Sụt giảm đơn hàng
Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), ngành dệt may đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Hiện nay, cạnh tranh về đơn hàng giữa doanh nghiệp (DN) nội địa với DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) diễn ra ngày càng gay gắt. Nhiều DN đang rơi vào tình trạng khan hiếm đơn hàng, thậm chí một số đã phải đóng cửa, đối diện với nguy cơ phá sản.
Nguyên nhân của tình trạng này là do hầu hết các đơn hàng bị chia nhỏ, khách hàng thờ ơ trong việc đặt hàng dài hạn, đặc biệt tình trạng ép giá thấp khiến lợi nhuận của DN bị sụt giảm. Các đơn hàng có xu hướng chuyển sang những nước có ưu đãi về thuế suất như Banglades, Campuchia, thay vì vào Việt Nam như trước đây.
May veston xuất khẩu. Ảnh: THÀNH TRÍ
Việc chưa tận dụng được cơ hội từ CPTPP, bên cạnh những nguyên nhân khách quan còn có sự “thờ ơ” của DN, khi có đến gần 60% số DN được khảo sát cho biết có nghe nói đến CPTPP nhưng lại chưa tìm hiểu về hiệp định này. |
Bên cạnh đó, lợi thế về nhân công giá rẻ không còn, khi mà nhiều quốc gia có giá nhân công chỉ bằng một nửa của ngành dệt may Việt Nam.
Để thu hút đơn hàng, các quốc gia đã áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ DN dệt may của họ như giảm nhiều loại thuế, khiến nguy cơ mất đơn hàng của các DN Việt Nam ngày càng cao. Ngoài ra, ngành dệt may đang chịu sức ép về nguồn cung khi phải trả chi phí cao hơn để mua vải từ Trung Quốc, trong khi áp lực giảm giá từ các đơn hàng xuất khẩu để cạnh tranh không nhỏ.
“Dệt may Việt Nam đang mất dần lợi thế về giá nhân công so với một số nước. Ngoài ra, việc đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ cho ngành dệt may còn hạn chế, dẫn đến giảm khả năng cạnh tranh”, chuyên gia kinh tế Trần Minh Ngọc, Đại học Công nghiệp TPHCM, phân tích.
Trong khi đó, các mặt hàng dệt may hiện nay cũng chưa tận dụng được những cơ hội từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tính đến thời điểm hiện tại, sau hơn 10 tháng CPTPP có hiệu lực nhưng việc cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) của Việt Nam vẫn đang phụ thuộc vào các cơ quan hữu quan, trong khi những nước thành viên CPTPP đã cho phép các DN tự chứng nhận.
Bên cạnh đó, yêu cầu xuất xứ từ sợi trở đi, nghĩa là từ công đoạn kéo sợi, dệt nhuộm vải đều phải thực hiện trong khu vực CPTPP là thách thức không nhỏ, vì các DN dệt may đang phải nhập khẩu hơn 60% nguyên phụ liệu ngoài khu vực CPTPP. Ngành dệt may sẽ khó tận dụng được hết các cơ hội, thậm chí còn gặp khó với CPTPP, bởi nếu không đảm bảo được quy tắc xuất xứ, hàng hóa Việt Nam xuất đi sẽ không được hưởng ưu đãi thuế.
Cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước
Nhiều DN dệt may xem 2 hiệp định CPTPP và EVFTA là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường và hưởng ưu đãi thuế. Tuy nhiên, muốn DN tận dụng được cơ hội này thì phía Nhà nước phải giải quyết những điểm nghẽn nêu trên, để khơi thông, phát triển cho ngành dệt may. Do vậy, các DN dệt may kiến nghị, Nhà nước cần hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, vốn nhằm giúp DN ứng dụng các công nghệ tiên tiến hơn.
Bên cạnh đó, tháo gỡ những khó khăn cho DN về thủ tục hải quan, xuất nhập khẩu, hoàn thuế… Có chính sách tạo thuận lợi cho DN giảm chi phí sản xuất, chính sách cấp phép đầu tư vào khâu dệt, nhuộm. Bởi trong những năm gần đây, nhằm thu hút đơn hàng, những quốc gia cạnh tranh xuất khẩu dệt may với Việt Nam đều áp dụng các chính sách hỗ trợ DN dệt may nội địa, bao gồm giảm thuế thu nhập DN, thuế nhập khẩu nguyên phụ liệu.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vitas Trương Văn Cẩm cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh hết sức quyết liệt, việc đạt được mức tăng trưởng khoảng 9% là một nỗ lực rất lớn của toàn ngành dệt may. Để chạm tới mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD trong năm 2019, từ nay đến cuối năm các DN phải tích cực tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu, thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh phù hợp với xu hướng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Đồng thời, tập trung khai thác các đơn hàng đòi hỏi kỹ thuật cao, tận dụng tối đa nguồn nhân lực tay nghề cao trong nước, cũng như đáp ứng thời gian giao hàng nhanh, chính xác, bảo đảm chất lượng theo yêu cầu của khách hàng. Các DN dệt may cũng lưu ý cần đoàn kết, hợp tác với nhau thông qua các chương trình liên kết, hỗ trợ của hiệp hội, nhằm đáp ứng tốt quy tắc xuất xứ theo cam kết tại các FTA. Các DN nhỏ có thể cùng nhau hình thành chuỗi sản xuất để đáp ứng được những đơn hàng lớn đảm bảo số lượng, chất lượng và thời gian, tạo uy tín lâu dài với đối tác.
“Hiệp hội sẽ tiếp tục đồng hành cùng DN trong việc phản ánh, đề xuất tháo gỡ khó khăn cho DN khi thực hiện các văn bản pháp luật (thủ tục hải quan, xuất nhập khẩu, hoàn thuế, góp ý sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động, các chế độ liên quan đến người lao động…); đồng thời triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, hội thảo, tập huấn, đào tạo về chứng nhận xuất xứ, chương trình phát triển bền vững của ngành. Về phía Nhà nước cần thực hiện nhiều giải pháp từ vĩ mô cho đến vi mô, nhằm hỗ trợ một cách hiệu quả nhất cho quá trình sản xuất, xuất khẩu sản phẩm dệt may”, đại diện Vitas đề nghị.