Như vậy, khi chuyển đổi số (CĐS) tập trung vào những DN đó, toàn bộ xã hội sẽ tự động CĐS.
Chúng tôi từng khảo sát khi làm việc với các DN như thế, điều đầu tiên họ hỏi là sẽ được lợi gì khi CĐS? Chi phí như thế nào? Có chịu thêm thuế hay không? Chúng tôi đã tiếp cận bằng cách tư vấn họ dán QR Code để xem khách hàng sử dụng hay không. Sau khi khách hàng dùng nhiều, các DN đó lại bày tỏ với chúng tôi là muốn có thêm nhu cầu khác (chẳng hạn như buôn bán trên đa nền tảng). Từ đó, chúng tôi xây dựng và phát triển dần.
Kinh nghiệm đó cho thấy rằng, những DN tiểu thương và lực lượng lao động đi kèm theo họ là đối tượng ưu thế của fintech. Vì đối với ngân hàng (NH) họ gần như vô hình, không tiếp cận dịch vụ cho vay hoặc các giải pháp tài chính của NH, vì NH không có số liệu để tham khảo và hỗ trợ.
Ở tầm rộng hơn, chúng ta nói rất nhiều về CĐS trong lĩnh vực tài chính NH, song thời gian qua việc CĐS chỉ phát triển mạnh nhất trong lĩnh vực thanh toán và ứng dụng NH. Do vậy cũng có ý kiến cho rằng vì sao fintech và NH không kết hợp thành bộ đôi hoàn hảo? Thực ra với NH cũng có nhiều mối quan tâm khác nên số hóa chỉ là một phần công việc. Xa hơn nữa là vấn đề pháp lý, nếu cơ sở pháp lý vững vàng thì sự hợp tác của NH và fintech mới tạo ra 1 thị trường mới, giúp cho việc cung cấp dịch vụ cho 5 triệu tiểu thương và 30 triệu khách hàng trong lĩnh vực đó.
Hay vì sao có ý kiến cho rằng fintech không làm luôn các dịch vụ như NH? Đúng là fintech không làm được như NH. Có hai lý do. Một là không có kinh nghiệm về quản lý tài chính và xử lý các vấn đề chi tiết chuyên môn sâu như NH. Hai là chính sách quản lý của NHNN đối với NH rất chặt chẽ nên fintech cũng không làm được.
Ngược lại NH muốn làm như fintech nhưng cũng không làm được. Vì quan điểm hai lĩnh vực khác nhau. Fintech tập trung vào phân tích dữ liệu và hành vi khách hàng để đưa ra sản phẩm phù hợp. Còn NH có sản phẩm và ngồi đợi khách hàng đến. Hai điểm chạm rất khác nhau nên không thể làm việc của nhau.
Chính vì vậy mô hình của NH số ở Hàn Quốc cũng thú vị để Việt Nam tham khảo, vì đứng sau tất cả các NH số đều là các tổ chức tài chính và các NH. Bản chất những NH số cung cấp dịch vụ trong ngành tài chính NH, còn fintech đóng vai trò cung cấp cho khách hàng điểm chạm mới từ hệ thống dữ liệu của họ, điều đó giúp cho sự phối hợp toàn diện hơn.
Hiện nay Momo hợp tác với nhiều NH để cung cấp một số dịch vụ cho NH. NH đang sử dụng công nghệ, dữ liệu và công cụ của fintech để thực hiện các sản phẩm, dịch vụ mới. Thí dụ như fintech cung cấp dịch vụ eKYC, tạo ra hệ thống thông tin tham khảo để chấm điểm tín dụng khách hàng trên dữ liệu lớn cho NH, vì NH chủ yếu tập trung chấm điểm trên thông tin tài chính. Hay các thông tin khác của khách hàng như mua gì, ăn gì, đi đâu, làm gì… là thông tin mà fintech có và đã dùng để hỗ trợ NH.
Đồng thời, fintech có thế mạnh về công cụ phòng chống lừa đảo trên môi trường mạng, vì hoạt động trực tuyến và toàn bộ sản phẩm đều tập trung ở đây. Các fintech cũng hỗ trợ NH thiết kế phần mềm thẩm định khách hàng. Lợi ích khi fintech phối hợp NH là toàn bộ các bước đều điện tử hóa nên triển khai rất nhanh.
Nhìn từ Hàn Quốc, họ có mô hình rất hay, tức họ dùng thông tin tín dụng của Chính phủ kèm theo tất cả các thông tin khác để xây dựng hệ thống đánh giá riêng của từng đơn vị, thông qua đó họ có thể “nói chuyện” với các NH, tức là qua fintech có thể biết lãi suất cho vay với khách hàng tại NH A hay NH B là bao nhiêu. Đó là những vấn đề Việt Nam có thể tham khảo.