Năm 2012, khi nền kinh tế càng bộc lộ nhiều khó khăn hơn, đã khiến khách du lịch trong và ngoài nước buộc phải tiết kiệm, cân nhắc hơn trong chi tiêu. Thực trạng này đang đặt ra thách thức lớn cho ngành du lịch cả nước trong năm 2012.
Áp lực giá tăng
Thông thường, du lịch bắt đầu vào mùa từ tháng 3 hàng năm và hoạt động nhộn nhịp suốt cả năm. Nhưng đến thời điểm này, nhiều đơn vị dự báo lượng khách du lịch trong dịp 30-4 tới sẽ sụt giảm mạnh, lượng khách du lịch nội địa không cao và chủ yếu là khách du lịch theo đoàn hơn là khách lẻ.
Khách du lịch giảm trong khi mới đây giá xăng lại tăng nên các công ty du lịch cho biết dịp 30-4 và 1-5 tới, giá tour sẽ đồng loạt tăng để tránh lỗ vì giá vé máy bay nội địa tăng. Một số công ty như Saigontourist, Viettravel, Fiditour, Lửa Việt, Tân Hồng cho biết đang lên kế hoạch xem xét điều chỉnh giá tour trong dịp lễ sắp tới.
Tuy nhiên, nói tăng giá thì dễ nhưng để thực hiện các hãng lữ hành cũng đang đau đầu vì nhiều vấn đề. Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Dã ngoại Lửa Việt chia sẻ: “Kinh tế thế giới chưa thoát khỏi suy thoái, nợ công và lạm phát diễn ra ở nhiều quốc gia, cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng gay gắt… đang ảnh hưởng mạnh đến ngành du lịch Việt Nam.
Trong bối cảnh chung này việc giá xăng tăng đã tạo áp lực khiến các dịch vụ thi nhau đội giá, kéo theo cả một chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ tăng theo. Những lần trước, xăng tăng giá nhẹ nên DN cũng dễ thở hơn nhưng lần này giá xăng tăng đến 10% dẫn đến việc giá cả thị trường tăng mạnh, trong khi thu nhập của người dân không tăng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của ngành du lịch”.
Ngoài việc người dân cắt giảm chi tiêu, hạn chế đi du lịch, phân tích ở góc độ kinh doanh, trong một tour du lịch, nếu hành khách di chuyển bằng máy bay, chi phí vận chuyển đã chiếm đến 40% giá thành, nếu đi bằng đường bộ chi phí chiếm khoảng 30-35%. Khi giá xăng tăng, các dịch vụ vận chuyển bắt đầu rục rịch báo giá mới, do đó phải thiết kế lại giá tour cho dịp lễ sắp tới.
Dự báo các điểm tham quan, dịch vụ nghỉ ngơi, ăn uống sẽ tăng giá khoảng 30%. Tuy nhiên, giá tour của buộc các công ty du lịch chỉ điều chỉnh tăng khoảng 15% so với cùng kỳ. Sở dĩ không thể tăng theo giá cả thị trường vì sản phẩm du lịch nước ta còn nghèo nàn, chất lượng sản phẩm du lịch thấp, môi trường, an ninh du lịch còn nhiều vấn đề tồn tại. Do vậy với mức tăng giá này theo ông Mỹ sẽ phải thực hiện tiết kiệm, cắt giảm chi phí, bởi nếu tăng giá cao sẽ mất khách.
Đau đầu khách giảm
Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty du lịch Thế hệ trẻ, nhận định thị trường du lịch vào dịp lễ 30-4 và 1-5 đang chuyển động chậm, đa số khách thường tập trung các điểm du lịch ở miền Trung với các tour ngắn ngày. Công ty đã đặt phòng khách sạn 4 tháng trước nhưng dự báo lượng khách đăng ký không thể lấp đầy.
Các công ty như Hanoi Redtour, Viettravel, Saigontourist, BenThanh Tourist cho biết những năm trước, từ tháng 3 khách đã đặt gần kín tour cho dịp lễ 30-4 nhưng năm nay chỗ trống vẫn còn nhiều, lượng khách lẻ đăng ký ít hơn khách đoàn. Trước tình trạng giá cả dịch vụ du lịch đang tăng, thay vì rầm rộ đặt tour du lịch trong dịp lễ như trước đây, nhiều gia đình và các bạn trẻ lên kế hoạch tự thiết kế tour riêng nhằm tiết kiệm chi phí.
![]() |
Lượng du khách đặt phòng khách sạn dịp lễ giảm mạnh. |
Theo bà Nguyễn Minh Hoa, Giám đốc DN tư nhân Hoa Lê, những năm trước đơn vị thường đặt tour tại các công ty du lịch cho công nhân đi nghỉ dịp lễ 30-4, nhưng năm nay do chi phí sản xuất tăng cao ảnh hưởng đến lợi nhuận nên công ty đã tự thuê xe, đặt phòng khách sạn ở Vũng Tàu để thuận lợi trong việc di chuyển, vừa có thể vui chơi vừa tiết kiệm được chi phí.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Tính, nhân viên một công ty công nghệ thông tin, cho biết du lịch tự túc đang là xu hướng của giới trẻ tại các thành phố lớn trong thời điểm kinh tế khó khăn. Chính tâm lý này đang khiến các công ty du lịch mất đi một lượng khách nội địa đáng kể.
Ông Lý Thanh Giang, giám đốc một công ty du lịch ở quận 3, cho biết trước đây vào các dịp lễ hội, việc tìm phòng khách sạn là một bài toán nan giải với nhiều công ty du lịch do hiện tượng đầu cơ phòng khách sạn, nổi cộm là ở các địa điểm du lịch hút khách như Nha Trang, Đà Lạt.
Các công ty du lịch chỉ mua được một ít phòng, còn lại nằm trong tay các đầu nậu. Các đầu nậu này sẽ bán trực tiếp cho khách du lịch hoặc rao bán cho các công ty lữ hành với giá rất cao. Thí dụ họ mua giá 500.000 đồng/phòng rồi bán lại với giá 1 triệu đồng/phòng.
Cứ mỗi dịp lễ, tết, các đầu nậu này lại liên tục gửi thông tin chào bán phòng nghỉ khách sạn. Tuy nhiên, hiện nay các đầu nậu đã bắt đầu “nhả” phòng nên các công ty lữ hành dễ dàng đặt được phòng trực tiếp từ khách sạn hơn. Đây cũng không phải là dấu hiệu vui vì việc đầu nậu đăng ký ít phòng đánh dấu sự sụt giảm lượng khách du lịch trong năm nay.
Do không lường trước được khó khăn, cách đây 2 tháng, công ty của ông Giang đã đặt một lượng lớn phòng tại nhiều khách sạn. Đến nay lượng khách đặt tour rất ít, dự báo sẽ khoảng 40% phòng không có khách, công ty cầm chắc lỗ lớn.
Một rủi ro gây thiệt hại nữa mà nhiều công ty lữ hành sẽ phải đón nhận, là việc nhiều DN đang “ôm” một lượng lớn vé máy bay để đón đầu thị trường. Những công ty này đã đăng ký trước một lượng vé máy bay với số tiền vài trăm triệu đến cả tỷ đồng.
Đến thời điểm này, nhiều đơn vị trên mới bán được 15-20% số vé đã lỡ “ôm” và dự báo sẽ ế nặng vì ít khách đăng ký.
(Còn tiếp)