Thời điểm lãi suất liên NH tăng nóng 30-40%, NHNN đã can thiệp hỗ trợ thanh khoản cho một số NHTM nhỏ với hạn mức từ 1.000-3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều kiện kèm theo các NHTM này là phải giảm dư nợ cho vay và rốt ráo thu hồi các khoản nợ tín dụng có khả năng thành nợ xấu.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Trong trường hợp không xử lý được các NHTM sẽ phải bán tài sản hoặc bán cổ phần để trả nợ cho NHNN. Vì thế, thay vì nới lỏng tín dụng để chạy đua chỉ tiêu lợi nhuận cuối năm, nhiều NHTM cổ phần vẫn hẹp cửa cho vay và đẩy mạnh thu hồi nợ cũ bị tồn đọng, trong đó lĩnh vực tín dụng phi sản xuất tiếp tục bị siết mạnh từ nay đến cuối năm.
Trước đây đối với một số doanh nghiệp bất động sản lớn, nợ cũ không những được đảo nợ mà NH còn bơm thêm một lượng vốn lưu động cho doanh nghiệp để đắp vá vào những công trình dở dang. Tuy nhiên, hiện nay không phải con nợ nào cũng đủ uy tín để ngân hàng duy trì mối quan hệ hữu hảo.
NH cũng không thể cho khất nợ mãi và điều gì phải đến đã đến, các NHTM bắt đầu siết nợ buộc doanh nghiệp bất động sản phải bán tháo các dự án để trả nợ. Trường hợp công bố bán tháo dự án bất động sản của Công ty địa ốc Dầu khí là một điển hình.
Đầu năm VietABank đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận 605 tỷ đồng, nhưng do tình hình kinh doanh khó khăn NH điều chỉnh còn trên 300 tỷ đồng. Nhưng 9 tháng năm 2011 lợi nhuận trước thuế của NH mới xấp xỉ 150 tỷ đồng. Theo lãnh đạo VietABank lợi nhuận thấp do lãi treo chưa thu nhiều vì doanh nghiệp chậm trả nợ.
Nếu thu hồi được các khoản nợ này NHTM dư sức vượt kế hoạch lợi nhuận. Hiện VietABank hạn chế cho vay và tập trung thu hồi nợ cũ. Thậm chí một số lãnh đạo chi nhánh của NH đã bị cách chức, chuyển làm chuyên viên thu hồi nợ.
Trong số các NHTM lớn, Agribank là đơn vị có tỷ lệ nợ xấu cao với mức 6,67% tổng dư nợ, trong đó nằm ở lĩnh vực bất động sản của những dự án giai đoạn 2008-2009. Do vậy, với các khoản vay mới trong lĩnh vực này, NH này gần như hạn chế và chủ yếu tập trung thu hồi nợ.
Trước việc bị NH đòi nợ gắt gao, nhiều doanh nghiệp phải vận động cổ đông tái đầu tư cổ tức và lợi nhuận để vượt qua khó khăn. Nhiều doanh nghiệp buộc phải bắt tay với NHTM trong việc tìm đối tác bán tháo các dự án để thu hồi nợ nhanh chóng.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là doanh nghiệp cần hợp tác với NH để thiết lập khả năng khoanh nợ, dãn nợ, đáo hạn hợp lý nhằm đảm bảo dòng vốn lưu thông và khả năng duy trì sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời giúp các NHTM cũng xoay vốn nhanh, đảm bảo khả năng thanh khoản.
Thời gian gần đây lãi suất thị trường liên NH đã hạ nhiệt phần nào sau khi NHNN can thiệp hỗ trợ tái vốn cấp cho các NHTM nhỏ. Tuy nhiên, nỗi lo thanh khoản của các NHTM vẫn còn khi dòng vốn huy động sụt giảm.
Trong khi đó các NHTM lớn đã ngại đẩy vốn cho vay những NHTM nhỏ yếu thanh khoản, ngoại trừ NHNN yêu cầu. Có tình trạng này do nhiều NHTM không xoay vốn trả nợ NH bạn nên mất uy tín. Ngoài ra, do nhiều NHTM dự trữ thanh khoản để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn nên cũng ngại đẩy vốn trên thị trường liên NH.
Trong bối cảnh đó, một số NHTM nhỏ đã tận dụng mối quan hệ với các NH khác để đảm bảo phòng thủ thanh khoản cuối năm. Việc này không mới, nhưng trong bối cảnh thanh khoản các NHTM nhỏ đang căng, sự hợp tác này lại rất cần thiết.