Ngân hàng và doanh nghiệp đối thoại tháo gỡ vướng mắc về vốn

(ĐTTCO) - Ngày 1-4, tại Thanh Hóa, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp (DN) và người dân tỉnh Thanh Hóa nhằm hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Phát biểu tại hội nghị, ông Cao Việt Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Sầm Sơn cho biết, thời gian qua, gần như 100% doanh nghiệp không có doanh thu. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, nhiều ngân hàng đã triển khai sớm nhất các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp.
“Phía doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ phát triển lâu dài, đề nghị sớm ban hành chính sách theo Nghị quyết 43/2022 chương trình phục hồi kinh tế, sớm thông qua Nghị định 168/2017 về Luật Du lịch. Mong NHNN quan tâm hỗ trợ ổn định vĩ mô, duy trì hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục các chính sách thiết thực như: Khoanh nợ, giãn nợ, giảm bớt thủ tục cho vay”, ông Cao Việt Tâm cho biết. 
Còn ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Công ty May Thiên Sơn chia sẻ: Doanh nghiệp thực sự cần dòng tiền của ngân hàng. NHNN và hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) đã tạo nhiều điệu kiện thuận lợi, đặc biệt về thủ tục hành chính, tài sản đảm bảo giúp doanh nghiệp thuận lợi vay vốn trong những năm qua. Công ty may Thiên Sơn hiện có 10 nhà máy, hơn 12 nghìn lao động. doanh nghiệp có dư nợ 300 tỷ đồng, nhu cầu vốn 600 tỷ đồng.
Ngân hàng và doanh nghiệp đối thoại tháo gỡ vướng mắc về vốn ảnh 1 Hội nghị đối thoại ngân hàng và doanh nghiệp. Ảnh: CP.
Theo đại diện NHNN, dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, nhưng tín dụng toàn nền kinh tế năm 2021 đã có mức tăng trưởng cao, tăng 13,61% so với cuối năm 2020. Bước sang năm nay, tính đến ngày 23-3-2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 4,21%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm 2021 là 1,62%. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được quản lý chặt chẽ.
Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, hoạt động của doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn như năng lực tài chính thấp, nhiều người dân và một số chủ doanh nghiệp chưa được trang bị hoặc chưa được tiếp cận các dịch vụ số, công tác xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn và thường kéo dài... 
Về phía ngân hàng, ngành ngân hàng trong 2 năm qua cũng phải đối mặt với một số thách thức như nguy cơ rủi ro lạm phát, tác động của chính sách thương mại và chính sách thắt chặt tiền tệ, sức ép lên giá cả, vòng quay vốn chậm, dòng tiền đứt dãy, doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu, mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, gia tăng rủi ro về thu hồi nợ... Tất cả những điều này trong năm nay sẽ tác động mạnh hơn đến hoạt động ngân hàng.
Do đó, để được thẩm định vay vốn, nhiều doanh nghiệp cần chuyển đổi sản xuất kinh doanh hiệu quả, phù hợp với thực tế để các tổ chức tín dụng (TCTD) thẩm định cho vay. Đồng thời, cần chủ động phối hợp với các TCTD cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan theo quy định của pháp luật để được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các chính sách hỗ trợ phù hợp của các TCTD.

Các tin khác