ĐTTC nhận được phản ánh của một số doanh nghiệp kinh doanh BĐS, cho rằng tại các dự án chung cư ngành điện không đầu tư thi công điện tới từng căn hộ. Chủ đầu tư phải bỏ tiền ra làm sau đó “hiến” cho ngành điện quản lý và ngành điện lại coi đây là tiền đầu tư của ngành này? Để rộng đường dư luận, ĐTTC đăng ý kiến của ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực TPHCM.
Khi triển khai cấp điện cho các dự án nói chung và BĐS nói riêng, chúng tôi phải xem có trong quy hoạch (về điện) mới thực hiện việc triển khai. Trường hợp chưa có trong quy hoạch phải xem xét lại. Những trường hợp phát sinh ngành điện phải bổ sung và trình Sở Công Thương duyệt quy hoạch (bổ sung).
Nếu dự án thực hiện bằng ngân sách nhà nước, sau khi Sở Công Thương duyệt quy hoạch, Sở Tài chính cấp ngân sách, chủ đầu tư sẽ tiến hành thi công. Ngành điện chỉ có nhiệm vụ thỏa thuận với chủ đầu tư để đấu nối điện, xem xét vấn đề an toàn cho lưới điện, hạn chế sự cố có thể xảy ra. Về thủ tục, văn bản thỏa thuận đấu nối chỉ trong vòng 1 tuần lễ.
Kéo đường điện cho một khu chung cư mới ở quận 8, TPHCM. Ảnh: ĐỨC TRÍ |
Đối với các dự án chung cư được đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp, thông thường ngành điện chỉ thi công đến đồng hồ tổng. Sau đó chủ đầu tư phải thi công phần đường dây từ đồng hồ tổng đến từng căn hộ. Trong trường hợp chủ đầu tư yêu cầu ngành điện thi công đến đồng hồ từng căn hộ, chúng tôi buộc phải đợi khi dự án xong mới thi công được. Lúc đó nếu đi điện âm phải đục tường, sẽ ảnh hưởng đến những hạng mục khác của dự án.
Trong trường hợp đi dây nổi công trình sẽ mất thẩm mỹ. Do đó ngành điện thỏa thuận với chủ đầu tư để xây dựng trạm hạ thế và gắn đồng hồ tổng cho toàn bộ dự án, phần việc còn lại như thi công sau đồng hồ tổng do chủ đầu tư thực hiện.
Về việc này, chúng tôi khẳng định không làm trái Luật Điện lực. Luật Điện lực có quy định “ngành điện cấp điện đến công tơ của từng hộ gia đình hoặc có thỏa thuận khác”, theo đó ngoài việc quy định phải gắn đồng hồ điện cho dân, ngành điện cũng có thể có thỏa thuận khác tùy theo điều kiện cụ thể.
Bên cạnh đó, Nghị định 37 về đầu tư BĐS cũng quy định chủ dự án BĐS phải đầu tư hạ tầng bên trong dự án, kể cả hệ thống điện. Như vậy ngành điện chỉ đầu tư đến hàng rào của dự án, còn bên trong dự án chủ đầu tư phải thực hiện.
Thực tế có những trường hợp, dự án chung cư kéo dài quá lâu do chủ đầu tư không có năng lực hoặc chung cư xây xong không có người vào ở. Như vậy việc ngành điện đầu tư đồng hồ vào từng căn hộ sẽ không hiệu quả. Trong khi đó khi lập dự án, ngành điện phải tính hiệu quả đầu tư và vấn đề này cơ quan chức năng giám sát rất chặt chẽ, nếu không hiệu quả chúng tôi phải chịu trách nhiệm.
Thí dụ ngành điện phải đầu tư 3km cáp ngầm để cấp điện cho dự án chung cư đảo Kim Cương ở quận 2. Nếu dự án này không bán được, tức công trình của ngành điện cũng “chết” theo. Về phản ánh của chủ đầu tư, việc bàn giao, quyết toán công trình, những hạng mục do doanh nghiệp đầu tư, những vấn đề này ngành điện phải báo cáo Sở Tài chính rất chi tiết.
Không ai có thể biến tài sản của doanh nghiệp thành tài sản của ngành điện. Bởi mỗi dự án đều có đầy đủ hồ sơ về đầu tư, nghiệm thu, quyết toán… Sau khi nghiệm thu, công trình (phần điện) sẽ được bàn giao cho ngành điện quản lý để vận hành, bảo trì, sửa chữa…