Ngành công nghiệp TPHCM cần có lộ trình thoát khỏi 'chiếc áo' đã quá chật

(ĐTTCO) - Tỷ trọng công nghiệp của TPHCM trong cả nước đã giảm liên tục trong 10 năm qua. Thực tế này đã phản ánh ngành công nghiệp của TP đã đạt ngưỡng giới hạn, có nghĩa: “chiếc áo” công nghiệp đã chật, cần phải thay mới!
Dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty Datalogic (Khu Công nghệ cao TPHCM) Ảnh: HOÀNG HÙNG
Dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty Datalogic (Khu Công nghệ cao TPHCM) Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nhiều ngành công nghiệp cần trợ lực

Theo Sở Công thương TPHCM, chỉ số sản xuất công nghiệp của TP từ đầu năm đến nay chỉ tăng trưởng hơn 1,4%. Trong đó, 4 ngành công nghiệp chủ lực bao gồm điện tử, hóa dược, lương thực thực phẩm và đồ uống, cơ khí đã có mức tăng thấp kỷ lục trong vòng hơn 20 năm qua. Cụ thể, ngành lương thực thực phẩm giảm 0,8%, kế đến là điện tử giảm 0,6%. Riêng ngành hóa dược và ngành cơ khí vẫn duy trì đà tăng nhẹ, lần lượt là 12,6% và 4,3%.

Nhìn nhận về vấn đề trên, ông Trương Minh Huy Vũ, Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho rằng, những hạn chế về nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực đất đai để thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, đã ảnh hưởng đến phát triển công nghiệp thành phố. Hiện thành phố chỉ có 17 khu công nghiệp (KCN) hoạt động với diện tích 4.549ha trong tổng số 23 KCN đã quy hoạch.

Nếu so với toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là 118 KCN với hơn 52.000ha và cả nước là 288 KCN với 123.000ha, thì diện tích cho KCN của TPHCM quá thấp. Đáng lo ngại hơn, thành phố đang gặp nhiều hạn chế về quỹ đất mới để phát triển thêm KCN và có nguy cơ phải đưa ra khỏi quy hoạch những KCN đã quy hoạch trước đó.

Chia sẻ thêm, ông Trần Vĩnh Hà, Chủ tịch Công ty TNHH Vĩnh Phát Motors, cho biết, không chỉ thiếu quỹ đất, vướng mắc lớn nhất của thành phố chính là chính sách với đất KCN chưa thực sự tạo động lực cho doanh nghiệp (DN) thuê đất. Các DN thuê đất của các chủ đầu tư KCN thì trả tiền thuê một lần, nhưng giấy tờ đất thì ghi nhận là thanh toán hàng năm.

Thực tế này khiến các tổ chức tín dụng không nhận làm tài sản đảm bảo để cho DN vay vốn. Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi của nhà nước như trả chậm, miễn giảm tiền thuê đất… thì chủ đầu tư KCN hưởng thay vì là DN thuê đất trong KCN. Vấn đề này đã được các DN kiến nghị ròng rã nhiều năm qua, nhưng cho đến nay vẫn chưa được tháo gỡ.

Thực tế cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2023, thu hút đầu tư mới của TPHCM đã giảm mạnh hơn 80% so với cùng kỳ. Ngoài ra, trong nhiều năm qua, thành phố có chủ trương hạn chế thu hút đầu tư thâm dụng lao động, khuyến khích các DN đang hoạt động chuyển đổi sản xuất theo hướng tiếp cận công nghệ cao. Quá trình này cũng làm giảm lượng lớn DN do không có khả năng chuyển đổi và phải di dời ra các khu vực lân cận.

Tạo đà phục hồi

Theo ông Trần Vĩnh Hà, trong quá trình hoạt động, DN vướng mắc ở đâu sẽ kiến nghị tháo gỡ ở đó. Trước hết, thành phố cần thiết lập KCN mới với quỹ đất sạch có sẵn. Cùng với đó là định rõ chiến lược thu hút đầu tư chuyên ngành cho từng KCN, rút kinh nghiệm thu hút đầu tư tổng hợp như các KCN hiện tại vì khó tạo nên chuỗi sản xuất chuyên ngành, có năng lực cạnh tranh cao.

Về phía bộ ngành, cần có đề xuất tháo gỡ bất cập chính sách của Luật Đất đai, nhất là chính sách thuê đất KCN và cấp giấy chứng nhận thuê đất để hỗ trợ DN được tối ưu hóa nguồn vốn cho sản xuất. Kế đến là hoạt động chuyển đổi sản xuất theo hướng ứng dụng chuyển đổi số, tạo lập trung tâm chuyển đổi số đủ năng lực, đủ tầm để kết nối, tư vấn và trực tiếp hỗ trợ DN. Điều này sẽ giúp DN tránh sa vào “ma trận” tư vấn chuyển đổi số hiện nay.

Một giải pháp khác rất quan trọng được các DN quan tâm là hỗ trợ vốn. Ngoài việc ban hành những gói hỗ trợ thì các cơ quan chức năng cần thay đổi cách thức quản lý điều hành sao cho nhịp nhàng. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, ví dụ: “Chương trình kích cầu đầu tư do UBND TPHCM chủ trì, giao cho Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM triển khai hỗ trợ vốn cho các ngành chủ lực với lãi suất ưu đãi lên đến 7 năm. Chương trình đã được triển khai trong nhiều năm nhưng đã bị dừng đột ngột vào năm 2021, khiến nhiều DN bị vỡ kế hoạch đầu tư và đứng trước nguy cơ phá sản dự án”.

Ở góc độ khác, Tập đoàn Roland Berger - một trong những tổ chức nghiên cứu chiến lược hàng đầu thế giới, chỉ ra rằng, hiện TPHCM còn rất nhiều dư địa và đang có dịch chuyển phát triển rõ nét ở một số ngành có giá trị gia tăng cao. Do đó, cùng với những ngành công nghiệp chủ lực hiện tại, TPHCM có thể mở rộng các ngành công nghiệp mới là: công nghệ sinh học, thiết bị y tế, tự động hóa robotics, ngành vật liệu mới và thiết bị ngành năng lượng tái tạo. Song song đó, thành phố tạo lập hệ sinh thái các ngành dịch vụ hỗ trợ công nghiệp tiềm năng là du lịch, tài chính, bảo hiểm, ngân hàng đầu tư, thương mại điện tử, y tế chất lượng cao, vận tải và logicstics, công nghệ giáo dục.

“Muốn làm được những điều này, TPHCM cần vạch rõ lộ trình 2 bước là đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc các ngành hiện hữu nhằm cải tiến sản xuất, tăng hàm lượng kỹ thuật và di dời các cơ sở gây ô nhiễm, thâm dụng lao động ra khỏi thành phố, nhằm tạo quỹ đất cho phát triển các ngành công nghiệp mới. Kế đến là từng bước tạo lập hệ sinh thái, tận dụng và thúc đẩy liên kết vùng để thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao. Đây là cơ sở để TPHCM không những duy trì vị thế đầu tàu kinh tế vững chắc, mà còn giúp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tiến nhanh hơn trong lộ trình chuyển đổi kinh tế bền vững”, ông Bùi Đào Thái Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Roland Berger Việt Nam, chia sẻ.

Các tin khác