả đầu tiên là thị trường vàng có thể biến động vì người dân chuyển từ VNĐ sang vàng. Nếu thấy lãi suất huy động vàng cao, dân sẽ lại tích cực dự trữ vàng để gửi ngân hàng. Nếu thị trường vàng cứ "nhấp nhổm" như vừa rồi, họ lại có chỗ để kinh doanh, vừa "ăn" lãi suất ngân hàng, vừa "ăn" lãi chênh lệch khi mua bán vàng, khiến kinh tế bất ổn, ông nhìn nhận.
Trong xu hướng đó, một số đơn vị khác cũng đang cân nhắc huy động vàng trở lại. Không nằm trong danh sách các đơn vị được tham gia bình ổn thị trường, song cách đây vài hôm, một ngân hàng thương mại tại quận Đống Đa, Hà Nội cũng tiết lộ, đơn vị này đang xây dựng chiến lược nhận vàng gửi từ người dân. Thời điểm bắt đầu đang được cân nhắc. Hiện tại, nhà băng này đang lên kế hoạch để có thể "trình làng" lãi suất huy động mới và cạnh tranh nhất với các đơn vị khác.