Theo Thủ tướng, xử lý nợ xấu trước hết là việc của ngân hàng thương mại, Nhà nước chỉ tạo cơ chế và hỗ trợ chính sách.
Phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2013 diễn ra sáng 9-1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhận định, nhìn lại năm 2012, kinh tế - xã hội trong nước có nhiều khó khăn thách thức từ cả nội tại bên trong lẫn bên ngoài.
Tuy nhiên, ngay từ đầu năm, chúng ta lường chưa hết khó khăn thách thức của năm 2012, thực tế phát sinh lớn hơn nhiều so với dự báo, nhất là tác động từ suy thoái kinh tế.
Trong nước, vĩ mô không ổn định, lạm phát cao, sản xuất khó khăn, doanh nghiệp giải thể lớn, tồn kho và nợ xấu tăng cao.
Không phải chủ quan mà do không lường định được hết đã dẫn đến đề ra các mục tiêu cao hơn thực hiện như về: chỉ tiêu GDP, tổng phương tiện thanh toán, tăng trưởng tín dụng, chỉ tiêu lạm phát...
Dù vậy, Thủ tướng cũng cho rằng, Chính phủ cũng đã cùng Bộ, ngành kịp thời phân tích khó khăn, đồng thời thấy được những thuận lợi để phát huy, bám vào mục tiêu triển khai.
Cả năm nhìn lại tuy còn nhiều hạn chế nhưng cơ bản đạt mục tiêu đề ra bao gồm: kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát xuống dưới 7% (6,8%) và tiềm ẩn ít yếu tố gây lạm phát cao trong năm 2013, cán cân thanh toán thặng dư, cán cân thương mại gần như cân bằng, GDP giữ được mức tăng trưởng trong nhóm cao, lãi suất giảm mạnh...
Năm 2013, Thủ tướng nhận định, bối cảnh thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn. Do đó, phải tiếp tục theo dõi, củng cố vững chắc điều hành chính sách tiền tệ. NHNN cần phải thảo luận về cung ứng tiền, điều hành tiền để đạt được mục tiêu lạm phát, quản lý thị trường vàng, thu hẹp đô la hóa, tiếp tục tăng dự trữ ngoại tệ.
Thủ tướng khẳng định, mục tiêu đặt ra là lạm phát trong năm 2013 phải thấp hơn 2012 và nếu để xảy ra lạm phát lớn trong năm 2013 thì Thống đốc sẽ phải chịu trách nhiệm.
Thủ tướng cũng chỉ đạo, để tháo gỡ cho doanh nghiệp, ngân hàng phải đưa vốn cho sản xuất và có sự hỗ trợ kịp thời trong cơ cấu lại nợ, giãn nợ, hạ lãi suất, thậm chí khoanh nợ, trích lập dự phòng rủi ro...
Trong xử lý nợ xấu và cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, Thủ tướng cho rằng phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực của ngành ngân hàng vì ngân hàng là người hiểu rõ nhất vấn đề nội tại của mình. Thủ tướng cũng khẳng định lại rằng, Nhà nước sẽ hỗ trợ về cơ chế, chính sách chứ không ứng ngân sách ra để giúp các ngân hàng xử lý nợ xấu hay cơ cấu lại hệ thống.
"Xử lý nợ xấu trước hết là việc làm của các ngân hàng thương mại, Nhà nước chỉ tạo cơ chế và hỗ trợ chính sách thôi, có thể thông qua tái cấp vốn hoặc gì đó chứ ngân sách sẽ không có tiền để giải quyết vấn đề này", Thủ tướng nói.
Mục tiêu đặt ra trong thời gian tới là sẽ không còn ngân hàng yếu kém, không để ngân hàng cổ phần chi phối, không còn tình trạng rút tiền nơi này để đầu tư nơi khác, rút ruột, lập công ty con, vi phạm đạo lý và pháp luật...
Về quản lý thị trường vàng, sẽ tiếp tục làm như năm qua với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, không để ảnh hưởng đến VND, đảm bảo quyền lợi của người dân, khuyến khích đưa vàng vào nhà nước quản lý đưa vào sản xuất. Bên cạnh đó, tiến hành rà soát hoàn thiện văn bản pháp luật.